Cứ mỗi độ Tết đến, Xuân về, nhiều nơi trên khắp cả nước lại bước vào mùa lễ hội với ý nghĩa ghi nhớ công ơn các bậc tiền nhân, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc. Đối với Ninh Bình, theo thống kê, hiện nay trên địa bàn tỉnh có khoảng gần 260 lễ hội lớn nhỏ, trong đó có những lễ hội tiêu biểu như: Lễ hội Hoa Lư, Lễ hội chùa Bái Đính, Lễ hội đền Thái Vi, Lễ hội Tràng An...Lễ hội diễn ra vào tất cả các mùa trong năm nhưng chủ yếu tập trung vào mùa xuân với gần 150 lễ hội, đặc biệt tháng giêng có 52 lễ hội. Lễ hội là di sản văn hóa chứa đựng nhiều giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, hoạt động lễ hội là nhu cầu không thể thiếu trong sinh hoạt đời sống của nhân dân.
Những năm qua, với sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành trong công tác quản lý, tổ chức nên lễ hội trên địa bàn tỉnh diễn ra đúng quy định, có nhiều chuyển biến rõ nét. Các cấp, các ngành chức năng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về lễ hội và các vấn đề thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội.
Đồng thời tăng cường vai trò quản lý, kiểm tra, giám sát trước, trong và sau các lễ hội, đặc biệt quản lý giá cả hàng hóa dịch vụ trong dịp lễ hội và xử lý những sai phạm trong công tác tổ chức lễ hội; ngăn chặn tình trạng đeo bám, chèo kéo, nâng giá, ép giá dịch vụ; chấn chỉnh việc đặt hòm công đức, đặt tiền giọt dầu tùy tiện... Công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông và vệ sinh môi trường cũng được chú trọng. Qua đó đã thu hút sự tham gia của đông đảo du khách trong và ngoài nước, góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy hoạt động du lịch; tạo không khí vui tươi, phấn khởi, lành mạnh, giúp người dân và du khách hiểu biết thêm về truyền thống lịch sử văn hóa của dân tộc và nâng cao ý thức bảo tồn, phát huy di sản văn hóa của quê hương.
Tuy nhiên, việc thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội thời gian qua còn bộc lộ một số hạn chế, đó là việc tuyên truyền, quán triệt thực hiện quy định trong tổ chức lễ hội ở một số nơi chưa thực sự nghiêm túc. Vẫn còn hiện tượng đốt nhiều vàng mã gây lãng phí và ô nhiễm môi trường. ý thức của nhiều người dân tham gia lễ hội chưa cao như ăn mặc phản cảm, xả rác bừa bãi khi tham gia lễ hội; gài tiền vào tượng cũng như các hiện vật khác làm ảnh hưởng đến tính tôn nghiêm của di tích...Có nơi vẫn còn tình trạng người bán hàng đeo bám, chèo kéo khách.
Để các lễ hội được tổ chức đúng với ý nghĩa cao đẹp, thiêng liêng vốn có, đồng thời phát huy hiệu quả trong trong việc phục vụ du lịch, các cấp, các ngành chức năng cần đẩy mạnh việc tuyên truyền, quán triệt sâu rộng và tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các văn bản của Trung ương và của tỉnh về việc xây dựng nếp sống văn minh trong lễ hội. Các cơ quan, đơn vị chủ trì tổ chức lễ hội phải chịu trách nhiệm về nội dung chương trình và quá trình tổ chức lễ hội theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, các lễ hội được tổ chức phải có nội dung phù hợp với thuần phong mỹ tục và truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, đảm bảo an toàn, tiết kiệm, thực hiện nếp sống văn minh và bài trừ các hoạt động mê tín dị đoan, cờ bạc trá hình, không đốt pháo nổ, không trang trí đèn lồng không rõ nguồn gốc xuất xứ, in chữ nước ngoài không phù hợp với bản sắc văn hóa Việt Nam...
Những ngày đầu năm mới là thời điểm diễn ra nhiều lễ hội lớn, lượng du khách thập phương về tham quan, chiêm bái và tham gia lễ hội đông. Do đó các cấp chính quyền, các ngành chức năng cần tăng cường phối hợp đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông tại các khu, điểm du lịch trong mùa lễ hội, góp phần xây dựng hình ảnh thân thiện, văn minh, văn hóa, an toàn của du lịch trong mùa lễ hội. Bên cạnh sự vào cuộc nghiêm túc, trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương nơi diễn ra lễ hội, rất cần nâng cao ý thức của người tham gia lễ hội, của cả cộng đồng và xã hội đối với hoạt động có ý nghĩa nhân văn này. Mỗi người dân nâng cao ý thức thực hiện nếp sống văn minh là góp phần để lễ hội diễn ra thực sự vui tươi, ý nghĩa, thu hút ngày càng đông du khách thập phương về với Ninh Bình.
Minh Châu