Trước đây, xã Văn Phương là điểm "nóng" của huyện Nho Quan về tình trạng bạo lực gia đình. Mỗi năm, xã phải đứng ra giải quyết hàng chục vụ bạo lực gia đình. Từ khi được chọn triển khai Dự án "Mô hình điểm về phòng, chống bạo lực gia đình" từ tháng 11 năm 2008, công tác phòng, chống bạo lực gia đình ở Văn Phương đã có sự chuyển biến đáng kể. Ngày càng có nhiều gia đình tìm được tiếng nói chung, cố gắng xây đắp hạnh phúc.
Sau khi được chọn làm điểm, xã Văn Phương đã thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống bạo lực gia đình gồm 12 thành viên do đồng chí Chủ tịch UBND xã làm trưởng ban. Mỗi thôn thành lập một nhóm phòng, chống bạo lực gia đình do Trưởng ban công tác Mặt trận làm trưởng nhóm. Các thành viên trong nhóm phối hợp khảo sát mối quan hệ trong từng hộ dân và chọn lựa vận động từ 20-25 gia đình tham gia vào Câu lạc bộ (CLB) gia đình phát triển bền vững.
Hoạt động của các CLB rất phong phú, tập trung hướng dẫn các thành viên về kỹ năng tuyên truyền, giáo dục đạo đức, văn hóa, cách ứng xử giữa các thành viên trong gia đình... Trên cơ sở đó, CLB tổ chức các buổi sinh hoạt cho các đối tượng là nam giới dưới hình thức như CLB làm chồng, làm cha. Tại các buổi sinh hoạt, các thành viên tham gia thảo luận về các khái niệm: thế nào là bạo lực? Nguyên nhân và phương pháp phòng, chống bạo lực? Phụ nữ có những quyền lợi gì? làm thế nào để chăm sóc phụ nữ…
Ngoài thảo luận, các CLB còn tổ chức cuộc thi vẽ tranh, thi tiểu phẩm… Ngày đầu triển khai chương trình, rất ít đối tượng tham gia vì họ có tâm lý sợ bị phê bình. Vì thế phải nhờ tới sự phối hợp của các đoàn thể như: Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ, Đoàn thanh niên… của thôn triệu tập các đối tượng đến sinh hoạt. Khi sinh hoạt, họ thấy nội dung nhẹ nhàng, không bị chỉ trích nên dần dần họ tự nguyện đến sinh hoạt.
Tương tự như nam giới, phụ nữ cũng được tham gia vào CLB làm vợ, làm mẹ. Tại đây, phụ nữ được hướng dẫn về phương pháp tổ chức cuộc sống gia đình, kiến thức nuôi dạy con cái, phương pháp đối nhân xử thế… Thông qua các buổi sinh hoạt, chị em phụ nữ hiểu rõ hơn về quyền lợi của mình. Đặc biệt, để nâng cao vị thế kinh tế của người phụ nữ, Hội Phụ nữ tỉnh còn phối hợp với các tổ chức xã hội mở lớp dạy nghề, tạo việc làm cho chị em lúc nông nhàn. Mặt khác, qua tổ chức Hội, chị em có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn của Ngân hàng Chính sách Xã hội, cán bộ Ngân hàng tư vấn giúp chị em sử dụng có hiệu quả nguồn vốn vay.
Ngoài tuyên truyền tại các buổi sinh hoạt nhóm dưới hình thức các CLB kể trên, CLB Gia đình phát triển bền vững còn tăng cường công tác tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh, qua băng zôn, áp phích nên người dân nhận thức rõ được những giá trị gia đình, coi gia đình là tổ ấm bình yên sau những lúc công việc nặng nhọc. Các thành viên trong gia đình cùng nhau chăm lo cho con cái, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Hình thức tuyên truyền còn thông qua các hội nghị, hội thi để lồng ghép tuyên truyền về dân số, kế hoạch hóa gia đình, Luật Hôn nhân và Gia đình, bảo vệ, chăm sóc trẻ em... Từ mô hình điểm ở xã Văn Phương, mô hình phòng, chống bạo lực gia đình đã được nhân rộng trên địa bàn huyện Nho Quan.
Tính đến tháng 11-2014, toàn huyện có 20 mô hình phòng, chống bạo lực gia đình. Hầu hết các gia đình tham gia sinh hoạt các CLB không có tình trạng bạo lực gia đình, trên 85% hộ gia đình trong các CLB đạt gia đình văn hóa, đặc biệt là có sự tham gia của nam giới trong các CLB.
Không chỉ riêng huyện Nho Quan, công tác phòng, chống bạo lực gia đình ở các địa phương trong tỉnh cũng đã có những chuyển biến rõ nét. Ông Phạm Ngọc Văn, Trưởng phòng Gia đình và Xây dựng nếp sống văn hóa, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Để công tác phòng, chống bạo lực gia đình đạt kết quả tốt, chúng tôi xác định giải pháp quan trọng nhất vẫn là công tác tuyên truyền. Theo đó, những nội dung của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình đã được tuyên truyền dưới mọi hình thức tới các cấp ủy, chính quyền và mọi tầng lớp nhân dân.
Các buổi tập huấn về Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, nâng cao kỹ năng tư vấn, hòa giải, nhận biết và xử lý bạo lực gia đình cũng được quan tâm tổ chức một cách hấp dẫn, sinh động.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã thành lập trên 1.000 CLB gia đình phát triển bền vững để tập hợp các gia đình ở cùng địa bàn dân cư, nhằm nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi về phòng, chống bạo lực gia đình, giáo dục các giá trị đạo đức, lối sống, nuôi con khỏe, dạy con ngoan… xây dựng gần 900 nhóm phòng, chống bạo lực gia đình thực hiện chức năng tư vấn, hòa giải và can thiệp kịp thời các vụ bạo lực gia đình.
Với phương châm hướng về cộng đồng và dựa vào cộng đồng trong việc hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình, trên địa bàn tỉnh cũng đã thành lập trên 300 địa chỉ tin cậy, tạo điều kiện cho người dân cung cấp thông tin và trực tiếp tham gia công tác phòng, chống bạo lực gia đình.
Các ngành Công an, Tư pháp, Hội Phụ nữ các cấp luôn chú trọng phát hiện, hòa giải kịp thời các vụ xung đột, mâu thuẫn trong gia đình, không để tình trạng bạo hành gia đình kéo dài. Hiện toàn tỉnh có gần 1.700 tổ hòa giải; 121 trạm y tế thực hiện có hiệu quả việc bố trí nơi tạm lánh, điều trị, sơ cấp cứu và tư vấn cho nạn nhân bị bạo lực gia đình.
Theo số liệu thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, từ năm 2008 đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 1.660 vụ bạo lực gia đình, đặc biệt có 152 vụ trẻ em và 101 vụ người già là nạn nhân. Qua khảo sát, số vụ bạo lực thân thể đã giảm xuống, song thay vào đó là bạo lực tinh thần, bạo lực tình dục, bạo lực kinh tế tăng lên.
Trong đó, bạo lực tinh thần ngày càng phát sinh nhiều hơn, chiếm trên 60% số vụ. Các vụ bạo lực gia đình đều đã bị xử lý, trong đó có gần 1.500 vụ góp ý phê bình tại cộng đồng dân cư, 116 vụ áp dụng biện pháp giáo dục tại cộng đồng và gia đình, 18 vụ áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc, 52 trường hợp xử phạt hành chính và 9 trường hợp bị xử lý hình sự.
Đặc biệt, đã có gần 800 nạn nhân các vụ bạo hành chủ động tìm đến các địa chỉ tin cậy ở cộng đồng dân cư để trình báo; 157 cơ sở tư vấn đã tư vấn cho trên 1.000 nạn nhân và 808 người gây bạo lực; các trạm y tế đã thực hiện chức năng khám, điều trị và địa chỉ tạm lánh cho nạn nhân, khám cho 160 nạn nhân bạo lực gia đình.
Nguyễn Hùng