Điều kiện làm việc lúc ấy, bây giờ nói lại ít có người hình dung nổi. Anh em trong Báo hầu hết làm được tất cả các công việc, từ viết tin, bài, sửa tin bạn đọc đến mi báo, theo đến nhà in sửa mo-rát... cho đến khi báo phát hành.
Chiến tranh ác liệt, nhà in phải sơ tán lên hang núi để tiện công việc của tòa soạn, đặt dưới chân núi Phú Gia, xã Ninh Khang, huyện Hoa Lư. Điện không có, máy in phải đạp bằng chân, mọi công việc đều nhờ ánh sáng mặt trời. Gay nhất là việc tráng phim, in phóng ảnh. Chúng tôi phải trùm chăn lắp phim vào hộp để tráng.
Thời kỳ ấy, mỗi tuần xuất bản 2 kỳ báo. Nhưng nếu có tin thắng lớn của miền Nam, miền Bắc, hoặc có những sự kiện đặc biệt, Báo Ninh Bình đều phát hành phụ trương, thường là 2 trang để phản ánh đầy đủ tầm vóc sự kiện. Trên mặt báo luôn là những tin thắng lớn trên các chiến trường, biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến trong tỉnh- hậu phương lớn cổ vũ, tiếp lửa cho chiến trường miền Nam.
Nhiều điển hình như: Dưỡng Điềm thâm canh giỏi, năng suất lúa cao; Khánh Vân, Ninh Mỹ phát triển mạnh bèo hoa dâu để thâm canh lúa; Khánh Hồng với điển hình cày bừa trâu bò đôi; Nông trường Đồng Giao-hình ảnh của sản xuất lớn XHCN... Những điển hình ấy từ cán bộ biên tập đến phóng viên hầu hết đều đến tìm hiểu để viết tin bài hoặc coi đó là sự trải nghiệm thực tế cuộc sống của mình. Thời đó, tin duy nhất viết qua điện thoại là tổng hợp sản xuất và tin chiến thắng qua các báo Trung ương.
Cũng vào thời kỳ gay go ác liệt nhất của chiến tranh phá hoại, Báo Ninh Bình được Hội Nhà báo Việt Nam cấp cho một chiếc xe máy Spat 2 số tay. Đây là phương tiện duy nhất của Báo để hoạt động nghiệp vụ. Lúc ấy trừ 2 phóng viên nữ ra, có tôi và một vài anh em khác là được sử dụng xe máy. Tôi là người ít tuổi hơn nên luôn được cơ quan giao cho tôi nhiều nhiệm vụ. Thường xuyên nhất là đi Hà Nội giao dịch vật tư thiết bị ngành ảnh.
Tuy nhiên, chủ yếu là đi Hà Nội làm bản kẽm cho báo Ninh Bình và xin bản kẽm về chiến thắng miền Nam mà Báo Nhân dân, Báo Quân đội nhân đã dùng để về dùng lại. Đi Hà Nội lúc ấy, đường xấu, phương tiện giao thông ít, nhiều khi phải vượt qua trọng điểm oanh tạc của máy bay Mỹ như: Cầu Gián, cầu Khuốt rồi đến thị xã Phú Lý, Ga Phủ Lý, thị trấn Đồng Văn… những điểm này, máy bay có thể đến bất cứ lúc nào, không kể sáng, trưa, chiều tối và cả ban đêm.
Nhưng lúc ấy chúng tôi không biết sợ, cứ bình thản như không, hễ thấy mọi người tránh máy bay thì mình cũng dựng xe tránh trú một lúc. Có lần nằm nấp ven đường, máy bay Mỹ sà thấp, to như một chiếc thuyền nan, nhìn rõ sao chữ trên máy bay.
Đến Hà Nội, công việc đầu tiên là đặt làm bản kẽm cho báo mình và yêu cầu lấy trong ngày để kịp về. Sau đó đến Nhà in Báo Nhân dân xin bản kẽm cũ. Một vài lần lên Hà Nội, những nơi làm kẽm cho mình như nhà in Báo Hà Nội, nhà in Minh Sang, Tân Việt Hoa đi sơ tán, hỏi thăm địa chỉ rồi lại tiếp tục vào nơi sơ tán của họ ở Hoài Đức, Thạch Thất (Sơn Tây). Xong việc dù 7-8 giờ tối mới rong ruổi ra về.
Cơ quan Báo thường xuyên theo dõi những thông tin về tình hình máy bay Mỹ đánh phá các địa bàn trong tỉnh và bám sát thông tin từ Ban Chỉ huy Phòng không của tỉnh, qua đó có thể đi cùng với Ban chỉ huy mỗi khi có sự kiện đặc biệt. Có lần máy bay Mỹ bị bắn, rơi ngay xuống ruộng lúa xã Khánh Ninh, cách đường 10 chừng 100m, dân quân xã bắt được cả giặc lái.
Tôi nhớ, mình đã chụp ảnh máy bay phơi xác trên ruộng lúa và chụp cả ảnh nhân viên y tế xã tiêm, băng bó vết thương cho giặc lái. Lần khác được báo máy bay rơi xuống xã Yên Đồng (Yên Mô), xe chúng tôi đến chợ Bút thì phải dừng lại để đi bộ mấy km đường ruộng, đường đồi mới tới. Chiếc máy bay ấy rơi xuống cánh đồng nước dưới thung lũng, bà con kéo đến xem rất đông. Tôi phải lội ruộng xuống tận nơi để chụp ảnh. Xác máy bay nằm đó. Giặc lái chết gục còn ngồi yên trên ghế lái. Mãi chiều muộn chúng tôi ra về, đến chợ Bút còn phải đọc mấy dòng chữ trên lá cờ Mỹ cho bà con nghe. Đại ý mấy dòng ấy nói rằng "Tôi quân nhân của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, tôi gặp nạn, xin các ông bà cứu giúp, Chính phủ tôi sẽ không quên ơn…".
Một lần khác máy bay Mỹ bị bắn rơi xuống Nông trường Đồng Giao. Tôi tức tốc mượn một chiếc xe đạp cuốc Liên Xô đạp vào cho nhanh. Vứt xe giữa đồi hoang, chúng tôi cứ nhìn hướng có khói cháy đi tới, bất chấp lau, lác quật vào mặt để ghi lại những bức ảnh sống động nhất.
Thị xã Ninh Bình là trọng điểm đánh phá của máy bay Mỹ bởi có cầu Non Nước, Ga Ninh Bình, Nhà máy Nhiệt điện, Nhà máy xay... Do vậy quanh thị xã có tới bốn năm trận pháo phòng không, đủ cả tầm thấp, tầm cao. Hôm đánh cầu Non Nước, tôi thấy sao máy bay chúng nhiều thế. Tốp nọ, tốp kia lộn đi lộn lại như chim nhạn trên trời.
Các trận địa pháo đều đắp ụ ngụy trang nhưng có 2 điểm không được như thế. Đó là Tổ chiến đấu chiếm cứ ngay trên sân thượng Nhà máy xay và Đài quan sát báo động trên đỉnh núi Cánh Diều. Toàn bộ núi Cánh Diều năm ấy nham nhở những dấu tích bom đạn của giặc Mỹ ném xuống. Trèo lên Trạm quan sát báo động ở núi Cánh Diều là niềm vui, tự hào của chúng tôi. Lúc ấy chẳng khi nào nghĩ tới gian khổ, nguy hiểm…
Rồi đến tối trực chiến, trực phòng không ở cầu phao Non Nước. Máy bay Mỹ tránh lưới lửa phòng không, hạ thấp tầm cao bất ngờ lao qua bắn phá cầu. Chúng hốt hoảng thả bom, phóng rốc két nhưng không lần nào trúng cầu. Từng xe, từng xe chở nặng hàng vẫn lần lượt qua cầu ra tiền tuyến… Thắng lợi cuối cùng đã đến, ngày 30/4/1975, khắp nơi đâu đâu cũng rực màu vàng đỏ của khẩu hiệu "Việt Nam toàn thắng".
Những gì đã trải qua khi làm báo thời chiến tranh luôn khắc mãi trong tâm trí của chúng tôi, trở thành kỷ niệm đẹp trong cuộc đời làm báo.
Thanh Bình