Nghệ thuật hát Xẩm là một loại hình ca hát dân gian. Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, hát Xẩm đã có thời gian phát triển ở khắp các chốn thôn quê, đặc biệt là vùng Ninh Bình nổi tiếng với tên tuổi của nghệ nhân Hà Thị Cầu.
Đến những năm 60 của thế kỷ XX, vì nhiều nguyên nhân khác nhau, các phường Xẩm dần tan rã. Các nghệ nhân hát Xẩm bước dần vào tuổi xế chiều và lần lượt ra đi, mang theo những giá trị nghệ thuật đặc sắc mà họ lưu giữ và thực hành.
Đối với Ninh Bình, nơi được coi là cái "nôi" của hát Xẩm, loại hình nghệ thuật này cũng đứng trước nguy cơ bị mai một, thất truyền.
Trước thực trạng đó, UBND tỉnh Ninh Bình đã phê duyệt Đề án số 04 ngày 14/11/2011 về việc "Khôi phục, bảo tồn và phát triển nghệ thuật hát Xẩm" với mục tiêu bảo tồn, lưu giữ và phát triển loại hình văn hóa đang có nguy cơ bị thất truyền trong dân gian.
Thực hiện Đề án, Nhà hát Chèo Ninh Bình phối hợp với UBND huyện Yên Mô đã tổ chức biểu diễn nghệ thuật hát Xẩm tại một số điểm, khu du lịch, sưu tầm và bổ sung một số làn điệu hát Xẩm vào các vở diễn sân khấu truyền thống, nâng cao trình độ chuyên môn cho một số nghệ sỹ trẻ.
Huyện Yên Mô với vai trò là địa phương trọng điểm thực hiện Đề án đã phối hợp với ngành chức năng triển khai các công việc như: Tuyển chọn 10 học viên có năng khiếu hát Xẩm trên địa bàn huyện để cử đi đào tạo; mở 10 lớp truyền dạy hát Xẩm cho trên 300 người yêu thích hát Xẩm; tổ chức lớp hát Xẩm cho các giáo viên thanh nhạc ở các trường Tiểu học, THCS và các em học sinh trên địa bàn huyện nhằm đưa bộ môn nghệ thuật truyền thống này vào trường học; mở lớp dạy cách sử dụng một số nhạc cụ chính thường được dùng trong hát Xẩm…
Những nỗ lực trên đã góp phần bảo tồn và phát huy nghệ thuật hát Xẩm. Và một điều rất vui mừng là hát Xẩm đã không còn bó hẹp trong không gian hội làng, hội chùa, mà nay hát Xẩm đã vang lên trên sân khấu, tại các sự kiện văn hóa, chính trị, ngoại giao, du lịch của tỉnh.
Liên hoan Câu lạc bộ hát Xẩm các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc năm 2019 do Sở Văn hóa và Thể thao Ninh Bình phối hợp với Cục Văn hóa cơ sở, Viện nghiên cứu, bảo tồn và phát huy âm nhạc dân tộc phối hợp tổ chức là một hoạt động có ý nghĩa quan trọng trong việc khôi phục, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống nói chung, nghệ thuật hát Xẩm nói riêng; góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc.
Trong 3 ngày diễn ra Liên hoan, rất đông khán giả đến từ các vùng, miền trong tỉnh và cả tỉnh bạn đã tham dự, cổ vũ cho các tiết mục tại Liên hoan. Điều đó cho thấy giá trị của nghệ thuật hát Xẩm đã và đang được khôi phục, thu hút nhiều người quan tâm.
Liên hoan cũng nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình của một số tổ chức, cá nhân yêu thích nghệ thuật hát Xẩm, đặc biệt sự đồng hành, tài trợ của Quỹ Thiện Tâm, Tập đoàn Vingroup đã góp phần quan trọng để Liên hoan được tổ chức thành công.
Liên hoan Câu lạc bộ hát Xẩm các tỉnh khu vực phía Bắc - Ninh Bình năm 2019 đã khép lại. Thành công và dư âm của Liên hoan là động lực để các cấp, các ngành chức năng đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền và nâng cao nhận thức của cả cộng đồng, đặc biệt là thế hệ trẻ trong việc khôi phục, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của nghệ thuật hát Xẩm.
Trong thời gian tới, các cấp, các ngành chức năng cần tiếp tục tổ chức các hoạt động như hội thảo, tọa đàm, mở các lớp truyền dạy hát Xẩm, tăng cường các buổi biểu diễn tại các địa phương, các điểm du lịch nhằm phát huy thế mạnh của nghệ thuật hát Xẩm…
Đây cũng là cơ sở, tiền đề để xây dựng hồ sơ đề nghị ghi danh nghệ thuật hát Xẩm vào danh mục di sản phi vật thể quốc gia, tiến tới xây dựng hồ sơ trình UNESCO ghi danh nghệ thuật hát Xẩm là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Minh Châu