Cùng Đoàn kiểm tra chuyên ngành của Chi cục ATVSTP tỉnh tiến hành kiểm tra tại một số nhà hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn thành phố Ninh Bình trong chương trình kiểm tra chuyên ngành nhân Tháng hành động vì ATTP năm 2018 và phục vụ Lễ kỷ niệm và Lễ hội Hoa Lư 2018, được Đoàn đánh giá bước đầu, hầu hết các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống hiện đã rất quan tâm, chú trọng đến việc đảm bảo an toàn thực phẩm, thái độ phục vụ cũng như trang trí, sắp đặt nơi ăn, uống, tạo hình ảnh đẹp, sự tin tưởng và thoải mái cho khách hàng.
Tại nhà hàng Khánh Anh, phố 11, phường Đông Thành (thành phố Ninh Bình), bằng mắt thường nhận thấy, nhà hàng đã đầu tư trang trí nhà hàng đẹp mắt, hiện đại với phòng ốc, bàn ghế, đồ dùng đồng bộ, sạch đẹp. Qua đánh giá của Đoàn kiểm tra, nhà hàng Khánh Anh đã thực hiện nghiêm túc các quy định về ATTP trong bảo quản, sử dụng và chế biến thực phẩm an toàn. Nhà hàng có đầy đủ Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, Giấy cam kết sử dụng thực phẩm an toàn, Giấy chứng nhận sức khỏe đối với chủ cơ sở và người trực tiếp tham gia chế biến thực phẩm, phục vụ ăn uống… Kiểm tra thực tế tại nhà hàng cho thấy, các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ chế biến; nguồn gốc nguyên liệu, phụ gia thực phẩm; việc lưu mẫu thức ăn; nguồn nước sạch dùng cho chế biến, vệ sinh thực phẩm, đồ dùng… tương đối đầy đủ và đảm bảo theo quy định.
Anh Chu Văn Thái, quản lý nhà hàng cho biết: Nhà hàng chuyên phục vụ các món ăn từ dê, mỗi ngày có hàng chục mâm khách đặt, dịp cuối tuần đông hơn một chút. Nhà hàng kinh doanh đã nhiều năm, không chạy theo số lượng mà cố gắng giữ một lượng khách quen ăn tại nhà hàng và mua chế biến sẵn về gia đình. Trong quá trình kinh doanh phục vụ, nhà hàng xác định rõ phải xây dựng và giữ vững thương hiệu để nhà hàng tồn tại lâu dài, do đó thực phẩm được nhập từ trang trại được đăng ký chăn nuôi an toàn; khâu bảo quản và chế biến đúng quy trình. Việc giữ gìn vệ sinh nơi chế biến ban đầu, khu bếp, nơi bày biện thức ăn chín được phân khu riêng, bảo đảm an toàn, chất lượng giữa đồ chín và sống… Đầu bếp và nhân viên chạy bàn được tập huấn về quy trình chế biến, bảo quản thực phẩm… Hàng năm, nhà hàng liên tục được các cơ quan chuyên môn tiến hành kiểm tra, thanh tra về ATTP và không để xảy ra vi phạm lớn nào.
Đồng chí Lê Hữu Trường, Phó Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh, Trưởng đoàn kiểm tra chuyên ngành về ATTP tỉnh cho biết: Nhân Tháng hành động vì ATTP năm 2018 và cũng là ngăn ngừa để không xảy ra tình trạng ngộ độc thực phẩm trong dịp Kỷ niệm 1050 năm Nhà nước Đại Cồ Việt và Lễ hội Hoa Lư năm 2018, từ đầu tháng 4/2018, Chi cục ATVSTP tỉnh đã thành lập các đoàn kiểm tra chuyên ngành; phối hợp với phòng y tế, trung tâm y tế các huyện, thành phố kiểm tra, kết hợp hướng dẫn, tuyên truyền các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm phục vụ kỷ niệm và lễ hội bảo đảm các điều kiện về an toàn thực phẩm.
Trước đó, nhân dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất và mùa Lễ hội Xuân 2018, Đoàn đã tiến hành kiểm tra chuyên ngành và liên ngành tại nhiều cơ sở kinh doanh trên địa bàn các huyện, thành phố trong tỉnh nhằm chấn chỉnh hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về ATTP. Theo đó, từ ngày 1 đến 31/3/2018, Chi cục ATVSTP tỉnh đã thành lập 2 Đoàn kiểm tra chuyên ngành của Chi cục, phối hợp với Phòng Y tế, Trung tâm Y tế các huyện: Hoa Lư, Gia Viễn, Yên Mô và thành phố Ninh Bình tiến hành kiểm tra 73 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, trong đó có 50 nhà hàng ăn uống và 23 cơ sở là nhà hàng trong khách sạn.
Kết quả kiểm tra ATTP tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống vào mùa Lễ hội Xuân năm 2018 cho thấy, nhìn chung các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống đã có ý thức chấp hành các quy định của nhà nước về ATTP; cơ sở có đầy đủ thủ tục hành chính về ATTP theo quy định; điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ của các cơ sở đáp ứng yêu cầu về bảo đảm ATTP để kinh doanh ăn uống; bố trí có khu sơ chế, chế biến riêng và cách biệt với các nguồn gây ô nhiễm; đa số nhân viên làm việc cố định đã được khám sức khỏe, xác nhận kiến thức về ATTP. Nguyên liệu thực phẩm có hợp đồng mua bán, hóa đơn chứng từ/giấy nhập hàng của các nhà cung cấp và được bảo quản lạnh/lạnh đông. Thực phẩm bao gói sẵn có tem nhãn, còn hạn sử dụng. Tuy nhiên vẫn còn những tồn tại, hạn chế chủ yếu tại một số cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống như: Chưa thường xuyên thực hiện việc kiểm thực ba bước, lưu mẫu thức ăn và ghi chép sổ sách; việc khám sức khỏe, xác nhận kiến thức ATTP của nhân viên thời vụ chưa đầy đủ; vẫn còn một số thực phẩm là rau, củ không rõ nguồn gốc, được mua ở chợ…
Trong tháng kiểm tra, 2 đoàn kiểm tra chuyên ngành của Chi cục ATVSTP tỉnh đã phát hiện 7 cơ sở, chiếm tỷ lệ 10,3% có vi phạm về ATTP. Trong đó xử lý vi phạm hành chính bằng hình thức phạt tiền 1 cơ sở, số tiền phạt 4 triệu đồng do không có biện pháp ngăn ngừa côn trùng, động vật gây hại; đình chỉ hoạt động 1 cơ sở do không có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện về ATTP; đồng thời các đoàn nhắc nhở 5 cơ sở và yêu cầu thực hiện các biện pháp khắc phục tồn tại, hạn chế do vệ sinh khu sơ chế, chế biến chưa thường xuyên; thiếu 1 số giá kệ tại khu sơ chế, chế biến...
Bà Nguyễn Thị Hường, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh cho biết: Tháng hành động vì ATTP năm nay được triển khai trên địa bàn toàn tỉnh, trong thời gian từ 15/4 đến 15/5/2018, với chủ đề: "Tăng cường trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm". Theo đó, trong Tháng hành động, chiến dịch truyền thông được triển khai từ tỉnh đến huyện, xã, tập trung vào các đối tượng được ưu tiên là các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm; chính quyền các cấp và người tiêu dùng. Cùng với đó, Ban chỉ đạo liên ngành về vệ sinh ATTP tỉnh sẽ thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm trên địa bàn tỉnh, phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm về ATTP; đẩy mạnh công tác tuyên truyền về vệ sinh ATTP, qua đó nâng cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền các cấp, các cơ quan quản lý nhà nước và người sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng việc chấp hành chính sách, pháp luật về ATTP.
Ngoài các đoàn kiểm tra liên ngành, các đoàn thanh tra, kiểm tra của các ngành: Y tế, Nông nghiệp, Công thương, Công an tiến hành thanh tra, kiểm tra tại cơ sở thực phẩm theo phân cấp quản lý. Tại các huyện và xã, ngoài chuẩn bị nội dung báo cáo của địa phương về công tác ATTP trên địa bàn, cần tổ chức các đoàn kiểm tra theo nội dung hướng dẫn, trong đó tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong việc thực hiện các quy định về bảo đảm ATTP… Tạo nên đợt cao điểm, phát động chiến dịch truyền thông nhằm tuân thủ các quy định pháp luật về ATTP trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm; chủ động phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm, hạn chế tối đa ngộ độc thực phẩm, đặc biệt là các vụ ngộ độc thực phẩm tập thể và các bệnh truyền qua thực phẩm do sử dụng sản phẩm thực phẩm không an toàn.
Mỹ Hạnh