5 năm trở lại đây, tình hình vi phạm pháp luật trong lứa tuổi thanh, thiếu niên trên địa bàn thành phố Tam Điệp chiếm tỷ lệ khá cao. Cụ thể, theo số liệu thống kê từ năm 2014 đến nay, trên địa bàn thành phố Tam Điệp có 84% đối tượng thanh, thiếu niên vi phạm pháp luật về TTATGT bị xử lý; 40% đối tượng trong lứa tuổi thanh, thiếu niên liên quan đến ma túy; số đối tượng thanh, thiếu niên phạm tội trong lĩnh vực trật tự xã hội chiếm khoảng 35% và vi phạm hành chính lĩnh vực trật tự xã hội chiếm khoảng 41%.
Trước thực trạng trên, trong năm 2018, thành phố Tam Điệp đã triển khai thực hiện Chỉ thị số 10 ngày 19/9/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Chương trình hành động số 124 của UBND tỉnh về tăng cường quản lý, giáo dục thanh, thiếu niên hư có nguy cơ vi phạm pháp luật tại tất cả các xã, phường trên địa bàn, nhằm phát huy vai trò của các ngành, đoàn thể và toàn dân tham gia vào công tác quản lý, giáo dục thanh, thiếu niên hư, góp phần ổn định trật tự an toàn xã hội.
Theo đó, thành phố đã giao cho các phường, xã rà soát và quyết định lập hồ sơ đưa 36 thanh, thiếu niên hư trên địa bàn vào diện quản lý, giáo dục. Để giáo dục các đối tượng này nói riêng cũng như các thanh, thiếu niên nói chung trên địa bàn trở thành người có ích cho xã hội, thành phố đã tăng cường thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục lý tưởng, đạo đức, lối sống cho thanh, thiếu niên thông qua các hoạt động ngoại khóa trong các nhà trường, các hoạt động ở các tổ chức Đoàn...
Quản lý các dịch vụ văn hóa nhằm hạn chế tác động tiêu cực ảnh hưởng tới lý tưởng, đạo đức, lối sống của thanh, thiếu niên trên địa bàn. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật với nhiều hình thức tuyên truyền phong phú, nội dung cụ thể, thiết thực như: tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh và tuyên truyền lưu động trên các đường phố, lồng ghép tuyên truyền phòng ngừa tội phạm, ma túy, đảm bảo ANTT, trật tự ATGT với các phong trào khác của địa phương.
Trong năm qua, thành phố đã thành lập nhiều mô hình quản lý giáo dục thanh, thiếu niên hư trên địa bàn như: Mô hình "3+1", gồm 1 cán bộ đoàn thể, 1 cán bộ công an xã, phường, 1 cán bộ tổ dân phố, thôn, xóm cùng với gia đình giúp đỡ một thanh, thiếu niên hư; hay mô hình "Dòng họ tự quản về ANTT"; mô hình " 4 quản" quản công việc, thời gian, tài sản, mối quan hệ của đối tượng trong diện thanh, thiếu niên hư… gắn với phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa.
Bên cạnh đó, thành phố đã huy động nhân dân tham gia tố giác phát hiện những thanh, thiếu niên hư trên địa bàn thông qua việc phát phiếu phát giác đến từng hộ gia đình trên địa bàn thành phố. Với vai trò là nòng cốt, lực lượng Công an thành phố đã tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội trong thanh, thiếu niên, góp phần ngăn chặn và đẩy lùi các nhân tố phát sinh tội phạm trên địa bàn.
Riêng đối với các trường hợp đối tượng thuộc diện quản lý, Công an thành phố đã tập trung nắm chắc hoàn cảnh, mối quan hệ gia đình, xã hội của từng trường hợp thanh, thiếu niên hư để có giải pháp quản lý, giáo dục phù hợp giúp đỡ các em tiến bộ, đồng thời phối hợp với gia đình, các tổ chức đoàn thể lập sổ theo dõi để phản ánh những chuyển biến tâm lý, ý thức chấp hành của đối tượng để tiếp tục có những biện pháp giáo dục, quản lý hiệu quả.
Cùng với lực lượng công an, với vai trò tiên phong, thời gian qua các cấp bộ Đoàn trên địa bàn thành phố đã tích cực gặp gỡ từng gia đình có đối tượng thanh, thiếu niên hư, có nguy cơ vi phạm pháp luật để vận động, phối hợp đưa con em vào diện quản lý, giáo dục. Đồng thời, chú trọng tạo sân chơi bổ ích để các em tránh các tai, tệ nạn xã hội, các hoạt động không lành mạnh ảnh hưởng tới học tập, cuộc sống...
Với các biện pháp tích cực, đồng bộ, sau hơn 1 năm tăng cường thực hiện công tác quản lý, giáo dục thanh, thiếu niên hư có nguy cơ vi phạm pháp luật, nhận thức của thanh, thiếu niên trên địa bàn có nhiều chuyển biến, đã có 18 thanh, thiếu niên tiến bộ đưa ra khỏi diện quản lý, giáo dục; đồng thời, rà soát bổ sung mới 3 đối tượng vào diện quản lý.
Những kết quả trong thực hiện công tác quản lý, giáo dục thanh, thiếu niên hư, có nguy cơ vi phạm pháp luật đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa tội phạm trong lứa tuổi thanh, thiếu niên trên địa bàn.Huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là sự tham gia tích cực của các ban, ngành, đoàn thể ở các xã, phường trong việc giúp đỡ các thanh, thiếu niên hư trở thành những thanh, thiếu niên tiến bộ, giảm những nhân tố phát sinh tội phạm, góp phần giữ vững ổn định ANTT trên địa bàn.
Bài, ảnh: Kiều Ân