Lâu nay, hoạt động lễ hội bên cạnh những mặt tích cực còn có nhiều ý kiến của người tham gia lễ hội, du khách về những mặt chưa được, trong đó đáng chú ý là việc thực hiện nếp sống văn minh trong hoạt động lễ hội còn những phiền hà, hạn chế như: việc chèo kéo khách mua hàng, mê tín dị đoan, đặt tiền lẻ tùy tiện, ăn xin… Để chấn chỉnh tình trạng này, với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với các ngành liên quan, các địa phương nơi tổ chức lễ hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm… Do đó, từ năm 2014 đến nay, công tác tổ chức và quản lý lễ hội trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực.
Lễ hội chùa Bái Đính khai hội vào ngày mùng 6 tháng Giêng đã thu hút hơn 40.000 lượt khách thập phương về tham quan, chiêm bái. Công tác quản lý lễ hội đã được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Công an tỉnh, các ngành liên quan, chính quyền địa phương, Doanh nghiệp Xuân Trường triển khai thực hiện tốt công tác đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, nếp sống văn minh tại lễ hội và khu núi chùa Bái Đính. Về dự lễ hội, nhiều người dân, du khách đã bày tỏ sự hài lòng về công tác tổ chức và quản lý lễ hội năm nay đã có nhiều tiến bộ, dần đi vào nền nếp. Lễ hội được tổ chức trang trọng cả phần lễ và phần hội với việc kết hợp hài hòa các nghi lễ truyền thống và hiện đại, lồng ghép hoạt động tâm linh với hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao phong phú, đa dạng, tạo không khí vui tươi, sôi nổi phục vụ nhu cầu tham quan, chiêm bái của nhân dân trong suốt thời gian mở hội. Thông qua lễ hội đã góp phần tuyên truyền, giới thiệu cho người dân và du khách về truyền thống, lịch sử của vùng đất Cố đô Hoa Lư. Qua đó đẩy mạnh hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch để giới thiệu về vùng đất, con người Ninh Bình. Tham dự lễ hội, du khách không phải phiền hà, lo lắng về công tác an ninh trật tự khi các hoạt động mê tín dị đoan, dịch vụ văn hóa trái quy định, các vi phạm di tích, ăn xin, chèo kéo khách, trộm cắp… đã được phát hiện, giải quyết kịp thời, dần hạn chế. Bên cạnh đó, ý thức của du khách về dự lễ hội cũng có nhiều tiến bộ so với các năm trước khi hiện tượng cài tiền lẻ vào tay tượng, ném tiền xuống giếng, xả rác bừa bãi… dần được khắc phục. ấn tượng đẹp từ việc tổ chức lễ hội đầu tiên của năm 2015 trên địa bàn tỉnh không phải được xây dựng trong "ngày một, ngày hai", mà là cả quá trình và sự nỗ lực, kiên quyết của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các địa phương cùng các ngành liên quan trong việc đưa hoạt động lễ hội vào nền nếp, xây dựng hình ảnh đẹp cho du khách khi đến tham quan, chiêm bái các di tích, khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với các cấp, các ngành, các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền việc thực hiện nếp sống văn minh trong hoạt động lễ hội, du lịch để mọi tổ chức, cá nhân biết, tích cực tham gia thực hiện Luật Di sản văn hóa, các quy định của Nhà nước về văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo, tâm linh, thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội. Sở còn phối hợp với các đoàn thể, các địa phương có khu, điểm du lịch, lễ hội tổ chức họp dân và những người trực tiếp làm dịch vụ du lịch để tuyên truyền, vận động, phổ biến các văn bản, quy định của Nhà nước. Từ đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân trong thực hiện các quy định về nếp sống văn minh, nhất là những người trực tiếp tham gia làm công tác du lịch, dịch vụ như: các hướng dẫn viên, thuyết minh viên, thợ chụp ảnh, chèo đò, bán hàng… Đồng thời, trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về tăng cường công tác quản lý hoạt động lễ hội, Sở đã chủ trì thành lập đoàn kiểm tra, phối hợp với các ngành, các địa phương tiến hành thanh, kiểm tra, chấn chỉnh, ngăn chặn kịp thời các biểu hiện xâm phạm di tích, danh lam thắng cảnh như: mê tín dị đoan, đồng bóng, việc đặt hòm công đức, đặt lễ, đặt tiền giọt dầu tùy tiện, các hành vi lưu hành văn hóa phẩm trái phép, ăn xin, chèo kéo khách, xe ôm, bán hàng rong, đổi tiền lẻ… để nghiêm khắc xử lý các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật. Đặc biệt, năm 2015 là năm đầu tiên thực hiện Quyết định số 03/QĐ-UBND ngày 13-2-2015 của UBND tỉnh về việc ban hành quy định thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội trên địa bàn tỉnh, cùng với nỗ lực của Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các địa phương trong việc đưa hoạt động quản lý và tổ chức lễ hội vào nền nếp, lực lượng công an đã vào cuộc tích cực, thực hiện quyết liệt các biện pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, giảm thiểu tai nạn và ùn tắc giao thông, đảm bảo an ninh trật tự. Các đối tượng ăn xin, tâm thần tại các lễ hội, các điểm du lịch đã được đưa về Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh chăm sóc theo quy định. Công tác kiểm tra về giá cả, hàng hóa, dịch vụ trong lễ hội được tăng cường. Đã ngăn chặn kịp thời các hành vi thu phí, nâng giá tùy tiện, bán hàng giả, hàng kém chất lượng tại các khu, điểm du lịch, các lễ hội. Có sự quản lý chặt chẽ và xử lý nghiêm việc tổ chức các trò chơi dễ biến tướng sang đánh bạc, kinh doanh văn hóa phẩm đồi trụy. Tại các khu, điểm du lịch, lễ hội, Ban quản lý còn phối hợp với các ngành chức năng làm tốt công tác hỗ trợ du khách, kịp thời giải quyết các vụ việc phát sinh. Vì vậy, tình hình an ninh trật tự, văn minh du lịch được đảm bảo, tạo điều kiện thuận lợi, an toàn cho du khách khi đến tham quan, chiêm bái.
Theo kết quả tổng kiểm kê di tích trên địa bàn, hiện nay toàn tỉnh có 1.499 di tích được phân bố đều khắp 145 xã, phường, thị trấn. Tính đến tháng 9-2014, toàn tỉnh có 315 di tích đã được xếp hạng, gồm 1 Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, 79 di tích cấp quốc gia (trong đó có 2 di tích được xếp hạng cấp Quốc gia đặc biệt là Khu di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư và Khu hang động Tràng An - Tam Cốc, Bích Động), 235 di tích cấp tỉnh. Về lễ hội, toàn tỉnh có 260 lễ hội truyền thống, trong đó có 2 lễ hội quy mô cấp tỉnh, 1 lễ hội cấp huyện, 112 lễ hội cấp xã và 145 lễ hội cấp thôn, xóm. Dịp mùa xuân diễn ra 149 lễ hội, đặc biệt trong tháng Giêng có 52 lễ hội. Đây là tiềm năng, thế mạnh để Ninh Bình đẩy mạnh phát triển du lịch tâm linh. Với những chuyển biến bước đầu trong công tác tổ chức và quản lý lễ hội, các lễ hội truyền thống trên địa bàn đang có nhiều thuận lợi để thu hút du khách, tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, đồng thời cần được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các địa phương, sự vào cuộc của các ngành liên quan.
Bùi Diệu