Trong các phiên giao dịch ngày 11/11, chỉ số Dow Jones tăng 0,7%, đạt mức 44.293 điểm, chỉ số S&P 500 tăng 0,1%, lên mức 6.001 điểm, trong khi chỉ số Nasdaq Composite gần như không thay đổi, dừng ở mức 19.298 điểm. Những cổ phiếu tăng mạnh trong ngày bao gồm Tesla, tăng khoảng 9% sau khi đạt mức vốn hóa thị trường 1 nghìn tỷ USD vào cuối tuần qua, các cổ phiếu công nghệ như Coinbase, MARA Holdings, và Riot Platforms đều tăng hơn 15%, trong khi các ngân hàng lớn như Goldman Sachs và JPMorgan Chase cũng tăng khoảng 2%.
Đà tăng mạnh này đưa chỉ số S&P 500 lên khoảng 26% tính từ đầu năm nay, nhờ vào sự lạc quan từ công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và những kỳ vọng về việc Cục Dữ trữ liên bang Mỹ (Ngân hàng trung ương - Fed) sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất. Các nhà đầu tư đang chờ đợi dữ liệu về chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ được công bố ngày 13/11 và các dữ liệu kinh tế khác trong tuần này để có thêm dấu hiệu về sức khỏe nền kinh tế và triển vọng lãi suất.
Trong khi đó, đồng USD tiếp tục giữ vững mức cao gần đây so với các đồng tiền lớn khác, chỉ thấp hơn mức đỉnh 4 tháng mà đồng tiền này đạt được vào tuần trước. Các chuyên gia dự báo rằng chiến thắng của ông Trump sẽ tạo ra một chính phủ thuận lợi cho thị trường chứng khoán, với các chính sách cắt giảm thuế và giảm bớt quy định, tạo động lực cho các nhà đầu tư.
Đặc biệt, chiến thắng của ông Trump và việc các ứng viên ủng hộ tiền mã hóa giành được ghế tại Quốc hội Mỹ đã giúp Bitcoin tăng mạnh, lập kỷ lục mới trên 87.000 USD, nhờ kỳ vọng vào môi trường chính sách dễ dàng hơn cho tiền mã hóa.
Tại châu Âu, chỉ số chứng khoán chính STOXX 600 tăng 1,13%, ghi nhận ngày giao dịch tốt nhất trong 6 tuần qua, khi cổ phiếu ngành quốc phòng tăng mạnh nhờ vào kỳ vọng về chi tiêu quân sự tăng ở châu Âu dưới chính quyền của ông Trump. Tuy nhiên, đồng euro giảm mạnh 0,6%, xuống mức thấp nhất trong 6 tháng rưỡi so với đồng USD, trong bối cảnh lo ngại về các mức thuế mà chính quyền của ông Trump có thể áp đặt đối với khu vực đồng euro.
Thị trường chứng khoán tại châu Á có sự phân hóa. Cổ phiếu tại sàn chứng khoán Hong Kong giảm xuống mức thấp nhất trong 3 tuần qua, do gói cứu trợ nợ của Chính phủ Trung Quốc không đạt được kỳ vọng của các nhà đầu tư về việc hỗ trợ nền kinh tế. Tuy nhiên, cổ phiếu của các công ty bán dẫn ở Trung Quốc lại tăng mạnh, trong bối cảnh các hãng truyền thông cho biết Mỹ đã yêu cầu công ty TSMC ngừng xuất khẩu các loại chip tiên tiến cho các khách hàng Trung Quốc. Các nhà đầu tư kỳ vọng động thái này sẽ thúc đẩy chính quyền Trung Quốc hỗ trợ ngành công nghiệp bán dẫn trong nước.
Về mặt hàng hóa, giá dầu tiếp tục giảm, với dầu thô Mỹ giảm khoảng 3% và dầu Brent giảm 2,5%, do kỳ vọng rằng chính sách "khai thác dầu" của Trump sẽ làm tăng nguồn cung toàn cầu. Trong khi đó, giá vàng giảm 2,3%, lùi về mức 2.622 USD/ounce sau khi đạt mức cao kỷ lục trong tháng trước.
Cùng với việc đóng cửa của thị trường trái phiếu Mỹ do kỳ nghỉ, các nhà đầu tư tiếp tục theo dõi chặt chẽ những diễn biến sắp tới, đặc biệt là các chính sách mà Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ đưa ra trong nhiệm kỳ thứ hai, với hy vọng về một nền kinh tế phát triển mạnh mẽ hơn và ít biến động hơn.