Công ty TNHH Cơ điện Ninh Bình tại Khu công nghiệp Khánh Phú là một trong 3 doanh nghiệp của tỉnh được công nhận là doanh nghiệp khoa học công nghệ.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Giám đốc Công ty cho biết: Trong những năm qua, Công ty đã không ngừng đầu tư cơ sở vật chất, đầu tư nghiên cứu khoa học, đổi mới công nghệ để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và năng lực cạnh tranh trên thị trường.
Thông qua nghiên cứu và thiết kế chế tạo, nhiều sản phẩm mới được sản xuất ra với sức cạnh tranh cao. Điển hình như: gầu ngọam điều khiển thủy lực; băng tải xích B800; van xuất xi măng rời loại 300 mm; hệ thống xuất bao xuống tàu sông...
Ngoài các công trình, sản phẩm được hỗ trợ kinh phí từ các đề tài, dự án khoa học của tỉnh, Công ty đã đầu tư vốn thực hiện đề tài nghiên cứu không sử dụng ngân sách nhà nước như: Nghiên cứu thiết kế và chế tạo giàn không gian đã được Hội đồng khoa học công nghệ của tỉnh đánh giá cao.
Các đề tài, dự án nghiên cứu của Công ty đều được ứng dụng vào thực tiễn sản xuất. Sản phẩm của Công ty làm ra chủ yếu thi công, lắp đặt cho các nhà máy xi măng, cảng sông phía Bắc, giúp đối tác nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tạo ra sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường công nghiệp phụ trợ xi măng ngày càng gia tăng trong và ngoài tỉnh như: Làm công trình giàn không gian tại Nhà máy xi măng Long Sơn, Nhà máy xi măng Vissai Hà Nam, Nhà thi đấu đa năng tỉnh Thái Bình; công trình hệ thống băng tải xuất bao xuống tàu sông tại Nhà máy xi măng Vissai Hà Nam, Nhà máy xi măng Bút Sơn.
Với sự đầu tư về nguồn lực, Công ty TNHH Cơ điện Ninh Bình không chỉ đa dạng hóa sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, tăng sức cạnh tranh với thị trường ngoại nhập, phục vụ phát triển sản xuất, kinh doanh mà còn gặt hái được nhiều giải thưởng cao quý về khoa học công nghệ của Trung ương và của tỉnh.
Trong đó phải kể đến giải thưởng sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam năm 2010 và năm 2015 với thiết kế và chế tạo Băng tải xích, băng tải linh hoạt và công trình "Hệ thống xuất bao xuống tàu sông" được Bộ Khoa học và Công nghệ tặng Bằng khen. Riêng công trình "Hệ thống xuất bao xuống tàu sông" được UBND tỉnh giới thiệu tham gia tuyển chọn công trình sáng tạo khoa học và công nghệ để công bố trong Sách vàng sáng tạo Việt Nam năm 2016.
Tại Công ty cổ phần Tập đoàn Thành Công chi nhánh Ninh Bình (Khu công nghiệp Gián Khẩu), các dây chuyền sản xuất đã được đầu tư theo công nghệ hiện đại, trong đó nhiều bộ phận gần như tự động hóa hoàn toàn. Đại diện Công ty cho biết: Nhà máy được Tập đoàn Huyndai chuyển giao công nghệ lắp ráp CKD và là đơn vị duy nhất được lắp ráp các loại xe du lịch mang nhãn hiệu Huyndai tại Việt Nam.
Nhằm đáp ứng được yêu cầu chất lượng sản phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn về chất lượng, Nhà máy đã đầu tư trang bị máy móc, thiết bị kỹ thuật, dây chuyền sản xuất đồng bộ, hiện đại được nhập từ nước ngoài.
Quá trình sản xuất, Nhà máy chú trọng nâng cấp hầu hết các dây chuyền, trong đó dây chuyền hàn thân vỏ có nhiều vị trí chính đã được đầu tư gần như tự động hoàn toàn với các Robot thế hệ mới.
Trong các đợt chuyển giao công nghệ, Tập đoàn Huyndai đều cử các chuyên gia kỹ sư đầu ngành sang hướng dẫn, giám sát lắp đặt, đào tạo hướng dẫn vận hành thiết bị, quy trình sản xuất cho các kỹ sư và công nhân nhà máy. Sau chuyển giao, đội ngũ kỹ sư và cán bộ kỹ thuật của Nhà máy đã tiếp nhận và làm chủ được thiết bị, công nghệ.
Các sản phẩm làm ra của Nhà máy được Tập đoàn Huyndai đánh giá là đơn vị xếp thứ hai về việc đảm bảo chất lượng trong số các đơn vị lắp ráp CKD của Huyndai toàn cầu. Nhờ chú trọng đổi mới công nghệ, hoạt động của Nhà máy đã có bước phát triển theo hướng bền vững.
Sau 5 năm đi vào hoạt động, Nhà máy đã lắp ráp và bán ra thị trường gần 20.000 xe ô tô; riêng 6 tháng đầu năm 2016, Nhà máy đã sản xuất 2.225 xe các loại, doanh thu ước đạt trên 2.000 tỷ đồng. Sản phẩm của nhà máy đảm bảo chất lượng, giá thành phù hợp nên sản phẩm có sức tiêu thụ tốt tại thị trường Việt Nam.
Được biết, những năm qua tỉnh ta đã tập trung đầu tư cho 3 Khu công nghiệp Khánh Phú, Gián Khẩu và Tam Điệp 1, xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng đủ điều kiện để thu hút, kêu gọi đầu tư, từng bước lấp đầy các dự án đầu tư.
Đến nay, các Khu công nghiệp của tỉnh đã thu hút được 103 dự án đầu tư, trong đó có 53 dự án đã đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Hầu hết các dự án đã hoạt động đều sử dụng dây chuyền, máy móc thiết bị hiện đại, áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và đều áp dụng hệ thống quản lý chất lượng.
Một số dự án đầu tư theo chiều sâu và có hàm lượng khoa học công nghệ cao như: Dự án nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô Thành Công; Nhà máy luyện cán thép Kyoei; dự án sản xuất camera modul và linh kiện điện tử MCNEX Vina; nhà máy sản xuất cần gạt nước ô tô ADM21; Nhà máy sản xuất linh kiện điện tử Sanico Việt Nam...
Nhìn chung, các dự án có hàm lượng công nghệ cao trong các khu công nghiệp hầu hết tập trung ở lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử, lắp ráp ô tô, phụ trợ ngành ô tô, mang lại giá trị sản xuất lớn, doanh thu và xuất khẩu cao.
Theo ông Vũ Hoài Chương, Phó trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, đối với các dự án vào khu công nghiệp, ngay từ khi triển khai các thủ tục đầu tư, Ban Quản lý các khu công nghiệp đã gửi hồ sơ dự án tới các sở, ngành liên quan để xin ý kiến góp ý, trong đó có sự thẩm định về công nghệ sử dụng áp dụng cho dự án của Sở Khoa học và Công nghệ.
Trong quá trình dự án triển khai xây dựng và đi vào hoạt động, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh thường xuyên đôn đốc, theo dõi kiểm tra việc chấp hành các quy định về hoạt động dự án đầu tư, đặc biệt là vấn đề sử dụng công nghệ của dự án. Đối với các dự án đã đi vào hoạt động, Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tiến hành kiểm tra công nghệ sau đầu tư.
Cùng với công tác quản lý Nhà nước, nhiều dự án trong các Khu công nghiệp đã chủ động tìm hiểu các nhiệm vụ khoa học công nghệ, từ đó liên hệ, hợp tác để áp dụng đổi mới công nghệ, cải tiến dây chuyền sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm.
Bên cạnh những kết quả nổi bật về hoạt động công nghệ, cũng còn những tồn tại, hạn chế trong lĩnh vực này trong thời gian qua ở các khu công nghiệp như nhiều doanh nghiệp chưa thực sự hiểu hết tầm quan trọng và chưa quan tâm đến việc đổi mới, áp dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất nên chất lượng sản phẩm chưa đáp ứng được yêu cầu của khách hàng, môi trường sản xuất chưa đảm bảo theo tiêu chuẩn.
Do đó, để các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp của tỉnh ngày càng phát triển, cùng với công tác quản lý Nhà nước đẩy mạnh thu hút đầu tư các dự án công nghệ cao, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường, các doanh nghiệp cần nâng cao nhận thức, vai trò và tầm quan trọng về đổi mới công nghệ, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.
Hồng Giang