Thành phố Ninh Bình hiện có tốc độ xây dựng cơ sở hạ tầng, đô thị hóa cao, do đó lượng rác thải từ các hộ gia đình, các cơ sở sản xuất, kinh doanh ngày một nhiều và đa dạng về chủng loại. Lượng rác thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn ước trên 100 tấn/ngày, chủ yếu là rác thải sinh hoạt, túi ni lông, lá cây...
Với nhiệm vụ thu gom, xử lý rác thải trên các tuyến phố của thành phố Ninh Bình, Công ty cổ phần Môi trường và Dịch vụ đô thị thành phố Ninh Bình đã huy động tới 300 công để thu gom, vận chuyển rác thải hàng ngày. Toàn bộ rác thải của thành phố được thu gom hàng ngày và vận chuyển bằng xe ô tô chuyên dụng về Nhà máy xử lý chất thải rắn Ninh Bình tại xã Đông Sơn, thành phố Tam Điệp để xử lý.
Ông Đỗ Văn Hùng, Giám đốc Công ty cổ phần Môi trường và Dịch vụ đô thị thành phố Ninh Bình cho biết: Để việc thu gom rác được nhanh gọn, đơn vị đã đầu tư kinh phí để trang bị 5 xe chuyên dụng chở rác ra bãi tập kết cùng với hàng trăm xe đẩy tay thu gom rác. Mỗi công nhân thu gom rác đều được trang bị đầy đủ trang thiết bị thu gom và đồ bảo hộ đảm bảo theo quy định.
Cùng với công tác thu gom, vận chuyển rác, Công ty còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, chỉ đạo cho cán bộ, công nhân Công ty nâng cao ý thức, có trách nhiệm với công việc, thực hiện thu gom rác đúng giờ, sạch sẽ, không để rác tồn đọng trong dân cư. Phối kết hợp tuyên truyền, vận động nhân dân cùng chung tay nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, để rác đúng nơi quy định, không xả rác bừa bãi. Việc thu gom, vận chuyển rác thải hàng ngày trên địa bàn thành phố Ninh Bình đã góp phần tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp.
Theo báo cáo của các ngành chức năng, ước tính rác thải sinh hoạt khu vực đô thị phát sinh khoảng 158,4 tấn/ngày, chiếm khoảng 33% tổng rác thải phát sinh trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, rác thải sinh hoạt đô thị cơ bản được thu gom và xử lý.
Trong đó, rác thải phát sinh tại thành phố Ninh Bình và thành phố Tam Điệp do Công ty cổ phần Môi trường và Dịch vụ đô thị thành phố Ninh Bình và Công ty cổ phần Môi trường đô thị Tam Điệp thu gom, vận chuyển; rác thải sinh hoạt phát sinh tại các thị trấn thuộc 6 huyện, chủ yếu được Trung tâm vệ sinh môi trường các huyện tổ chức thu gom, vận chuyển.
Phần lớn rác thải đô thị được thu gom, xử lý tại Nhà máy xử lý chất thải rắn Ninh Bình tại xã Đông Sơn, thành phố Tam Điệp, công suất 200 tấn/ngày đêm theo công nghệ chế biến rác thải thành phân vi sinh, phần còn lại được chôn lấp hợp vệ sinh tại bãi chôn lấp có lót đáy chống thấm, có hệ thống thu gom, xử lý nước rỉ rác hoặc đốt theo công nghệ lò đốt Loshiho.
Cùng với rác thải sinh hoạt, chất thải nguy hại trên địa bàn các đô thị chủ yếu phát sinh tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh với tổng lượng phát thải khoảng 3.920 tấn/năm, trong đó chất thải y tế nguy hại khoảng 887 tấn, chất thải nguy hại công nghiệp khoảng 3.033 tấn. Trên địa bàn tỉnh Ninh Bình không có cơ sở nào được cấp phép hành nghề xử lý chất thải nguy hại.
Lượng chất thải y tế nguy hại được các đơn vị thu gom, xử lý theo mô hình cụm tại 3 cụm cho toàn tỉnh theo Kế hoạch số 103/KH-UBND, ngày 20/12/2018 của UBND tỉnh Ninh Bình về thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế nguy hại trên địa bàn tỉnh. Chất thải nguy hại công nghiệp được các cơ sở sản xuất ký hợp đồng với đơn vị chức năng tại các địa phương lân cận (Nam Định, Thanh Hóa, Hà Nội,...) để vận chuyển, xử lý theo quy định về xử lý chất thải nguy hại.
Các cơ sở phát sinh lượng chất thải nguy hại đã thực hiện nghiêm các quy định về quản lý chất thải nguy hại (như đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại; thu gom, phân loại, lưu giữ chất thải trong khu vực lưu chứa...) theo hướng dẫn của các cơ quan quản lý Nhà nước.
Bên cạnh kết quả đạt được, việc quản lý, xử lý chất thải rắn ở khu vực đô thị còn nhiều bất cập, hầu hết rác thải sinh hoạt chưa được phân loại tại nguồn mà vẫn thu gom chung cả rác vô cơ và rác hữu cơ, dẫn đến Nhà máy xử lý chất thải rắn Ninh Bình gặp rất nhiều khó khăn trong công tác xử lý.
Nhiều khu dân cư, tuyến phố, người dân xây dựng các công trình xây dựng, sửa chữa nhà cửa làm cho lượng chất thải xây dựng ngày càng gia tăng. Ước tính khối lượng chất thải xây dựng phát sinh khoảng 19 - 20 tấn/ngày. Một phần chất thải xây dựng được tận dụng làm vật liệu san lấp tại chỗ, số ít được đổ lẫn cùng với rác thải sinh hoạt và một phần đổ không đúng nơi quy định, gây mất mỹ quan khu vực đô thị.
Tốc độ đô thị hóa mạnh mẽ cũng đồng nghĩa với việc lượng rác thải rắn gia tăng rất nhanh. Dự báo của các cơ quan chức năng, khối lượng phát sinh rác thải sinh hoạt đến năm 2025 đối với khu vực đô thị loại II (thành phố Ninh Bình) từ 1-1,3kg/người/ngày, đô thị loại III (thành phố Tam Điệp) 0,8-1,1kg/người/ngày, đô thị loại V (các thị trấn) 0,7-1 kg/người/ngày và tổng lượng rác thải đô thị khoảng 195 tấn/ngày.
Trước áp lực về lượng rác thải rắn ngày càng tăng, các thành phố, thị trấn cần tích cực tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức người dân tự phân loại rác thải ngay tại gia đình; đồng thời có chế tài xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, cố tình đổ rác thải bừa bãi gây mất mỹ quan đô thị... Nâng cao hiệu quả công tác quản lý môi trường tại các khu vực đô thị, tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm việc xả thải bừa bãi, đảm bảo tính răn đe, giáo dục của pháp luật. Về lâu dài cần xã hội hóa, thu hút các tổ chức, cá nhân đầu tư các loại hình dịch vụ phục vụ cho công tác bảo vệ môi trường và xử lý chất thải rắn...
Hồng Giang