Trong năm 2018, đơn vị đã thiết kế, in ấn và cấp phát 48.500 tờ rơi, 3.050 poster tuyên truyền về ATTP. Thực hiện sửa chữa, thiết kế, lắp đặt 21 panô, biển hiệu tuyên truyền về ATTP tại các địa phương. Tổ chức 111 hội nghị, lớp tập huấn với 8.487 lượt người tham dự để phổ biến các quy trình, quy phạm, văn bản pháp luật, các tiêu chuẩn quy chuẩn kỹ thuật điều kiện chế biến, bảo quản vận chuyển nông sản… Cùng với việc tuyên truyền, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát được Chi cục triển khai một cách quyết liệt.
Chủ trì đoàn kiểm tra liên ngành số 3 của tỉnh, đơn vị đã tiến hành kiểm tra về ATTP đối với 30 cơ sở trên địa bàn trong các đợt cao điểm như Tết Nguyên đán 2018, Tháng hành động vì an toàn thực phẩm, Tết Trung thu 2018. Kết quả, đã xử phạt hành chính 11 cơ sở vi phạm, tổng số tiền 51,7 triệu đồng.
Trong năm 2018, Chi cục cũng tiến hành thanh tra chuyên ngành về ATTP nông, lâm, thủy sản tại 3 cơ sở là Công ty TNHH thương mại Hà Giang, Công ty TNHH Thanh An và Cơ sở sản xuất, kinh doanh giò, chả, nem chua của ông Đinh Văn Huynh, đường 10, xã Khánh An, huyện Yên Khánh.
Nhìn chung, các cơ sở cơ bản chấp hành các quy định của pháp luật về thủ tục hành chính, điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguyên liệu và các yếu tố đầu vào phục vụ sản xuất, bao gói và bảo quản sản phẩm bảo đảm ATTP trong chế biến, bảo quản. Thực hiện test nhanh tại hiện trường: lấy 2 mẫu giò, chả test nhanh hàn the. Các test nhanh đều cho kết quả âm tính.
Về kiểm tra, đánh giá phân loại cơ sở theo Thông tư 45/2014/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và PTNT, Chi cục đã kiểm tra 281 cơ sở, đánh giá xếp loại 171 cơ sở. Kết quả, có 5 lượt kiểm tra xếp loại A, 169 lượt kiểm tra xếp loại B, 1 cơ sở xếp loại C; các cơ sở còn lại tạm ngừng hoạt động, chưa hoạt động, cơ sở ngừng hoạt động, cơ sở không đánh giá.
Đối với công tác lấy mẫu phân tích các chỉ tiêu về ATTP phục vụ công tác hậu kiểm sau công bố phù hợp ATTP, tiến hành lấy 61 mẫu, trong đó: 12 mẫu mắm, 24 mẫu cơm cháy, 11 mẫu đồ hộp rau, quả, 4 mẫu gạo, 6 mẫu giò chả; 1 mẫu xì dầu, 2 mẫu hạt bí, hạt hướng dương, 1 mẫu hành lá. Kết quả, đã phát hiện 8 mẫu có chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn đã công bố.
Qua đó, tiến hành xử phạt vi phạm hành chính 5 cơ sở có mẫu vi phạm, đồng thời đã đình chỉ tiêu thụ sản phẩm...Có thể nói rằng, kết quả kiểm tra, giám sát ATTP nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh đã góp phần nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Nhờ vậy, đến nay công tác bảo đảm chất lượng ATTP nông, lâm, thủy sản đã có những chuyển biến rõ rệt. Tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đã được kiểm soát tốt. 140 mẫu thịt lợn, gà, rau, quả được lấy đưa đi giám sát các chỉ tiêu về vi sinh vật, chất cấm, kháng sinh, dư lượng BVTV theo Thông tư 08/2016/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và PTNT đều không phát hiện vi phạm. Điều đáng mừng hơn cả là thời gian qua, dưới sự hỗ trợ của Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản, ngày càng nhiều tổ hợp sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn đã được hình thành.
Có thể kể ra như: mô hình nuôi gà an toàn sinh học tại xã Thạch Bình, huyện Nho Quan; sản xuất rau theo hướng VietGAP đảm bảo ATTP tại xã Mai Sơn, huyện Yên Mô; nuôi tôm sú đảm bảo ATTP tại xã Kim Hải, huyện Kim Sơn; nuôi cá quả thương phẩm đảm bảo ATTP gắn với tiêu thụ tại thị trấn Me, Gia Viễn; liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ ổi Đài Loan an toàn tại xã Yên Sơn, thành phố Tam Điệp; mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ rau an toàn tại xã Khánh Thiện, huyện Yên Khánh; mô hình theo tiêu chuẩn VietGAP của cơ sở trồng trọt hộ ông Tống Viết Vinh xã Mai Sơn, huyện Yên Mô; mô hình theo tiêu chuẩn HACCP của cơ sở chế biến nông sản thực phẩm tại Công ty cổ phần chế biến nông sản Việt Xanh…
Mô hình được triển khai đã giúp các hộ nông dân, cơ sở sản xuất biết áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến, phù hợp tiêu chuẩn vào sản xuất; xây dựng hệ thống quản lý chất lượng phù hợp; thiết lập hồ sơ ghi chép truy xuất trong suốt quá trình sản xuất, từ đó kiểm soát được chất lượng sản phẩm. Đồng thời giảm mức độ ô nhiễm môi trường, tạo ra môi trường lao động an toàn bảo vệ sức khỏe của chính người lao động thông qua sử dụng phương pháp canh tác phù hợp, không sử dụng thuốc diệt cỏ, giảm lượng phân bón hóa học và thuốc trừ sâu... Năng suất nhờ đó cũng tăng lên.
Chỉ tính riêng trong năm 2018, đã có 49 cơ sở sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy sản được Chi cục thẩm định, cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP; 648 người được xác nhận đã qua lớp tập huấn kiến thức ATTP; 2 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn của Công Ty TNHH Đầu tư thương mại và dịch vụ Thanh Nga và Hợp tác xã sản xuất, tiêu thụ cây, con đặc sản an toàn Yên Hòa - Yên Mô được xác nhận.
Ông Lê Hồng Sinh, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản cho biết: Năm 2018, đánh dấu sự chuyển biến mạnh trong công tác xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn và truyền thông về ATTP. Đặc biệt, thay đổi rõ các hoạt động giám sát, kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm trong quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản. Số vụ vi phạm giảm nhiều, đồng thời ý thức của các chủ cơ sở, hộ gia đình sản xuất cũng được nâng lên một bước.
Trong thời gian tới, với mục tiêu tạo sự chuyển biến rõ rệt, toàn diện tình trạng ATTP trên địa bàn góp phần bảo vệ sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng các sản phẩm nông, lâm, thủy sản, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn người sản xuất, kinh doanh tuân thủ các quy định về sử dụng thuốc BVTV trong trồng trọt; thuốc thú y, thuốc kháng sinh trong chăn nuôi; chất bảo quản, phụ gia... và đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn trong sản xuất, kinh doanh. Tuyên truyền, vận động người tiêu dùng ủng hộ những sản phẩm đã được kiểm tra, chứng nhận.
Rà soát, bổ sung quy hoạch các vùng trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa đảm bảo chất lượng ATTP. Tiếp tục xây dựng và phát triển các mô hình áp dụng hệ thống quản lý chất lượng thực hành sản xuất tốt. Tăng cường lấy mẫu kiểm định giám sát chất lượng nông, lâm, thủy sản về số lượng mẫu và chất lượng kiểm nghiệm.
Ngay trong dịp Tết Kỷ Hợi 2019 này, đơn vị đã xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra, trọng điểm tập trung vào những mặt hàng sử dụng nhiều trong dịp Tết như thịt, bia, rượu, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo, rau, củ quả, phụ gia thực phẩm… tại các cơ sở kinh doanh ăn uống. Kiểm soát chặt tại các chợ đầu mối, chợ truyền thống, cơ sở giết mổ, vận chuyển thực phẩm.
Hà Phương