Để tăng cường nhận thức của công chúng về tầm quan trọng và vai trò của tài nguyên nước, tài nguyên khí hậu đối với sự phát triển của nhân loại, Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về Môi trường và Phát triển tại Rio de Janeiro năm 1992 đã thông qua Nghị quyết lấy ngày 22/3 hàng năm là Ngày Nước thế giới và ngày 23/3 hàng năm là Ngày Khí tượng thế giới. Năm nay, Liên hợp quốc lựa chọn chủ đề: "Nước với thiên nhiên" cho Ngày nước thế giới và chủ đề: "Sẵn sàng với thay đổi thời tiết-ứng phó thông minh với khí hậu" cho Ngày Khí tượng thế giới. Các chủ đề nêu trên một lần nữa nhấn mạnh vai trò quan trọng của tài nguyên nước, tài nguyên khí hậu trong cuộc sống của con người mà hiện nay trên thế giới có khoảng 1,9 tỷ người đang phải sinh sống ở những vùng thiếu nước trầm trọng. Con số này có thể sẽ tăng lên khoảng 3 tỷ vào năm 2050; trong khi, khoảng 1,8 tỷ người vẫn đang phải sử dụng nguồn nước bị nhiễm bẩn. Chủ đề của Ngày Nước thế giới 2018 nhắc nhở chúng ta về vai trò của thiên nhiên trong việc giải quyết những thách thức về nguồn nước như hạn hán (thiếu nước), lũ lụt (quá thừa nước), ô nhiễm nguồn nước. Trong khi đó, biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng, diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn cầu, gây ra những thiệt hại to lớn về người và tài sản từ châu á đến châu Mỹ, châu Phi trong năm 2017.
Việt Nam là quốc gia được thiên nhiên ưu đãi với nguồn tài nguyên đa dạng, phong phú. Tuy nhiên, do tác động của biến đổi khí hậu và các hoạt động khai thác, sử dụng nước chưa bền vững, nguy cơ thiếu nước cho sinh hoạt và sản xuất do ô nhiễm môi trường, nước biển dâng, xâm nhập mặn ngày càng hiện hữu và có xu hướng diễn biến ngày càng phức tạp. Theo thống kê, hơn 60% lượng nước ở nước ta được sản sinh từ nước ngoài, gây nguy cơ suy giảm, khó chủ động được về nguồn nước, tác động tiêu cực cho các hoạt động phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và bảo vệ môi trường ở vùng hạ lưu. Đặc biệt, vùng đồng bằng sông Cửu Long đang chịu những tác động to lớn do biến đổi dòng chảy trong mùa lũ, suy giảm dòng chảy mùa kiệt, gia tăng xâm nhập mặn, suy giảm hàm lượng phù sa, suy giảm nguồn lợi thủy sản... Nhu cầu nước gia tăng trong khi nguồn nước đang tiếp tục bị suy giảm, đặc biệt là trong mùa khô. Tình trạng ô nhiễm nguồn nước ngày càng tăng cả về mức độ, quy mô, tập trung hầu hết các khu vực đô thị, khu công nghiệp, làng nghề. Mặt khác, rừng đầu nguồn bị suy giảm, diện tích rừng không được cải thiện, chất lượng rừng kém là nguyên nhân chính góp phần làm cho nguồn nước cạn kiệt. Cùng với đó, mỗi năm đất nước ta phải hứng chịu ảnh hưởng của nhiều loại hình thiên tai có nguồn gốc khí tượng thủy văn gây ra như: bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, ngập lụt, lũ quét, hạn hán…với tần suất và cường độ ngày càng gia tăng. Năm 2017 được biết đến với những kỷ lục về thiên tai với 16 cơn bão, 4 áp thấp nhiệt đới, nhiều đợt mưa lớn gây lũ, lũ quét sạt lở đất ở nhiều nơi trên cả nước, gây thiệt hại lớn đến tài sản và tính mạng của nhân dân.
Ninh Bình được biết đến như một tỉnh có lắm sông, nhiều suối. Tình trạng thiếu nước ngọt cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân không đến nỗi gay gắt như các tỉnh Nam Trung bộ, Tây nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, vào mùa khô (những tháng cuối và đầu năm sau) thì một số địa phương vẫn xảy ra tình trạng thiếu nước cục bộ cho sản xuất và sinh hoạt, nhất là ở các xã vùng cao: Kỳ Phú, Cúc Phương, Thạch Bình (Nho Quan). Vấn đề ô nhiễm nguồn nước vẫn đang tiềm ẩn nguy cơ cao do hoạt động sản xuất nông nghiệp, nước thải sinh hoạt của người dân, nước thải công nghiệp và các làng nghề, vấn đề đô thị hóa nông thôn... Nguồn nước trong các con sông chảy qua địa bàn luôn trong tình trạng báo động. Biến đổi khí hậu cũng đã tác động lớn đến tỉnh nhà: Nắng nóng gay gắt, nhiệt độ cao 37-39oC, kéo dài nhiều ngày như mùa hè năm 2017; đợt mưa, lũ với mức nước lũ đạt mốc mới (5,53m) tại bến Đế (sông Hoàng Long) vào đầu tháng 10/2017; giông lốc xảy ra ở Yên khánh, Yên Mô... là những biểu hiện rõ nét của sự biến đổi khí hậu.
Để hưởng ứng Ngày nước và Khí tượng thế giới năm 2018, mọi người dân, các cấp, các ngành hãy cùng chung tay, góp sức: Sử dụng hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên nước trong sinh hoạt hàng ngày và trong hoạt động sản xuất; ngăn chặn suy giảm tài nguyên nước, suy thoái chất lượng nước. Chủ động với mọi biến động của thời tiết khí hậu, tăng cường khả năng chống chịu với các hiện tượng thời tiết cực đoan để giảm thiểu tới mức thấp nhất những thiệt hại do thiên tai gây ra. Hành động nhỏ bé của mỗi người nếu gộp lại của toàn cộng đồng, của toàn xã hội sẽ tạo nên những hiệu quả to lớn, qua đó góp phần đảm bảo phát triển bền vững của đất nước, trên cơ sở giữ gìn môi trường sống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và trên hết là nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Trường Sinh