Phóng viên (P.V): Thưa đồng chí, đến thời điểm này, Sở Giáo dục - Đào tạo đã chỉ đạo các trường THPT chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT như thế nào?
Đồng chí Trần Quang Ánh: Trên cơ sở Quy chế thi hiện hành, hướng dẫn của Bộ Giáo dục - Đào tạo, Sở đã ban hành Công văn số 360/SGDĐT-KTKĐ ngày 23-4-2012 hướng dẫn thi tốt nghiệp THPT năm 2012 đến các trường THPT, Trung tâm GDTX trong tỉnh. Sở Giáo dục - Đào tạo đã tổ chức bồi dưỡng cho cán bộ, giáo viên THPT, TTGDTX chuyên đề ôn thi tốt nghiệp THPT, Bổ túc THPT năm 2012, thống nhất nội dung ôn tập; chỉ đạo tổ chức ôn tập sát với chuẩn kiến thức kỹ năng, rèn luyện kỹ năng làm bài cho học sinh, học viên. Tổ chức khảo sát chất lượng 6 môn thi tốt nghiệp THPT tại các trường THPT, Trung tâm GDTX. Tổ chức tập huấn sử dụng phần mềm Quản lý thi cho các đơn vị; chỉ đạo tổ chức học Quy chế thi, thông báo những điểm mới, điểm cần chú ý trong kỳ thi tốt nghiệp năm 2012 đến toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh; chỉ đạo chuẩn bị mọi điều kiện về hồ sơ, cơ sở vật chất phục vụ kỳ thi. Sở cũng đã thành lập các Hội đồng sao in đề thi, coi thi, chấm thi, phúc khảo, thanh tra thi theo đúng Quy chế, điều động trên 1.400 cán bộ, giáo viên làm nhiệm vụ coi thi, trên 100 cán bộ, giáo viên thực hiện thanh tra thi. Tổ chức kiểm tra cơ sở vật chất, hồ sơ dự thi, điều kiện an toàn, điều kiện làm việc tại 25 hội đồng coi thi trong tỉnh, trong đó mời các thành viên Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh tham gia kiểm tra. Việc chuẩn bị điều kiện cho kỳ thi diễn ra đúng kế hoạch, tiến độ và yêu cầu đề ra.
PV: Xin đồng chí cho biết những điểm mới của Bộ Giáo dục - Đào tạo trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay?
Đồng chí Trần Quang Ánh: Ngày 6-3-2012, Bộ Giáo dục - Đào tạo đã ban hành Thông tư số 10/2012/TT-BGDĐT về Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông; Công văn hướng dẫn tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2012. Theo đó, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2012 có một số điểm đổi mới: Về tổ chức kỳ thi, năm nay sẽ không tổ chức thi theo cụm trường. Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo thành lập các Hội đồng coi thi, một Hội đồng coi thi có thể được ghép bởi nhiều trường THPT, Trung tâm GDTX; giáo dục thường xuyên được thi ghép với giáo dục trung học phổ thông trong cùng một Hội đồng coi thi, có phòng riêng cho giáo dục thường xuyên.
Ôn thi ở trường THPT Trần Hưng Đạo, Tp. Ninh Bình. Ảnh:Phương Thảo
Trong công tác thanh tra thi, Bộ Giáo dục - Đào tạo không tổ chức các Đoàn thanh tra ủy quyền tại các tỉnh như những năm trước, chỉ tổ chức thanh tra lưu động; việc thanh tra coi thi, chấm thi do Sở Giáo dục - Đào tạo điều động. Bài thi được chấm bởi Hội đồng chấm thi đơn vị sở tại, không chuyển bài thi tự luận của học sinh cho tỉnh khác chấm. Bộ phận làm phách và các tổ chấm bài thi tự luận được bố trí sao cho các thành viên của Hội đồng chấm thi không được tiếp xúc với bài thi tự luận của học sinh trường phổ thông nơi họ công tác. Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay có quy định rõ ràng, chặt chẽ hơn về nghiệp vụ làm thi và một số nội dung khác như: Việc niêm phong đề thi, quy trình coi thi, chấm thi trắc nghiệm…
Đối với thí sinh cũng có những điểm mới như: Bổ sung nội dung cộng điểm khuyến khích cho học sinh đoạt giải trong cuộc thi sáng tạo, nghiên cứu khoa học, kỹ thuật do ngành Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các ngành chuyên môn từ cấp tỉnh trở lên tổ chức ở cấp THPT. Đồng thời có sự điều chỉnh, như việc thí sinh đến chậm quá 15 phút sau khi có hiệu lệnh tính giờ làm bài sẽ không được dự thi (Quy chế cũ quy định "Khi có hiệu lệnh tính giờ làm bài, thí sinh đến muộn sẽ không được dự thi"). Quyền phúc khảo bài thi của thí sinh được mở rộng, đó là mọi thí sinh đều có quyền xin phúc khảo bài thi (quy chế cũ quy định điểm bài thi thấp hơn điểm trung bình cả năm của môn học đó ở lớp 12 từ 1,0 điểm trở lên thì mới được quyền phúc khảo).
P.V: Năm nay có đến 2/6 môn thi tốt nghiệp phải học thuộc, liệu đó có phải là khó khăn cho các trường và các em học sinh? Theo đồng chí, giáo viên và học sinh cần vận dụng các phương pháp ôn tập như thế nào để đạt được hiệu quả cao nhất?
Đồng chí Trần Quang Ánh: Từ nhiều năm nay, ngành Giáo dục - Đào tạo Ninh Bình đã chỉ đạo các nhà trường tích cực ứng dụng công nghệ thông tin cùng với thực hiện đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra đánh giá học sinh theo chuẩn kiến thức, kỹ năng các môn học, khuyến khích tinh thần tự học, ý thức sáng tạo của học sinh, chấm dứt việc dạy học chủ yếu qua "đọc - chép" theo đúng sự chỉ đạo của Bộ, việc làm này đã đạt được kết quả nhất định, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
Nội dung thi tốt nghiệp THPT nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là chương trình lớp 12 mà học sinh đã được học. Học sinh phải ghi nhớ các kiến thức đã được học trong chương trình và vận dụng vào bài làm. Như vậy để làm tốt bài thi của cả 6 môn thi, đòi hỏi học sinh phải hiểu rõ bản chất, nắm được kiến thức đã học, rèn luyện thành thục kỹ năng làm bài chứ không đơn thuần là chỉ học thuộc.
P.V: Sở Giáo dục - Đào tạo có giải pháp gì đối với các trường và các em học sinh để kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2011-2012 đạt kết quả ?
Đồng chí Trần Quang Ánh: Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện được ngành Giáo dục và Đào tạo Ninh Bình xác định là mục tiêu cơ bản và quan trọng nhất. Từ đầu năm học, Sở đã chỉ đạo các nhà trường tập trung nâng cao chất lượng dạy - học; có biện pháp giúp đỡ, bồi dưỡng học sinh yếu kém, khắc phục học sinh ngồi sai lớp; thực hiện đúng quy định đánh giá xếp loại học sinh.
Những đổi mới trong kỳ thi năm nay rõ ràng, chặt chẽ hơn về nghiệp vụ làm thi, phù hợp với điều kiện thực tế tại các địa phương nhằm đánh giá trình độ của học sinh một cách khách quan, chính xác hơn. Để thực hiện tốt kỳ thi, Sở đã chỉ đạo các nhà trường tổ chức ôn tập sát với chuẩn kiến thức kỹ năng, nhắc nhở, đôn đốc học sinh, học viên chịu khó rèn luyện kỹ năng làm bài, không được chủ quan, lơ là; yêu cầu các Hội đồng coi thi, chấm thi thực hiện nhiệm vụ phải đảm bảo an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế.
P.V: Xin cảm ơn đồng chí !
Mỹ Hạnh (Thực hiện)