5 năm qua, mạng lưới chăm sóc mắt từ tỉnh đến cơ sở đã thường xuyên được quan tâm củng cố và tăng cường, tạo thuận lợi cho nhu cầu chăm sóc sức khỏe đôi mắt cho người dân. Năm 2010, Bệnh viện Mắt tỉnh - bệnh viện chuyên khoa về mắt với 50 giường bệnh, 9 khoa, phòng bắt đầu đi vào hoạt động. Bệnh viện đã thực hiện khám và điều trị cơ bản các bệnh về mắt thường gặp như: mổ phaco điều trị đục thủy tinh thể, điều trị bệnh glôcôm bằng laser và phẫu thuật, điều trị các bệnh lý nội khoa về mắt… Sau khi được thành lập và đi vào hoạt động, Bệnh viện Mắt tỉnh đã nhận được sự quan tâm của tỉnh, của ngành Y tế và các tổ chức quốc tế như Orbis, CBM, FHF nên được đầu tư nhiều nguồn kinh phí để nâng cấp cơ sở hạ tầng và mua sắm trang thiết bị.
Hiện nay, Bệnh viện có khu vực phòng phẫu thuật, điều trị bệnh nhân sau hậu phẫu, cận lâm sàng khang trang, hiện đại, được trang bị hệ thống trang thiết bị nhãn khoa tương đối hiện đại như: hệ thống máy mổ phaco, máy chụp võng mạc hùynh quang Vissucam 500, máy laser YAX, máy đo thị trường Humphry… nên đã đáp ứng cơ bản công tác khám, chữa bệnh về mắt.
Cùng với những hỗ trợ về cơ sở vật chất, trang thiết bị, Bệnh viện Mắt đã từng bước tuyển dụng và kiện toàn đội ngũ y, bác sỹ, đẩy mạnh hoạt động đào tạo nâng cao trình độ mọi mặt cho cán bộ, nhân viên, nhất là đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn. Cùng với đội ngũ y, bác sỹ chuyên khoa mắt của Bệnh viện Mắt tỉnh, trên địa bàn tỉnh còn có 2 cơ sở nhãn khoa là Khoa Mắt, Bệnh viện Quân y 5, đơn nguyên Mắt thuộc khoa Răng-hàm-mặt của Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Tại các bệnh viện đa khoa huyện, thị xã, chuyên khoa mắt phần lớn nằm trong các liên khoa Mắt, Răng-hàm-mặt, Tai-mũi-họng. Đến nay, toàn tỉnh có 21 bác sỹ chuyên khoa mắt, trong đó tuyến tỉnh có 19 bác sỹ, tuyến huyện có 2 bác sỹ, đạt tỷ lệ 22,95 bác sỹ/1 triệu dân, cao hơn so với mặt bằng toàn quốc là 18,6 bác sỹ/1 triệu dân.
Trong 5 năm qua, với sự tài trợ của Tổ chức Orbis và FHF, đã có hàng chục lượt bác sỹ, điều dưỡng của Bệnh viện được tham gia các lớp đào tạo về nhãn khoa, chẩn đoán hình ảnh, chuyên khoa huyết học, nhãn khoa chuyên sâu, kỹ thuật viên khúc xạ… Đội ngũ cán bộ y tế xã, y tế thôn, bản, cán bộ y tế học đường cũng được tham gia học tập, nâng cao trình độ với hơn 1.200 cán bộ qua đào tạo. Nhiều đoàn bác sỹ về các địa phương trong tỉnh để khám, tư vấn, sàng lọc các bệnh về mắt cho người dân, các trường hợp mắc bệnh về mắt được tư vấn, lập danh sách để kịp thời điều trị. Trong 5 năm qua (2010- 2014), toàn tỉnh đã có 8.034 trường hợp được mổ đục thủy tinh thể, trong đó tại Bệnh viện Mắt tỉnh tiến hành phẫu thuật cho 7.034 trường hợp, tại Bệnh viện Quân y 5 phẫu thuật cho 500 trường hợp, các tổ chức và các đoàn khác về phẫu thuật và đưa bệnh nhân đi phẫu thuật tại Hà Nội là 500 trường hợp, 556 bệnh nhân được phẫu thuật glôcôm tại Bệnh viện Mắt tỉnh, chiếm 3,7% số bệnh nhân điều trị nội trú tại bệnh viện hàng năm.
Cùng với hoạt động khám, điều trị cho người dân tại các bệnh viện, công tác khám tật khúc xạ, chăm sóc các bệnh về mắt cho trẻ em được quan tâm. Từ năm 2012 đến 2014, Bệnh viện Mắt tỉnh đã tiến hành khám tật khúc xạ cho 23.626.000 học sinh bậc THCS và THPT tại các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh. Qua đó tư vấn, hướng dẫn các em học sinh biết cách chăm sóc và bảo vệ sức khỏe đôi mắt, có tư thế ngồi học đúng cách để bảo vệ đôi mắt, kịp thời điều trị các bệnh về mắt. Bên cạnh đó, công tác chăm sóc người khiếm thị, người mù tại cộng đồng được quan tâm thực hiện thường xuyên. Bệnh viện Mắt đã bố trí một phòng khám mắt cho người khiếm thị và bố trí lịch khám 1 tuần/lần. Bệnh viện đã kết hợp với Hội Người mù tỉnh xếp lịch cho bệnh nhân đến khám. Đã có nhiều người sau khi được sử dụng các dụng cụ hỗ trợ đã nhìn được chữ bình thường mà không phải sử dụng chữ nổi…
Mặc dù công tác phòng, chống mù lòa trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả khả quan, tạo sự chuyển biến tích cực trong việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe đôi mắt cho người dân, nhưng công tác phòng, chống mù lòa trên địa bàn vẫn cần sự quan tâm, hỗ trợ và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các tổ chức quốc tế và ngành Y tế khi lượng bệnh nhân bị mắc các bệnh về mắt cần điều trị để phòng, chống mù lòa còn tồn đọng rất lớn, một số bệnh về mắt có chiều hướng gia tăng như bệnh mắt hột gây mù, bệnh võng mạc tiểu đường gây mù, bệnh mắt ở trẻ em…, trong khi nhận thức của người dân về việc điều trị các bệnh về mắt còn hạn chế…
Để chương trình phòng, chống mù lòa giai đoạn 2015-2020 tiếp tục được triển khai và đạt được kết quả, ngành Y tế tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức và hiểu biết của cộng đồng về tầm quan trọng của công tác phòng, chống mù lòa, phổ biến kiến thức các bệnh về mắt để người dân chủ động đi khám và điều trị các bệnh về mắt. Tăng cường công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, củng cố và kiện toàn hệ thống chăm sóc mắt ở các tuyến, tập trung nâng cấp cơ sở vật chất và trang thiết bị cho các cơ sở nhãn khoa… Toàn tỉnh phấn đấu đẩy mạnh tốc độ và nâng cao chất lượng mổ đục thủy tinh thể để giải phóng mù lòa đạt 2.500 ca/1 triệu dân, giảm tỷ lệ mù lòa có thể phòng tránh được ở người từ 50 tuổi trở lên xuống 2,35% vào năm 2019 nhằm đạt mục tiêu "Thị giác 2020" với mục đích cải thiện sự tiếp cận đến các dịch vụ chăm sóc mắt toàn diện lồng ghép vào hệ thống y tế.
Bùi Diệu