Theo thống kê sơ bộ, mỗi năm toàn tỉnh gieo trồng khoảng 80 nghìn ha lúa, hơn 9 nghìn ha rau màu các loại và hàng vạn ha cây trồng khác. Trong chăn nuôi, tổng đàn lợn khoảng 400 nghìn con và hàng triệu con gia cầm, tổng sản lượng thịt các loại đạt khoảng 60 nghìn tấn. Cùng với đó là hàng trăm cơ sở thu mua chế biến nông sản, giết mổ gia súc, gia cầm, chợ nông sản và các cơ sở kinh doanh, giống, vật tư nông nghiệp...
Để từng bước siết chặt vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các mặt hàng nông, lâm, thủy sản, trong năm 2012, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản, Sở Nông nghiệp & PTNT đã tổ chức 58 lớp tập huấn kiến thức về VSATTP cho trên 4 nghìn người là cán bộ phòng nông nghiệp của các địa phương, cán bộ phụ trách nông, lâm, ngư nghiệp ở tuyến xã, các cơ sở trồng trọt, chăn nuôi và nhân dân trên địa bàn. Bên cạnh đó, Chi cục cũng đã cấp phát hàng vạn tờ rơi, pa-nô, áp phích, băng đĩa tuyên truyền cho các địa phương để phát trên hệ thống đài truyền thanh của huyện, thị xã, thành phố và đưa đến tận tay người dân; cùng với phòng Nông nghiệp, phòng kinh tế của các địa phương tiến hành kiểm tra giám sát chất lượng ATTP đối với 274 trang trại chăn nuôi, cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông, lâm, thủy sản và vật tư nông nghiệp trên địa bàn.
Đặc biệt từ tháng 8-2012, Cục Quản lý chất lượng nông, lâm và thủy sản đưa vùng nuôi ngao Kim Sơn vào chương trình giám sát Quốc gia về thu hoạch nhuyễn thể hai mảnh vỏ để chứng nhận xuất xứ. Chi cục đã ra thông báo giám sát quá trình thu hoạch nhuyễn thể và thực hiện cấp giấy chứng nhận xuất xứ cho 18 lô sản phẩm với khối lượng 450 tấn tại vùng nuôi ngao Kim Sơn.
Ông Lê Hồng Sinh, chi cục Trưởng chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản cho biết: Năm 2012 là năm mà nhiều trường hợp vi phạm ATTP được phát hiện gây hoang mang lo lắng cho người dân như việc sử dụng chất cấm Beta agonist (chất tạo nạc) trong chăn nuôi, về sử dụng hóa chất, kích thích tăng trưởng không rõ nguồn gốc, chưa được phép sử dụng ở Việt Nam để sản xuất giá đỗ, thông tin về sử dụng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tràn lan... Trước tình hình trên, thực hiện sự chỉ đạo của Cục Quản lý chất lượng Nông, lâm sản và thủy sản, Sở Nông nghiệp & PTNT, Chi cục đã cùng với các ngành chức năng khác khẩn trương vào cuộc tiến hành kiểm tra 25 cơ sở sản xuất kinh doanh thức ăn chăn nuôi, các trang trại chăn nuôi lấy mẫu phân tích để có thông tin kịp thời đến người tiêu dùng. Kết quả không có mẫu nào phát hiện chất cấm, chất độc hại. Ngoài ra trong hoạt động thường niên Chi cục cũng đã tiến hành lấy 222 mẫu bao gồm 44 mẫu nước, 73 mẫu thủy sản, 54 mẫu thịt, 38 mẫu rau, 12 mẫu thức ăn chăn nuôi và 1mẫu phân bón để gửi đi phân tích, đánh giá các chỉ số độc hại. Kết quả đối với thịt các chỉ tiêu hóa học đều đảm bảo, về chỉ tiêu vi sinh vật có 30% mẫu nhiễm vi sinh vật; với rau chỉ có 1 mẫu có lượng Chlorpyrifos vượt giới hạn cho phép chiếm 0,3%, có 31% nhiễm vi sinh vật; về thủy sản không có mẫu nào phát hiện tồn dư kháng sinh và dư lượng kim loại nặng, 35% mẫu nhiễm vi sinh vật.
Các chỉ số trên cho thấy chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm trên các sản phẩm nông, lâm, thủy sản đã có sự cải thiện đáng kể, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong rau giảm từ 12% năm 2011 xuống 0,3% năm 2012. Tuy nhiên, hiện tượng nhiễm vi sinh vật trong thực phẩm đang có chiều hướng gia tăng. Đây chính là điều mà Chi cục sẽ quan tâm, kiểm soát tốt trong thời gian tới. Trước mắt trong năm 2013, Chi cục sẽ ưu tiên cho công tác tuyên truyền giáo dục, hướng dẫn vận động người sản xuất, kinh doanh tuân thủ các quy định về sử dụng thuốc BVTV, thuốc thú y, chất bảo quản, phụ gia... và đảm bảo điều kiện vệ sinh trong sản xuất kinh doanh; tuyên truyền vận động người tiêu dùng mua thực phẩm đúng nơi quy định, không mua thực phẩm không rõ nguồn gốc, ủng hộ những sản phẩm được kiểm tra, chứng nhận. Thực hiện kiểm tra, giám sát chặt chẽ có hệ thống, theo chuỗi để xác định và tập trung kiểm soát sản phẩm xung yếu, khâu xung yếu dễ gây mất an toàn thực phẩm. Xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn và nuôi thủy sản an toàn... Đích đến cuối cùng của việc quản lý này chính là nâng cao chất lượng sản phẩm nông, lâm, thủy sản Ninh Bình hướng tới nền sản xuất sạch.
Bài, ảnh: Hà Phương