Phóng viên (P.V): Thưa bác sĩ, những năm gần đây tỉnh ta đã thực hiện khá tốt công tác phòng chống dịch bệnh, nhất là trong mùa mưa bão. Bác sĩ có thể đánh giá khái quát việc triển khai thực hiện như thế nào? Bác sĩ Lê Hoàng Nam: Những năm qua, công tác y tế dự phòng đã được tỉnh ta thực hiện nghiêm túc và đạt những kết quả khả quan, không để xảy ra dịch bệnh lớn ở người trên địa bàn. Có được kết quả đó là do Sở Y tế đã tham mưu cho UBND tỉnh kiện toàn và củng cố hệ thống giám sát dịch từ tỉnh đến cơ sở, đảm bảo mọi thông tin về tình hình dịch bệnh được cập nhật, báo cáo thường xuyên 24/24 giờ, để tỉnh và Bộ Y tế có sự chỉ đạo kịp thời khi có dịch xảy ra. Cùng với đó, ngành tích cực triển khai công tác giám sát nguồn nước, vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường tại các khu dân cư… hướng người dân, nhất là người dân vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu có thêm kiến thức, kinh nghiệm trong công tác phòng, chống dịch bệnh nói chung, vào mùa mưa bão nói riêng, từ đó góp phần bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Công tác điều tra dịch tễ, tìm đường lây, xử lý môi trường, đưa ra khuyến cáo cho người dân biết cách phòng chống dịch bệnh được thực hiện nghiêm túc, góp phần không cho dịch bệnh có cơ hội lây lan, phát triển. Đồng thời tổ chức giám sát thường xuyên các ca bệnh truyền nhiễm, chủ động phòng chống dịch bệnh mùa Đông xuân, dịp Tết Nguyên đán, dịch bệnh mùa hè, bệnh dịch trong mùa mưa bão... Ngành cũng chỉ đạo chuẩn bị sẵn sàng thuốc, hóa chất và phương tiện phòng chống dịch để ứng phó khi có dịch xảy ra, nhất là trong mùa mưa bão dễ phát sinh dịch bệnh. Kết quả, năm qua không phát sinh các dịch bệnh về dịch tả, thương hàn và phó thương hàn, viêm màng não do mô cầu, cúm A (H5N1), bệnh do virus Adeno, bệnh do liên cầu lợn ở người…, chỉ có một số ca bệnh truyền nhiễm không nguy hiểm xảy ra lác đác tại các địa phương.
Đặc biệt, do triển khai thực hiện có hiệu quả các biện pháp và hình thức tuyên truyền phong phú trên các phương tiện thông tin đại chúng và tại cộng đồng nên ý thức của người dân về phòng, chống dịch bệnh được nâng lên. Nhiều cá nhân, gia đình đã có ý thức và trách nhiệm trong việc tự bảo vệ và chăm sóc sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng theo từng mùa, từng thời điểm, từng thời gian trong năm, góp phần không nhỏ cùng với Ngành Y tế chủ động giám sát, phát hiện, khống chế, bao vây, dập dịch, không để xảy ra dịch bệnh lớn trên địa bàn.
P.V: Thưa bác sĩ, trong thực hiện phòng chống dịch, công tác thông tin, tuyên truyền có vai trò quan trọng như thế nào?
Bác sĩ Lê Hoàng Nam: Qua nhiều năm triển khai các hoạt động phòng chống dịch bệnh trên địa bàn cho thấy, công tác thông tin, truyền thông giáo dục sức khỏe có vai trò rất quan trọng trong việc phòng chống dịch bệnh nói chung, dịch bệnh trong mùa mưa bão nói riêng. Bởi khi mùa mưa bão về, lượng mưa lớn, gió bão gây đổ nhà, ngập đường sá, các công trình vệ sinh… nhiều địa phương bị ách tắc, chia cắt cục bộ, lúc này người dân phải là người chủ động trong công tác phòng chống dịch bệnh. Nếu được trang bị các kiến thức cơ bản, họ sẽ chủ động trong việc chăm sóc sức khỏe cho bản thân và gia đình. Trường hợp xảy ra dịch bệnh, người dân sẽ nhanh chóng thông tin, báo cáo với các cơ quan chức năng để phối hợp dập dịch.
Theo báo cáo của Trung tâm y tế dự phòng tỉnh, mặc dù trong gần 5 tháng đầu năm 2017, tỉnh ta không xảy ra dịch bệnh nguy hiểm nào, tuy nhiên, khi mùa mưa bão đến thì công tác phòng chống dịch bệnh cần phải được quan tâm hơn, vì đây là thời điểm dịch bệnh rất dễ bùng phát. Vào thời điểm này, lượng mưa lớn sẽ gây ra tình trạng ngập úng cục bộ tại nhiều địa phương, tạo điều kiện thuận lợi để các bệnh do vector truyền bệnh như muỗi, ve, mò, mạt, ruồi… sinh trưởng mạnh; trong đó, muỗi là vector truyền bệnh phổ biến nhất gây bệnh sốt rét, sốt xuất huyết. Sau những trận mưa bão lớn, tình trạng ngập úng là nguyên nhân dẫn đến thiếu nước sinh hoạt, đồng thời gây thiệt hại về tài sản, ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân. Nguồn nước nhiễm bẩn do mưa lũ, môi trường sống bị ô nhiễm làm gia tăng nguy cơ bùng phát các loại dịch bệnh như: Tiêu chảy, tả, lỵ, thương hàn, nước ăn chân, viêm da, viêm nang lông, đau mắt đỏ, mắt hột, sốt xuất huyết… Không chỉ bùng phát các dịch bệnh, trong mùa mưa bão, nguy cơ xảy ra tai nạn thương tích đối với người dân cũng tăng cao hơn, do đó công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân càng cần phải được coi trọng.
P.V: Thưa bác sĩ, mùa mưa bão đang đến gần, Ngành Y tế nói chung, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh nói riêng đã chuẩn bị các điều kiện gì để công tác phòng chống dịch bệnh được thực hiện hiệu quả nhất?
Bác sĩ Lê Hoàng Nam: Với tinh thần sẵn sàng, chủ động phòng chống dịch bệnh trong mùa mưa bão; bảo đảm các hoạt động chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho nhân dân trong mọi tình huống lụt, bão, thiên tai, thảm họa, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản, tính mạng người dân, Ngành Y tế đã chuẩn bị sẵn sàng mọi lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, dụng cụ, thuốc, vật tư, hóa chất cần thiết để đáp ứng kịp thời khi có tình huống cấp cứu, phòng chống dịch bệnh, đồng thời xử lý môi trường sau lụt, bão.
Theo đó, các đơn vị y tế đã tiến hành kiện toàn Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão, đội cơ động phòng chống dịch bệnh; tổ chức thường trực phòng chống lụt, bão, cứu nạn, cứu hộ 24/24h; theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến bão, lũ trên địa bàn tỉnh. Tăng cường công tác kiểm tra đánh giá chất lượng công trình bệnh viện, phòng khám đa khoa khu vực, trạm y tế xã để đảm bảo phòng chống dịch khi cần thiết. Các đơn vị dự phòng phối hợp với các cơ sở điều trị triển khai hoạt động khám, chữa bệnh, bám sát, hỗ trợ nhân dân khi có bão lũ xảy ra, hỗ trợ cấp cứu, chăm sóc sức khỏe kịp thời trong mọi tình huống cần thiết; giám sát việc triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh, nhất là các dịch bệnh nguy hiểm hay xảy ra trong mùa mưa bão.
Ngoài ra, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã chỉ đạo Trung tâm y tế 8 huyện, thành phố tăng cường giám sát dịch bệnh, đặc biệt là các ổ dịch cũ, những địa phương có nguy cơ cao, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh để xử lý kịp thời. Đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng cách phát hiện các loại dịch bệnh và các biện pháp dự phòng tại cộng đồng. Đặc biệt chuẩn bị đầy đủ thuốc, hóa chất và trang thiết bị cần thiết như các xe chuyên dụng, máy phun tiêu độc khử trùng, thuốc bột, thuốc viên Cloramin B, phèn chua, vôi bột, hóa chất xử lý muỗi, màn, nước ô nhiễm, dịch chuyền và cơ số thuốc chữa bệnh thông thường khác… Khi xảy ra dịch phải triển khai khẩn cấp các biện pháp chống dịch và thực hiện nghiêm túc chế độ khai báo thông tin, báo cáo thường xuyên.
Với tinh thần không chủ quan với dịch bệnh, ngành Y tế đang tích cực chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tăng cường bám sát địa bàn, theo dõi, kiểm soát, xử lý dịch bệnh để hạn chế bệnh bùng phát trong mùa mưa bão, chăm sóc tốt sức khỏe cho nhân dân, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do mưa bão gây ra.
P.V: Xin cảm ơn bác sĩ!
Mỹ Hạnh