Dự án CHOBA 2 do tổ chức Đông Tây Hội Ngộ (Mỹ) tài trợ, được T.Ư Hội LHPN Việt Nam và UBND tỉnh Ninh Bình tiếp nhận, giao cho Hội LHPN tỉnh thực hiện trong hơn 2 năm (9/2016- 12/2018). Đây là lần thứ 2, Ninh Bình được tiếp cận Dự án này. Mục tiêu của dự án là hỗ trợ các gia đình xây dựng các nhà tiêu hợp vệ sinh (NTHVS), cải thiện vệ sinh môi trường và nâng cao sức khỏe cộng đồng, trong đó đặc biệt chú ý tới đối tượng là phụ nữ nghèo vùng nông thôn.
Đồng chí Nguyễn Thị Tỉnh, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: Tiếp nối thành công từ Dự án CHOBA 1, Dự án CHOBA 2 được triển khai tại 25 xã thuộc 4 huyện: Yên Mô, Kim Sơn, Nho Quan, Gia Viễn, trong đó có 12 xã đã thực hiện dự án giai đoạn 1, 13 xã mới tiếp cận dự án trong giai đoạn 2. Để khai thác thêm các nguồn lực, nâng cao hiệu quả Dự án, Ban quản lý Dự án CHOBA 2 các cấp chủ động lồng ghép hoạt động Dự án với việc thực hiện Cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch", phong trào "Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới". Ban quản lý Dự án tỉnh chỉ đạo các đơn vị tổ chức tuyên truyền về mục tiêu, nội dung hoạt động của Dự án, điều kiện, đối tượng hưởng lợi, lợi ích của việc xây dựng, sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, các kiến thức về chăm sóc sức khỏe, các tiêu chí của cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch", đặc biệt tuyên truyền tiêu chí 3 sạch "sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ"....
Ban quản lý Dự án các cấp đã tiến hành khảo sát điều kiện kinh tế và nhu cầu xây dựng NTHVS của các hộ dân tại 25 xã thực hiện Dự án. Kết quả có 16.204 hộ/54.148 hộ (= 30%) chưa có nhà tiêu hợp vệ sinh, trong đó có 9.147 hộ nghèo, cận nghèo, khó khăn và 7.054 hộ trung bình, khá. Dựa trên kết quả khảo sát đầu vào, Ban quản lý các cấp xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện Dự án phù hợp, tập trung quan tâm tuyên truyền, vận động, hỗ trợ những hộ nghèo, cận nghèo, khó khăn xây dựng NTHVS. Trong quá trình thực hiện Dự án, các tuyên truyền viên thường xuyên thăm hộ, cung cấp kiến thức về chăm sóc sức khỏe, phòng chống dịch bệnh, bảo vệ nguồn nước, cách sắp xếp nhà cửa, bố trí chuồng trại chăn nuôi..., đảm bảo tiêu chí gia đình "3 sạch".
Quá trình thực hiện, Ban Quản lý Dự án các cấp đã chủ động phối hợp với các đơn vị khai thác nguồn lực hỗ trợ cho dự án. Theo đó, Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã hỗ trợ chậu rửa Inax cho 600 gia đình hội viên, phụ nữ ở 25 xã nhằm khuyến khích các hộ làm NTHVS; Công ty Unilever Việt Nam hỗ trợ 17.296 chai Vim cho các hộ hoàn thành NTHVS, giúp hình thành thói quen giữ nhà tiêu sạch sẽ, hạn chế vi khuẩn lây bệnh. Công ty TNHH sản xuất và thương mại Tân á Hưng Yên hỗ trợ 18 hộ xây dựng NTHVS bằng bể nhựa tự hoại, mỗi hộ 1 triệu đồng và 1 bộ co cút lắp đặt bể trị giá 200.000 đồng. Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ quay vòng hỗ trợ phụ nữ tỉnh quan tâm, hỗ trợ vốn vay cho 4.920 hộ gia đình xây dựng NTHVS với tổng số tiền trên 58,7 tỷ đồng. Đặc biệt, các cấp Hội hỗ trợ 43,7 triệu đồng cho 33 hộ xây dựng NTHVS, giúp 564 ngày công xây dựng, đứng ra tín chấp cho 922 hộ mua vật liệu xây dựng trả chậm (trong đó có 24 hộ nghèo)...
Bằng các hoạt động thiết thực trên, sau 2 năm thực hiện Dự án tại 25 xã, các cấp Hội đã tuyên truyền, vận động 6.910/6.650 hộ xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh (vượt 260 hộ so với kế hoạch). Trong đó có 502 hộ nghèo, 885 hộ cận nghèo, 3.076 hộ khó khăn, 2.447 hộ khá. Kết quả trên góp phần đưa tỷ lệ hộ dân sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh/tổng số hộ dân tại 25 xã dự án tăng so với trước dự án trung bình đạt 42,63%, trong đó có 13 xã tăng từ 50% trở lên; 8 xã tăng từ 35%-40%; 4 xã tăng từ 16-25%. Đặc biệt, các xã: Yên Nhân (Yên Mô), xã Kim Chính, Đồng Hướng (Kim Sơn), xã Gia Phương (Gia Viễn)... đã tăng tỷ lệ bao phủ NTHVS so với trước dự án trên 65%; 15/25 xã thực hiện dự án về đích nông thôn mới.
Đồng chí Chủ tịch Hội LHPN tỉnh khẳng định: Hiệu quả của Dự án CHOBA2 không chỉ giúp nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên phụ nữ và người dân tại 25 xã về lợi ích của việc xây dựng, sử dụng NTHVS, về vai trò của nước sạch, VSMT đối với sức khỏe gia đình, cộng đồng mà còn góp phần quan trọng nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, cải thiện vệ sinh môi trường nông thôn. Quá trình triển khai thực hiện Dự án, trình độ năng lực của đội ngũ cán bộ từ tỉnh đến cơ sở tiếp tục được nâng lên. Cán bộ làm việc khoa học, bài bản và có kế hoạch hơn, thành thạo kỹ năng sử dụng máy vi tính, sử dụng Internet phục vụ hoạt động của dự án. Kỹ năng điều hành sinh hoạt nhóm, kỹ năng tuyên truyền vận động, tư vấn, hỗ trợ, kết nối... của đội ngũ chi hội trưởng được nâng lên. Chị em mạnh dạn, tự tin hơn, vị thế, vai trò của người cán bộ hội ngày càng được khẳng định.
Mai Lan