Cụ thể: Năm 2005, diện tích lúa cả năm là 80.106 ha, năng suất bình quân 49,57 tạ/ha, tổng sản lượng gần 40 vạn tấn. Năm 2007, diện tích giảm xuống còn 79.118 ha, nhưng năng suất tăng lên 56,2 tạ/ha, sản lượng đạt trên 44 vạn tấn. Năm 2008, tình hình thế giới có nhiều biến động, giá gạo tăng cao, sản xuất lương thực được ưu tiên phát triển, diện tích gieo cấy trên toàn tỉnh tăng lên 80.393 ha. Mặc dù điều kiện thời tiết gặp nhiều khó khăn nhưng năng suất lúa Ninh Bình vẫn đạt cao: Vụ đông xuân, năng suất 62,36 tạ/ha chỉ thấp hơn vụ đông xuân năm 2005-2006 là vụ đông xuân có năng suất cao nhất từ trước đến nay. Vụ mùa năng suất cũng đạt 53,1 tạ/ha.
Hiện tượng giảm diện tích lúa không phải là do nguyên nhân thời tiết xấu hay không chỉ đạo quyết liệt mà là do tỉnh Ninh Bình đã có chủ trương chuyển đổi cơ cấu sản xuất trong ngành trồng trọt để tăng hiệu quả trên từng đơn vị diện tích. Những diện tích lúa năng suất thấp, không ổn định được chuyển sang trồng các cây khác hoặc nuôi trồng thủy sản có hiệu quả kinh tế cao hơn. Thực tế nhiều địa phương đã chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con nuôi phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu, nguồn nước và môi trường sinh thái đạt kết quả bước đầu đáng khích lệ, như mô hình lúa - tôm càng xanh ở xã Gia Thắng, mô hình lúa - cá ở xã Gia Hòa (huyện Gia Viễn).
Bên cạnh đó, nhiều địa phương còn chủ động đổi mới cơ cấu giống lúa theo hướng tăng tỷ trọng diện tích các giống lúa có chất lượng gạo ngon, dù năng suất không cao, dần dần hình thành những vùng sản xuất lúa đặc sản, có chất lượng gạo phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng. Rõ nhất là ở vùng Kim Sơn, Yên Khánh, Yên Mô... Một hướng chuyển đổi khác đó là tăng nhanh diện tích ngô, đậu tương, khoai lang… Cây ngô vụ đông xuân 2008 diện tích gieo trồng là 2.152 ha, tăng 61,7 ha so với vụ đông xuân 2007, năng suất đạt trên 35 tạ/ha; cây khoai lang vụ đông xuân 2008 đã trồng được trên 500 ha, tăng 95 ha so với năm 2007.
Có được những thành tựu trong sản xuất lúa những năm qua là do Ninh Bình đã tập trung cho công tác thủy lợi, tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, thâm canh tăng năng suất. Đặc biệt việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, mở rộng diện tích giống lúa cao sản đã góp phần chủ yếu làm tăng năng suất lúa lên cao và ổn định.
Trồng cây công nghiệp, rau màu.
Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng tăng tỷ trọng sản phẩm hàng hóa nhằm tăng giá trị trên một đơn vị diện tích đất nông nghiệp, năm 2006, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết 03 về đẩy mạnh sản xuất vụ đông đến năm 2010.
Nông dân xã Ninh Phúc (Tp. NB) chăm sóc rau vụ đông. Ảnh: Đức Lam
Kết quả là vụ đông năm 2006, diện tích gieo trồng đã tăng lên 14.582,5 ha (tăng 156% so với năm 2005). Năm 2007 là 22.590,3 ha (tăng 155% so với năm 2006) và năm 2008 do ảnh hưởng của mưa lũ, nhưng tổng diện tích cây vụ đông hiện có là 13.373 ha. Nhờ đó giá trị sản xuất trên 1 đơn vị diện tích không ngừng tăng cao. Năm 2007, giá trị sản xuất vụ đông là 258.601 triệu đồng (tăng 131,6% so với năm 2006), bình quân 15,94 triệu đồng/ha. Một số cây có giá trị kinh tế cao có khả năng chế biến xuất khẩu như: Cà chua đạt 73,5 triệu đồng/ha, ớt xanh đạt 23-27 triệu đồng/ha, ngô ngọt đạt 12-15 triệu đồng/ha.
Chăn nuôi tăng trưởng khá và toàn diện
Trong những năm gần đây, ngành chăn nuôi tỉnh ta luôn giữ được nhịp độ tăng trưởng khá và ổn định. Ước tính toàn tỉnh hiện có khoảng 16.411 con trâu, 58.957 con bò. Về đàn lợn, Ninh Bình có khoảng 379 nghìn con, tăng hơn 13 nghìn con so với năm trước, trong đó lợn thịt là 290,3 nghìn con, tăng 4,6 nghìn con. Sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng đạt khoảng 34.062 tấn, tăng 2,8 nghìn tấn so với năm 2007. Riêng đàn gia cầm, số lượng đàn tăng gần 14 nghìn con so với năm trước, sản lượng gia cầm hơi xuất bán đạt 5.336 tấn (tăng 3%) và sản lượng trứng là 66.951 nghìn quả (tăng 5,3%). Nguyên nhân chủ yếu là sản xuất lương thực được mùa, thức ăn phong phú cùng với đó là các cơ chế, chính sách khuyến khích, đầu tư thỏa đáng cho ngành chăn nuôi của tỉnh.
Nét mới trong chăn nuôi những năm gần đây là đã xuất hiện nhiều hơn những mô hình chăn nuôi quy mô lớn, sản phẩm hàng hóa có chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của thị trường. Đặc biệt một số địa phương có lợi thế về điều kiện tự nhiên có xu hướng đưa một số con đặc sản có giá trị kinh tế cao vào nuôi như: Thị xã Tam Điệp phát triển mô hình nuôi dê, thỏ; huyện Nho Quan phát triển mô hình nuôi hươu, nhím…
Bên cạnh những thành tựu đạt được, tình hình nông nghiệp tỉnh nhà vẫn còn nhiều hạn chế. Tốc độ tăng trưởng tuy có cao nhưng chưa bền vững. Nhiều loại nông sản của chúng ta còn kém sức cạnh tranh trên thị trường. Cơ cấu sản xuất chuyển dịch chậm, tự phát, không theo quy hoạch, chưa gắn với công nghiệp chế biến và xuất khẩu. Đặc biệt, việc phát triển sản xuất vụ đông theo Nghị quyết 03 vẫn chưa thực sự đem lại hiệu quả, sản xuất bấp bênh do hệ thống thủy lợi của chúng ta chưa hoàn thiện dẫn đến thường xuyên bị thiệt hại bởi thiên tai, úng lụt. Tuy nhiên, đó chỉ là những hạn chế tạm thời, khi đã nhận diện rõ ràng, chắc chắn các ngành, địa phương sẽ sớm có giải pháp khắc phục, hướng tới một nền nông nghiệp sinh học bền vững.
Nguyễn Lựu