Các đồng chí: Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy; Lê Hoàng Quân, Ủy viên T.Ư Ðảng, Chủ tịch UBND thành phố; Nguyễn Văn Ðua, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng ban Chỉ đạo cải cách tư pháp của thành phố và đại diện các sở, ngành đã báo cáo với Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và đại diện các ngành tư pháp của Trung ương kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết 49-NQ/T.Ư của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 tại thành phố.
Trong hai năm qua, công tác cải cách tư pháp tại thành phố đã có những chuyển biến tích cực từ nhận thức đến tổ chức thực hiện, từ tổ chức cán bộ, cơ sở vật chất đến thực hành công tác tố tụng. Với tinh thần trách nhiệm, ý thức tự giác, các ngành tư pháp thành phố đã nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ theo yêu cầu cải cách tư pháp, giải quyết kịp thời các vụ án điểm, án tham nhũng, phục vụ yêu cầu chính trị của địa phương. Chất lượng các vụ điều tra, truy tố, xét xử có chuyển biến tích cực, bảo đảm đúng quy định pháp luật; trong đó, chất lượng xét xử từng bước được nâng lên, chưa xảy ra xử oan. Hội đồng xét xử đã dựa trên kết quả xét hỏi và tranh tụng tại phiên tòa để đưa ra phán quyết, các phiên tòa diễn ra dân chủ, minh bạch. Tỷ lệ án hủy do lỗi chủ quan của thẩm phán từ 2,05% của những năm trước giảm xuống còn 0,48%; án sửa từ 5,86% giảm còn 0,99%. Lộ trình tăng thẩm quyền đến nay cơ bản đã hoàn thành.
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã đánh giá: Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những địa phương triển khai thực hiện Nghị quyết 49-NQ/T.Ư nghiêm túc, triệt để, toàn diện và có hiệu quả nhất, làm đầu tàu để các địa phương khác noi theo.
Sau khi chỉ rõ những nhược điểm, yếu kém của các cơ quan tư pháp thành phố như tỷ lệ khám phá án chưa cao, án tồn chưa được khắc phục một cách triệt để; đội ngũ cán bộ tư pháp tuy được tăng cường nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu; cơ sở vật chất và phương tiện làm việc còn thiếu... Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh: Là một địa bàn trọng điểm phức tạp về tình hình an ninh, trật tự xã hội, là "vùng trũng" của các vụ án lớn, yêu cầu đặt ra cho ngành tư pháp là phải nhanh chóng xây dựng đội ngũ ngày càng vững mạnh, tập trung nâng cao hơn nữa chất lượng công tác từ điều tra, khởi tố, đến việc xét xử, thi hành án; phải xử án đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Trong công tác này, ngành tòa án đóng vai trò trọng tâm và đội ngũ cán bộ đóng vai trò quyết định.
Chủ tịch nước căn dặn: Thành phố Hồ Chí Minh phải tiếp tục kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết 49 NQ/T.Ư, tiến hành sơ kết để đúc rút kinh nghiệm; tăng cường công tác giáo dục pháp luật trong nhân dân; tiếp tục và tăng cường hơn nữa công tác đào tạo cán bộ, chú ý đào tạo một đội ngũ cán bộ am hiểu luật pháp quốc tế, ngoại ngữ chuyên ngành và kiến thức về hội nhập quốc tế. Thành phố cần làm tốt công tác xây dựng Ðảng trong các cơ quan tư pháp; chú trọng việc rèn luyện, nâng cao phẩm chất chính trị, bản lĩnh chính trị, đạo đức, lối sống của đội ngũ cán bộ tư pháp, cán bộ bổ trợ tư pháp; tiếp tục tập trung đầu tư phương tiện, trụ sở làm việc cho các cơ quan tư pháp và tích cực chăm lo đời sống cán bộ, nhân viên ngành tư pháp...
Theo TTXVN