P.V: Thưa đồng chí, đảm bảo an sinh xã hội là một trong những vấn đề trọng tâm, luôn được tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện và đã thu được nhiều kết quả phấn khởi. Trong dịp Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013, vấn đề này tiếp tục được triển khai, thực hiện như thế nào?
Đồng chí Bùi Văn Thắng: Đảm bảo an sinh xã hội là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của Đảng và Nhà nước ta. Năm 2012, trong bối cảnh nền kinh tế cả nước, của tỉnh gặp phải nhiều khó khăn do ảnh hưởng suy thoái kinh tế toàn cầu, song được sự quan tâm chỉ đạo thực hiện đồng bộ, hiệu quả của các cấp, các ngành, các đoàn thể, đời sống nhân dân trong tỉnh vẫn ổn định và có bước phát triển.
Công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội được tập trung chỉ đạo và đạt hiệu quả. Trên 37 nghìn lượt hộ nghèo đã được vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất; 100% trẻ em dưới 6 tuổi và hộ cận nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế; trên 16.600 lao động được học nghề, trên 18.000 lao động được giải quyết việc làm. Đặc biệt, công tác giảm nghèo ngày càng thu hút được sự quan tâm, chung tay góp sức của nhiều tổ chức, nhà hảo tâm thông qua các chương trình xây dựng nhà tình nghĩa, hỗ trợ giống, vốn phát triển sản xuất, khám, chữa bệnh miễn phí, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh xuống còn 8%.
Tết Nguyên đán đang đến gần, để nhân dân đón Tết vui tươi, phấn khởi, an toàn, tiết kiệm, ngày 28-12-2012, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 05/CT-UBND, xác định việc chăm lo Tết cho toàn dân là trách nhiệm của các ngành, các cấp, đồng thời cũng chỉ rõ những việc phải làm trước, trong và sau Tết.
Trước Tết, các ngành được giao nhiệm vụ phải tổ chức rà soát, điều tra, nắm tình hình đời sống nhân dân, trong đó phải nắm chắc số hộ nghèo, hộ cận nghèo; những người có hoàn cảnh neo đơn, không nơi nương tựa, báo cáo các cấp có thẩm quyền, đặc biệt là UBND tỉnh để có giải pháp hỗ trợ, không để trường hợp nào thiếu đói, không có Tết. Với các đối tượng chính sách, người có công phải được chăm lo một cách đầy đủ, kịp thời và chu đáo. Những chính sách Trung ương ban hành, Trung ương hỗ trợ thì chúng ta phải thực hiện sớm, thực hiện đầy đủ, chu đáo. Tỉnh cũng đề nghị các huyện, thành phố, thị xã, các ngành, các địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội, các nhà hảo tâm cùng vào cuộc chăm lo cho các đối tượng, đặc biệt là hỗ trợ cho những hộ có hoàn cảnh khó khăn để họ đón Tết vui tươi, phấn khởi.
Đối với tỉnh, ngoài chính sách hỗ trợ của T.Ư, tỉnh cũng đã quyết định trích khoảng trên 20 tỷ đồng để hỗ trợ cho các đối tượng. Cụ thể, hộ nghèo năm ngoái được hỗ trợ 300.000 đồng/hộ, năm nay nâng lên 500.000 đồng/hộ; hộ cận nghèo năm ngoái là 200.000 đồng/hộ, năm nay nâng lên 400.000 đồng/hộ; cán bộ, công nhân viên có mức lương dưới 3,0 và giáo viên mầm non ngoài biên chế được hỗ trợ 300.000 đồng/người. UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chức năng chuẩn bị đủ kinh phí để tổ chức thực hiện sớm.
Ngoài việc hỗ trợ về vật chất, tỉnh cũng chỉ đạo các cấp, các ngành, đoàn thể tổ chức các đoàn thăm hỏi, động viên, chúc Tết các gia đình chính sách, những gia đình có con em đang công tác ở hải đảo xa xôi, người nghèo, người cô đơn không nơi nương tựa. Điều đó có ý nghĩa rất quan trọng, giúp các gia đình ấm lòng hơn khi Tết đến xuân về
P.V: Thưa đồng chí, để nhân dân đón Tết vui tươi, an toàn, tỉnh đã có chỉ đạo như thế nào?
Đồng chí Bùi Văn Thắng: Để nhân dân đón Tết vui tươi, phấn khởi, an toàn thì chúng ta phải đảm bảo đầy đủ các điều kiện để nhân dân vui Tết. Bên cạnh việc thực hiện đẩy đủ, kịp thời chế độ chính sách, chúng ta phải đảm bảo tốt vấn đề an ninh trật tự trước, trong và sau Tết. Muốn vậy, phải có sự phối hợp tốt giữa các lực lượng chức năng, trong đó lực lượng công an đóng vai trò nòng cốt. Ngoài việc mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm và các tệ nạn xã hội dễ phát sinh trong ngày Tết như trộm cắp, cờ bạc, cũng phải đặc biệt chú ý đến vấn đề an toàn giao thông, phòng chống đua xe trái phép, đảm bảo giao thông thông suốt, đáp ứng nhu cầu đi lại trong dịp Tết của nhân dân. Cùng với đó là phải tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công an về không sản xuất, vận chuyển, tàng trữ, buôn bán và đốt pháo nổ; chú ý xây dựng nếp sống văn hóa mới, khơi dậy những nét đẹp truyền thống, thể hiện rõ đạo lý "Thương người như thể thương thân", "Uống nước nhớ nguồn" của dân tộc.
Các ngành văn hóa thông tin và các địa phương cần tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí, tạo không khí vui tươi phấn khởi trong ngày Tết; các cơ quan báo chí, phát thanh - truyền hình có kế hoạch, chương trình phục vụ nhu cầu thông tin, thưởng thức văn hóa nghệ thuật cho nhân dân, tổ chức các chương trình văn hóa, văn nghệ mừng Đảng, mừng Xuân, có tác dụng giáo dục truyền thống, bồi đắp niềm tự hào về quê hương, đất nước cho cán bộ, đảng viên và thế hệ trẻ Ninh Bình. Bên cạnh đó công tác vệ sinh môi trường, trang trí cơ quan, đơn vị, đường phố, khu dân cư sao cho khang trang, sạch đẹp cũng cần được chú ý. Việc tổ chức vui Tết đón xuân cần tiết kiệm, không phô trương, hình thức.
P.V: Thưa đồng chí, tháng áp Tết cũng là thời điểm dễ xảy ra biến động về giá cả thị trường, vậy tỉnh đã có biện pháp gì để bình ổn giá, đảm bảo chất lượng hàng hóa, cân đối cung - cầu?
Đồng chí Bùi Văn Thắng: Tết đến, chắc chắn nhu cầu tiêu dùng của nhân dân sẽ tăng cao. Để đáp ứng yêu cầu về số lượng cũng như chất lượng hàng hóa, cần phải có sự quan tâm vào cuộc của các cấp, các ngành.
Trước hết ngành chức năng phải tổ chức rà soát, nắm nhu cầu của người tiêu dùng để tham mưu cho UBND tỉnh có biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp chuẩn bị những mặt hàng thiết yếu, không để xảy ra thiếu hàng, sốt giá.
Lực lượng quản lý thị trường phối hợp với lực lượng chức năng khác phải tăng cường công tác phòng chống buôn lậu và gian lận thương mại, phát hiện và xử lý kịp thời những trường hợp vận chuyển, buôn bán hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái, hàng không có nguồn gốc.
Ngành Y tế tham mưu, chủ động phối hợp tổ chức các đoàn thanh, kiểm tra VSATTP, trong đó phải đi sâu vào quản lý chất lượng nông sản, thực phẩm, các mặt hàng thiết yếu, có nhu cầu sử dụng nhiều trong dịp Tết, như bánh kẹo, rượu bia, rau quả. Tỉnh cũng đã có văn bản gửi các ngành chức năng, chỉ đạo các doanh nghiệp cung cấp hàng hóa phải công khai nhãn hiệu hàng hóa, chất lượng hàng hóa, niêm yết công khai giá cả, không để tư thương và các doanh nghiệp tự động nâng giá, đảm bảo cân đối cung-cầu.
P.V: Xin đồng chí cho biết những nhiệm vụ cần tập trung thực hiện ngay sau Tết?
Đồng chí Bùi Văn Thắng: Năm nay thời gian được nghỉ Tết tương đối dài nên ngay từ trước Tết, các cơ quan, đơn vị, địa phương ngoài việc chăm lo cho nhân dân vui Tết đón xuân vui vẻ, an toàn thì cũng phải có kế hoạch cho những ngày sau Tết, đảm bảo hết thời gian nghỉ Tết là bắt tay ngay vào học tập, công tác và sản xuất, kinh doanh bình thường, phấn đấu thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2013 ngay từ những tháng đầu, quý đầu.
Trước mắt, Sở Nông nghiệp và PTNT cần xây dựng kế hoạch "Tết trồng cây nhớ Bác" trang trọng, đạt hiệu quả. Đặc biệt, do thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài chưa thể cấy sớm, vì vậy sau Tết chúng ta phải tập trung cấy thật nhanh. Muốn vậy, các địa phương phải chuẩn bị trước khâu làm đất, phân bón, nước tưới, đảm bảo gieo đủ diện tích mạ với cơ cấu giống hợp lý, chú ý phòng, chống rét cho mạ và cho đàn gia súc. Về sản xuất công nghiệp cũng phải động viên các nhà máy đi vào sản xuất bình thường ngay từ đầu năm. Những dự án mới phải đẩy nhanh thủ tục và sớm đi vào xây dựng, phải giữ vững nhịp độ sản xuất công nghiệp.
Sau Tết, cũng là thời điểm diễn ra nhiều lễ hội, Ninh Bình lại là một vùng trọng điểm về du lịch, lượng du khách về tham quan thưởng ngoạn chắc chắn sẽ tăng. Do đó, các cấp, các ngành chức năng cần tiếp tục phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho du khách, không để xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài và đảm bảo VSATTP. Tại các di tích, nơi thờ tự, nơi tổ chức lễ hội cần chú ý xây dựng nếp sống văn minh lễ hội, tuyên truyền giá trị lịch sử văn hóa của di tích, có hướng dẫn cụ thể việc đặt hòm công đức; quản lý hàng quán, bãi đỗ xe, phí dịch vụ, kiên quyết bài trừ tệ nạn mê tín dị đoan, tạo hình ảnh đẹp về đất và người Ninh Bình trong mắt du khách.
P.V: Xin cảm ơn đồng chí!
Hà Trang (Thực hiện)