Chuyển biến rõ nét trong cải thiện chỉ số "Tính năng động của chính quyền tỉnh"
Chủ Nhật, 10/07/2022, 05:39
Zalo
Tính năng động của chính quyền địa phương là một chỉ số thành phần PCI nhằm đo lường, đánh giá chuẩn xác nhất sự linh hoạt, sáng tạo của chính quyền trong quá trình thực thi chính sách, pháp luật và giải quyết kịp thời, hiệu quả khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp và người dân.
Chuyển biến rõ nét trong cải thiện chỉ số "Tính năng động của chính quyền tỉnh"
Tuy nhiên, năm 2021 điểm số thành phần "Tính năng động của chính quyền tỉnh" của Ninh Bình không cao. Với quyết tâm cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh, tỉnh ta đã và đang thực thi nhiều giải pháp đồng bộ nhằm xây dựng một chính quyền kiến tạo, phục vụ vì mục tiêu phát triển bền vững.
Chỉ số thành phần "Tính năng động của chính quyền tỉnh" được đánh giá dựa trên kết quả thực hiện 9 chỉ tiêu cơ sở, trong đó có 6 chỉ tiêu giữ nguyên, 1 chỉ tiêu điều chỉnh, 2 chỉ tiêu bổ sung mới so với năm 2020. Tuy nhiên, nhiều điểm số đạt điểm không cao, thậm chí giảm điểm so với năm 2020 và giảm 21 bậc so với năm 2020, đứng thứ 62/63 các tỉnh, thành phố trên cả nước.
Các cấp, các ngành trong tỉnh cũng đã thẳng thắn nhìn nhận, đánh giá lại một số nguyên nhân dẫn đến chỉ tiêu thành phần "Tính năng động của chính quyền tỉnh" giảm điểm và giảm về thứ bậc xếp hạng như: Một số trường hợp điều chỉnh, thu hồi dự án đầu tư ngoài ngân sách không được quy định cụ thể trong Luật, Nghị định, Thông tư hướng dẫn, do đó các cơ quan chuyên môn phải xin ý kiến các bộ, ngành chuyên môn, làm kéo dài thời gian giải quyết các TTHC.
Bên cạnh đó, việc công khai các quy hoạch ngành, lĩnh vực trên Cổng thông tin dịch vụ công của tỉnh chưa linh hoạt; các dự án thu hút đầu tư trên Cổng dịch vụ công Quốc gia chưa được cập nhật kịp thời; việc phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong giải quyết các TTHC liên thông cho doanh nghiệp chưa được chặt chẽ và còn nhiều hạn chế, ảnh hưởng đến thời gian giải quyết cho doanh nghiệp. Công tác đối thoại với doanh nghiệp để giải quyết những khó khăn, vướng mắc chưa thực sự được quan tâm đúng mức. Một số kiến nghị của doanh nghiệp chưa được giải quyết một cách triệt để. Xác định nhiệm vụ nâng cao năng lực cạnh tranh là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong công tác chỉ đạo điều hành của các cấp ủy, chính quyền.
Đặc biệt việc nâng cao thứ hạng chỉ số thành phần "Tính năng động của chính quyền tỉnh" là "động lực" để thực hiện các chỉ số thành phần khác. Chính vì vậy, các cấp chính quyền trong tỉnh đã bắt tay ngay vào đổi mới và nâng cao hơn nữa hiệu quả, hiệu lực quản lý, điều hành, góp phần nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
Bắt đầu từ tháng 5/2022, định kỳ vào thứ 5, tuần cuối cùng của tháng, lãnh đạo UBND tỉnh sẽ trực tiếp gặp gỡ, tiếp xúc với các doanh nghiệp để lắng nghe các phản ánh, kiến nghị đồng thời cung cấp, trao đổi thông tin, tạo sự thống nhất, đồng thuận trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trên tinh thần chuyển từ "quản lý" sang "phục vụ" và chia sẻ, tháo gỡ thực chất, hiệu quả những khó khăn vướng mắc.
Hoạt động nghiệp vụ tại Chi cục Hải quan Ninh Bình. Ảnh: Anh Tuấn
Chủ trương này của UBND tỉnh được thông tin chính thức, công khai đến các doanh nghiệp trên Báo Ninh Bình, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Cổng thông tin điện tử tỉnh Ninh Bình.
Mặc dù chỉ số thành phần "Tính năng động của chính quyền tỉnh" không cao nhưng trên thực tế trong năm 2021, tỉnh đã ghi nhận một số chỉ số được đánh giá xếp thứ hạng cao như: chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2021 xếp thứ 8/63 tỉnh, thành phố, tăng 18 bậc so với năm 2020; chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) năm 2021 xếp thứ 12/63, tăng 8 bậc so với năm 2020; chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) xếp thứ 20/63, tăng 1,64 điểm nhưng giảm 9 bậc so với năm 2020.
Chính vì vậy, Ninh Bình đang tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp, từng bước xây dựng được môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, minh bạch, hấp dẫn, thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư tham gia đầu tư, kinh doanh trên địa bàn, tạo động lực thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp thông qua việc cải cách hành chính và chuyển đổi số.
Theo đó, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh phát huy hiệu quả trong quá trình hoạt động; 8/8 huyện, thành phố, 143/143 xã, phường, thị trấn (đạt tỷ lệ 100%) duy trì thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông; đã phê duyệt 1.926 quy trình nội bộ trong giải quyết TTHC của các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, UBND cấp xã trên địa bàn tỉnh; hệ thống một cửa điện tử tỉnh đã tích hợp được 842 dịch vụ công trực tuyến lên Cổng dịch vụ công Quốc gia.
Tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn, khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 trên Cổng dịch vụ công Quốc gia, Cổng dịch vụ công của tỉnh để hạn chế việc người dân, doanh nghiệp đi lại, tiếp xúc trực tiếp.
Đồng chí Đinh Thị Thúy Ngần, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Với quan điểm chỉ đạo thẳng thắn, trách nhiệm, chỉ rõ và kịp thời khắc phục những tồn tại, yếu kém; quyết tâm cải thiện xếp hạng chỉ số PCI của tỉnh trong năm 2021, Ninh Bình tiếp tục sửa đổi và triển khai thực hiện Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương (DDCI) năm 2022.
Các chỉ số thành phần của bộ chỉ số DDCI được xây dựng tương thích các chỉ số thành phần của chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), trên cơ sở áp dụng linh hoạt, phù hợp với thực tiễn môi trường kinh doanh của tỉnh Ninh Bình nhằm đánh giá mức độ hài lòng của nhà đầu tư, doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã đang đầu tư, hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Việc triển khai Bộ tiêu chí DDCI đã tạo động lực cải cách một cách quyết liệt, đồng bộ trong việc nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến nhà đầu tư, doanh nghiệp; tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh trên các lĩnh vực; tạo kênh thông tin tin cậy, rộng rãi và minh bạch để nhà đầu tư, doanh nghiệp tham gia đóng góp ý kiến xây dựng chính quyền địa phương và các sở, ban, ngành.
Với nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả đang được triển khai thực hiện, chính quyền tỉnh Ninh Bình luôn hoan nghênh, mời gọi và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp, hợp tác xã trong tỉnh và ngoài tỉnh, doanh nghiệp FDI đến nghiên cứu đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.