Các loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi trên địa bàn tỉnh ta thời gian gần đây được kiểm soát tốt. Tuy nhiên, đang là thời điểm giao mùa, sức đề kháng của gia súc, gia cầm yếu cùng với tâm lý chủ quan của một bộ phận nhân dân trong công tác phòng, chống dịch bệnh là điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh phát sinh. Ông Hà Quốc Thịnh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh cho biết: Với điều kiện chăn nuôi nhỏ lẻ, nông hộ như hiện nay, việc xây dựng các chuồng trại theo đúng quy chuẩn còn ít, bà con chủ yếu chăn nuôi theo kiểu tận dụng, chưa chú trọng đến việc quy hoạch khu chăn nuôi, xử lý phân rác, do đó mầm bệnh thải ra môi trường nhiều. Vì vậy, phun khử trùng tiêu độc là một biện pháp cực kỳ quan trọng để tiêu diệt mầm bệnh lưu trữ, phát tán trong môi trường, hạn chế dịch bệnh xảy ra và cắt đứt được vòng truyền lây mầm bệnh xâm nhập vào vật nuôi cũng như con người, từ đó hạn chế dịch bùng phát.
Hiện, Chi cục đã hoàn thành cấp 5.000 lít hóa chất bao gồm 3.000 lít RTD - Iodine và 2.000 lít NaVet - Iodine 10% cho các địa phương để thực hiện Tháng tiêu độc, khử trùng môi trường. Trong đó, huyện Nho Quan được cấp nhiều nhất 900 lít, Gia Viễn 700 lít, Yên Mô 800 lít… Để Tháng tiêu độc, khử trùng môi trường đạt hiệu quả cao, ngoài việc định kỳ phun thuốc tiêu độc 1 lần/tuần tại các khu vực công cộng, chợ, đường làng, ngõ xóm, Chi cục yêu cầu trạm thú y các địa phương cử cán bộ xuống các xã phối hợp để hướng dẫn cán bộ thú y xã, người chăn nuôi thực hiện phun thuốc đúng quy cách.
Tại thị xã Tam Điệp, công tác tiêu độc, khử trùng đang được ngành thú y thị xã triển khai khẩn trương. Bà Nguyễn Thị Hồng Nhung, Trạm trưởng Trạm Thú y thị xã Tam Điệp cho biết: "Những ngày qua, các đội phun thuốc sát trùng của thị xã đã ra quân phun tiêu độc, khử trùng cho các khu vực có nguy cơ cao như các điểm họp chợ, nơi công cộng. Tại các điểm này, thị xã tiến hành phun định kỳ 1 lần/tuần.
Đối với các hộ chăn nuôi quy mô trang trại, cán bộ thú y thường xuyên xuống kiểm tra, giám sát, hướng dẫn khử trùng tiêu độc hàng ngày nên đàn gia cầm vẫn được bảo vệ an toàn, không phát hiện gia cầm bị bệnh. Cùng với 300 lít hóa chất được UBND tỉnh hỗ trợ, thị xã còn hỗ trợ mua thêm 6 tấn vôi bột để triển khai Tháng tiêu độc, khử trùng này. Trạm đã cấp phát cho các hộ dân và phun tiêu độc, khử trùng tại các nơi có nguy cơ cao toàn bộ số hóa chất trên.
Tại huyện Nho Quan, nơi có địa bàn rộng, đàn gia súc, gia cầm lớn với 21 nghìn con trâu bò, 136 nghìn con lợn và trên 550 nghìn con gia cầm. Trong đó đa phần đều là những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Sau khi 900 lít hóa chất được Chi cục Thú y chuyển về huyện, cán bộ thú y của nhiều xã như Yên Quang, Đồng Phong, Lạng Phong... đã nhận ngay số hóa chất được phân bổ để tiến hành phun tiêu độc, khử trùng càng sớm càng tốt.
Bà Quách Thị Liên, cán bộ thú y xã Yên Quang chia sẻ: Chăn nuôi trên địa bàn chủ yếu vẫn là chăn nuôi nhỏ lẻ, chuồng trại hầu như còn tạm bợ nên công tác phòng, chống dịch gặp khó khăn. Bởi vậy, những đợt phun khử trùng, tiêu độc tập trung với lượng lớn hóa chất được nhà nước cấp như thế này là rất quý. Sau khi nhận hóa chất, cán bộ thú y xã đã phân chia về cho các xóm và tiến hành phun đồng loạt ngay sau đó.
Ông Trương Đức Nghĩa, Trạm trưởng Trạm Thú y huyện Nho Quan cho biết: Quan điểm của huyện là triển khai nhanh gọn, đồng loạt, hiệu quả trong thời gian ngắn nhất. Cùng với đó, phát động nhân dân tự mua vôi bột để khử trùng khu vực chăn nuôi, chuồng trại...
Trong điều kiện còn rất nhiều bất cập trong vấn đề phòng dịch. Những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh cũng đã có những đợt dịch lớn xảy ra trên đàn vật nuôi, nhiều địa phương tỷ lệ tiêm phòng hàng năm thấp, không tạo được miễn dịch chủ động, mầm bệnh lưu hành rộng rãi trong đàn vật nuôi.
Đặc biệt, hiện nay, diễn biến dịch cúm gia cầm H5N6 phức tạp, thời tiết bất lợi, thì việc triển khai Tháng vệ sinh khử trùng, tiêu độc trên địa bàn tỉnh là một việc làm hết sức cần thiết không những giúp tiêu diệt mầm bệnh mà còn tác động đến ý thức phòng dịch của người chăn nuôi.
Bài, ảnh: Hà Phương