Bị cáo Nguyễn Thị Thu Hằng từng là đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam, có trình độ học vấn, được đào tạo và kinh qua nhiều vị trí công tác khác nhau ở các tổ chức tín dụng. Nhưng với lối sống ích kỷ, tư lợi cá nhân, thích hưởng thụ trên thành quả lao động của người khác, bị cáo đã bất chấp pháp luật, dùng thủ đoạn gian dối, chỉ đạo nhân viên Quỹ rút tiền chi khống chứng từ, lập hồ sơ tín dụng khống, tất toán khống tiền gửi của khách hàng để chiếm đoạt một lượng tiền lớn của Quỹ sử dụng cho mục đích cá nhân trong suốt một thời gian dài từ năm 2013 đến năm 2019.
Hành vi lừa đảo, chiếm đoạt nổi bật của Hằng phải kể đến là lần "hô biến" sổ tiết kiệm 500 triệu đồng thành 7,5 tỷ đồng. Cụ thể, năm 2016, Hằng chỉ đạo nhân viên lập 3 sổ tiết kiệm khống để chiếm đoạt trên 8,4 tỷ đồng.
Ngày 6/10/2016, bà Nguyễn Thị Tám (phường Thanh Bình, thành phố Ninh Bình) mang 500 triệu đồng đến Quỹ tín dụng Me làm thủ tục gửi tiền tiết kiệm, nhưng Hằng đã chỉ đạo thủ quỹ Lê Thị Kiều Oanh thiết lập 3 sổ tiết kiệm với tổng số tiền 7,5 tỷ đồng mang tên bà Tám.
Ngoài ra, Hằng còn đưa cho Oanh sổ tiết kiệm với số tiền ghi trên sổ là 700 triệu đồng để làm thủ tục đảo sang sổ tiết kiệm mới cho bà Tám (đây là số tiền bà Tám đã gửi thực tế trước đó tại Quỹ). Tổng số tiền trên 4 sổ tiết kiệm mang tên bà Tám lập ngày 6/10/2016 là 8,2 tỷ đồng.
Để che giấu việc làm của mình, Hằng dặn Lê Thị Kiều Oanh không nói việc này cho ai biết và bảo Oanh giả chữ ký của Phó Giám đốc Quỹ tín dụng nhân dân thị trấn Me để ký vào 3 sổ tiết kiệm, trong đó có 7 tỷ đồng lập khống nêu trên.
Đến ngày làm thủ tục tất toán, bà Tám đã chuyển 4 sổ tiết kiệm mang tên mình với tổng số tiền 8,2 tỷ đồng, trong đó có 7 tỷ đồng lập khống cho Nguyễn Thanh Bình (cháu ruột bà Tám) tiếp tục đứng tên gửi tiết kiệm tại Quỹ tín dụng Me.
Đến hạn tất toán, Nguyễn Thanh Bình đến rút gốc 800 triệu đồng và nhận tiền lãi, tiền khuyến mại của các sổ tiết kiệm trên. Số tiền còn tại 7,4 tỷ đồng được Bình đổi thành 3 sổ tiết kiệm mới (trong đó có 7 tỷ đồng lập khống) và tiếp tục gửi lại tại Quỹ tín dụng Me.
Tính đến thời điểm 16/4/2019, Quỹ tín dụng Me đã xuất tiền mặt thực tế chi trả cho Nguyễn Thị Tám, Nguyễn Thanh Bình số tiền lãi suất và khuyến mại của 7 tỷ lập khống là gần 1,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, kết quả phục hồi báo cáo ngày 6/10/2016 thuộc hệ thống chứng từ nội bộ thể hiện "mục thu tiền gửi" của các sổ tiết kiệm trên chỉ có 500 triệu đồng được thu về Quỹ.
Trong một vụ việc khác, từ năm 2016 đến tháng 4/2019, Hằng đã nhiều lần yêu cầu nhân viên xuất tiền Quỹ cho Hằng mua hàng tại cửa hàng Thúy Lại (thành phố Ninh Bình) để biếu xén cấp trên, chi quà cho khách hàng... với tổng số tiền trên 1,5 tỷ đồng, trong đó Hằng chiếm đoạt trên 553 triệu đồng để sử dụng cá nhân.
Các lần Hằng chỉ đạo nhân viên xuất tiền đều không có chứng từ, không họp bàn, thông qua các thành viên HĐQT mà chỉ được ghi vào báo cáo nội bộ ngày để theo dõi.
Cũng với thủ đoạn nhập tiền vào Quỹ tạo sự tin tưởng sau đó yêu cầu thủ quỹ chi khống chứng từ cho cá nhân, từ năm 2014 đến tháng 4/2019, Nguyễn Thị Thu Hằng đã nhiều lần chiếm đoạt tiền của Quỹ để sử dụng cá nhân.
Qua kiểm tra, đối chiếu các khoản "chi khác" trên các báo cáo ngày từ tháng 7/2014 đến tháng 4/2019, Hằng đã thừa nhận 140 lần lấy tiền của Quỹ để thanh toán tiền Hằng đặt mua mỹ phẩm cho cá nhân trên mạng, tiền sửa chữa nhà riêng của Hằng ở thành phố Ninh Bình; đưa cho người khác vay trên danh nghĩa cá nhân nhưng khi những người này trả tiền vay thì Hằng không hoàn trả vào Quỹ mà lấy sử dụng cá nhân; chi phí trả tiền học cao học của Hằng; chi phí cho Hằng đi miền Nam ăn cưới em họ; chi trả tiền công cho bà giúp việc của gia đình Hằng... Tổng số tiền Hằng đã chiếm đoạt sử dụng cá nhân là trên 4,1 tỷ đồng. Ngoài ra, Hằng còn chiếm đoạt của Quỹ gần 1,3 tỷ đồng để mua xe ô tô Camry cá nhân; chiếm đoạt trên 550 triệu đồng thanh toán mua quà cáp biếu xén để sử dụng cá nhân...
Với cùng một thủ đoạn, phương thức như trên, Hằng đã chiếm đoạt của Quỹ tín dụng nhân dân thị trấn Me tổng số tiền trên 26,3 tỷ đồng (trong đó thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản 11 vụ với tổng số tiền chiếm đoạt trên 21,6 tỷ đồng; tham ô tài sản 7 vụ với tổng số tiền chiếm đoạt trên 4,6 tỷ đồng); gây mất khả năng thanh toán của Quỹ lên tới trên 146 tỷ đồng, trong đó gây thiệt hại cho khách hàng gửi tiền là rất lớn.
Tại phiên tòa xét xử, Nguyễn Thị Thu Hằng đã thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình, bày tỏ sự hối hận, ăn năn. Nhưng hành vi phạm tội của bị cáo được nhận định là nguy hiểm cho xã hội với tính chất đặc biệt nghiêm trọng, không chỉ xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của khách hàng gửi tiền vào Quỹ, mà còn làm ảnh hưởng đến hoạt động của hệ thống tài chính, sự quản lý điều hành của Nhà nước trong lĩnh vực tín dụng, ngân hàng và làm ảnh hưởng đến sự lành mạnh ổn định của thị trường tiền tệ, gây mất ổn định kinh tế, xã hội tại địa phương, làm giảm lòng tin của nhân dân vào các tổ chức tín dụng. Do vậy bản án dành cho bị cáo là đích đáng.
Vụ án được đưa ra xét xử đúng người, đúng tội, kịp thời thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật, đồng thời là lời cảnh tỉnh cho hệ thống các đơn vị kinh doanh tiền tệ trong công tác quản lý, điều hành. Được biết, hiện nay, Cơ quan điều tra vẫn đang tiếp tục xác minh, điều tra đối với các đối tượng có liên quan đến vụ án này.
Bài, ảnh: Ân Nghĩa