Các chi nhánh ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn tiếp tục hỗ trợ cho khách hàng và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 bằng nhiều hình thức như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ, cho vay mới với lãi suất ưu đãi, hạ lãi suất cho vay...
Thực hiện Thông tư số 01/2000/TT-NHNN ngày 13/3/2020 của NHNN Việt Nam quy định về tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, các chi nhánh ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn đã xác định số dư nợ khách hàng bị thiệt hại hiện còn 4.756.751 triệu đồng và đã hỗ trợ cho khách hàng bằng các hình thức như sau: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho 282 khách hàng với dư nợ 1.317.475 triệu đồng; Miễn, giảm lãi suất và giữ nguyên nhóm nợ cho 24 khách hàng với dư nợ 231.740 triệu đồng, số tiền lãi đã được miễn, giảm là 211 triệu đồng; Cho vay mới 1.943 khách hàng với số tiền 2.157.252 triệu đồng.
Ngoài ra các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn đã siết chặt lợi nhuận để giảm lãi suất. Hiện nay mức lãi suất cho vay dưới 7% chiếm 8,3%; lãi suất từ 7 đến dưới 9% chiếm 32,6%; lãi suất từ 9 đến 11% chiếm 44,6%; lãi suất trên 11% chiếm 14,5%. Lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND đối với 05 lĩnh vực ưu tiên là 5%/năm đối với các ngân hàng và 6% đối với các quỹ tín dụng nhân dân.
Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ đạo các ngân hàng thương mại cân đối nguồn vốn để có thể cho khách hàng vay với lãi suất ưu đãi, đa dạng hóa các chương trình, các gói tín dụng phù hợp để hỗ trợ nhiều hơn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Ưu tiên nguồn vốn cho các chương trình tín dụng ưu đãi theo chỉ đạo của Chính phủ và NHNN Việt Nam.
Cùng với các ngân hàng thương mại trên địa bàn, thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 và văn bản số 2129/HD-NHCS ngày 27/4/2020 của Tổng Giám đốc NH CSXH Việt Nam hướng dẫn về nghiệp vụ cho vay người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc đối với người lao động, thời gian qua Chi nhánh NHCSXH tỉnh và Phòng giao dịch NHCSXH các huyện, thành phố đã phối hợp với Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội các huyện, thành phố nắm bắt nhu cầu triển khai cho vay người sử dụng lao động trả lương ngừng việc theo Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ và văn bản số 246/UBND-VP6 ngày 15/4/2020 của UBND tỉnh Ninh Bình.
Ngân hàng chính sách đã chủ động phối hợp với UBND các xã, phường, thị trấn, các hội, đoàn thể nhận ủy thác rà soát, nắm bắt nhu cầu vay vốn của các đối tượng thụ hưởng chính sách trên địa bàn, chủ động tham mưu UBND cùng cấp tổ chức hội nghị tuyên truyền, hướng dẫn trực tiếp đến người sử dụng lao động về chính sách vay vốn để trả lương ngừng việc đối với người lao động. Tuy nhiên, tính đến hết tháng 9, chưa có trường hợp nào vay vốn theo Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ tại NHCSXH tỉnh.
Nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cho rằng, chính sách ban hành kịp thời, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với đời sống người lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19. Tuy nhiên, có nhiều nội dung không hợp với thực tế; hồ sơ thủ tục, điều kiện vay vốn phức tạp, gây khó khăn cho doanh nghiệp…
Bài, ảnh: Nguyễn Thơm