Qua 5 năm thực hiện Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ, tỉnh Ninh Bình đã có 9 dự án được Cục Sở hữu trí tuệ phê duyệt triển khai. Trong đó, có 4 dự án ủy quyền cho địa phương quản lý và 5 dự án do Trung ương quản lý. Mặc dù các sản phẩm đều đang trong quá trình Cục Sở hữu trí tuệ xét cấp chứng nhận bảo hộ.
Tuy nhiên, bước đầu uy tín, sức cạnh tranh, nhận biết của người tiêu dùng đối với sản phẩm đang được bảo hộ gia tăng. Thị trường tiêu thụ một số sản phẩm như: Đá Ninh Vân, ngao Kim Sơn, dê núi Ninh Bình, dứa Đồng Giao… đã được mở rộng.
Ông Đinh Xuân Trường, Trưởng phòng Quản lý Khoa học, Sở Khoa học và Công nghệ cho biết: Để thực hiện các dự án phát triển tài sản trí tuệ, Sở đã hướng dẫn các Hiệp hội nghề nghiệp thành lập mới và kiện toàn các tổ chức tập thể như: Hiệp Hội nghề cói tỉnh Ninh Bình, Hiệp hội nghề đá Ninh Vân, Hội sản xuất, kinh doanh cá Tràu tiến vua tỉnh Ninh Bình, Hiệp hội sản xuất và kinh doanh cơm cháy Ninh Bình, Hội nghề thêu ren Văn Lâm - Ninh Hải.
Công tác đào tạo, tập huấn, tuyên truyền, phổ biến kiến thức, chính sách và pháp luật về sở hữu trí tuệ luôn được Sở Khoa học và Công nghệ quan tâm triển khai thực hiện với nhiều hình thức như: Phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo, tuyên truyền trên Báo Ninh Bình, Đài Phát thanh và Truyền hình Ninh Bình, tuyên truyền trên Bản tin thông tin khoa học và công nghệ và trên Trang thông tin điện tử của Sở.
Đồng thời phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức 4 Hội thảo khoa học nhằm hoàn thiện quy trình sản xuất, quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể, hệ thống logo, hệ thống nhận diện cho sản phẩm cói mỹ nghệ Kim Sơn, đá Ninh Vân, cơm cháy Ninh Bình, thêu Văn Lâm-Ninh Hải, dứa Đồng Giao, dê núi Ninh Bình. Tại các Hội thảo này đều kết hợp phổ biến các quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ .
Bên cạnh đó, Sở Khoa học và Công nghệ còn phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ, Trung tâm Phát triển doanh nghiệp nông thôn Việt tổ chức 3 lớp tập huấn về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong doanh nghiệp và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm đặc sản của địa phương cho 160 học viên thuộc các doanh nghiệp, cán bộ cơ quan nhà nước, các hiệp hội, người sản xuất, kinh doanh đặc sản tỉnh Ninh Bình.
Việc triển khai các dự án về sở hữu trí tuệ và tăng cường bồi dưỡng, tập huấn đã góp phần gia tăng số lượng đơn sở hữu trí tuệ. Trong giai đoạn vừa qua, tỉnh Ninh Bình đã gửi Cục Sở hữu trí tuệ tiếp nhận 264 đơn đăng ký các loại và đã có 125 văn bằng được cấp.
Việc triển khai các hoạt động thuộc chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ ngoài việc nâng cao sức cạnh tranh của các sản phẩm được bảo hộ còn khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp tích cực chủ động tham gia đăng ký bảo hộ sở hữu công nghiệp còn giúp các doanh nghiệp ngày càng nhận thức rõ và quan tâm hơn đến hoạt động xây dựng và phát triển thương hiệu trong giai đoạn hiện nay.
Để đồng hành với Bộ Khoa học và Công nghệ trong việc phát triển tài sản trí tuệ, tỉnh đã có những chính sách hữu hiệu để hỗ trợ doanh nghiệp, các hội ngành nghề, các làng nghề xây dựng và phát triển thương hiệu.
Năm 2012, trong Chương trình nghiên cứu triển khai của tỉnh, UBND tỉnh đã phê duyệt cho Trung tâm Nghiên cứu và phát triển hệ thống nông nghiệp thực hiện đề tài cấp tỉnh: "Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn để xây dựng bộ hồ sơ đăng ký nhãn hiệu chứng nhận gạo Hương Bình và ngao Kim Sơn", đến nay các sản phẩm này đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ.
Năm 2013, tỉnh tiếp tục đầu tư nghiên cứu xây dựng hồ sơ đăng ký nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm thêu ren Văn Lâm-Ninh Hải và Cơm cháy Ninh Bình.
Theo ông Hoàng Trọng Lễ, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, chương trình đã tạo ra hướng đi mới cho các ban, ngành, địa phương và các cơ quan chuyên môn trong việc triển khai các hoạt động hỗ trợ cộng đồng, doanh nghiệp tạo dựng và phát triển tài sản trí tuệ, góp phần đưa hoạt động sở hữu trí tuệ tới mọi miền Tổ quốc, xã hội hóa công tác đầu tư cho hoạt động bảo hộ và phát triển tài sản sở hữu trí tuệ; nâng cao nhận thức và thúc đẩy hoạt động sáng tạo trong khoa học, công nghệ và sở hữu trí tuệ; huy động sự tham gia của đông đảo các nhà sản xuất, kinh doanh sản phẩm, đặc biệt là sản phẩm nông nghiệp…
Chương trình còn tạo động lực cho các địa phương và xã hội huy động các nguồn lực để xây dựng và phát triển tài sản trí tuệ dùng cho các sản phẩm, dịch vụ đặc thù của mình.
Tuy nhiên, để tiếp tục thực hiện Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2011-2015, theo ông Hoàng Trọng Lễ: Bộ Khoa học và Công nghệ cần trình Chính phủ tiếp tục phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016-2020 để phát huy hiệu quả của các sản phẩm địa phương đã được bảo hộ sở hữu trí tuệ.
Chương trình cần được triển khai trên quy mô rộng hơn, không chỉ là hỗ trợ doanh nghiệp như giai đoạn trước đây mà phải hỗ trợ rộng hơn cho toàn xã hội, các tổ chức, cá nhân khác để phủ kín tất cả các loại hình về sở hữu trí tuệ, để các tổ chức, cá nhân đều được bảo hộ quyền của của họ đối với tài sản trí tuệ cũng như là hỗ trợ trong việc xác lập quyền.
Bên cạnh đó, chương trình cần tạo điều kiện hỗ trợ cho cơ quan quản lý địa phương trong việc đào tạo, tập huấn nâng cao nghiệp vụ cho đối tượng là cán bộ quản lý; đẩy mạnh các hoạt động trao đổi và cung cấp thông tin về sở hữu trí tuệ. Tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp và cá nhân của địa phương trong việc xác lập, khai thác và thực thi quyền sở hữu trí tuệ.
Nguyễn Thơm