Hàng tuần nay, bà Lý Thị Tảo, hơn 60 tuổi, xã Gia Tân (Gia Viễn) vẫn phải nằm viện vì sốt cao, đau người, mỏi mệt, ăn không ngon. Bà Tảo cho biết: Thời tiết nắng nóng thật mệt mỏi, nhất là với những người già như chúng tôi. Các con đi làm xa cũng đã dặn dò tôi giữ gìn sức khỏe, tôi cũng có ý thức trong việc ăn uống đảm bảo vệ sinh như ăn chín uống sôi, không ra ngoài khi thời tiết quá nắng nóng, thế mà không hiểu sao vẫn mắc bệnh cúm hàng tuần chưa khỏi. Vào bệnh viện, bác sĩ kết luận tôi mắc sốt vi rút, có nhanh cũng phải chục ngày mới khỏi hẳn được… Theo bác sĩ Phạm Văn Yên, Trưởng khoa truyền nhiễm, Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh, tình hình bệnh nhân và các loại bệnh truyền nhiễm năm nay không tăng so với cùng thời điểm các năm trước, nhưng lại có một số bệnh có dấu hiệu tăng cao, như bệnh sởi, tiêu chảy, thủy đậu và cúm. Chẳng hạn như bệnh quai bị, những năm trước thường xuất hiện vào mùa thu đông, hay gặp ở thanh thiếu nhi, thì năm nay, đến đầu mùa hè vẫn có nhiều bệnh nhân mắc, trong đó khá nhiều đối tượng mắc là người lớn. Năm nay, bệnh cúm, tiêu chảy cũng có xu hướng tăng lên…Trước diễn biến khó lường của thời tiết, dịch bệnh, người dân cần chú ý, quan tâm đến việc giữ gìn sức khỏe cho bản thân và gia đình.
Theo số liệu từ Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, ước 6 tháng đầu năm 2016, toàn tỉnh có 8.060 ca mắc cúm, trên 3.300 ca mắc tiêu chảy, 161 ca mắc thủy đậu, 429 ca mắc quai bị, gần 60 ca mắc bệnh tay - chân - miệng… Trong đó, riêng bệnh quai bị, 6 tháng đầu năm nay có 429 ca mắc, tăng gấp 6,3 lần so với năm ngoái (cùng kỳ năm 2015 có 68 ca); bệnh viêm gan vi rút tăng gấp đôi; có 1 ca mắc dại, tử vong; bệnh tiêu chảy có chiều hướng gia tăng…. Một số loại bệnh truyền nhiễm giảm so với cùng kỳ năm trước, như bệnh lỵ, sốt rét, thủy đậu, tay chân miệng… Các ca bệnh đều được giám sát, chăm sóc, điều trị tại nhà hoặc các đơn vị y tế, do đó không hình thành các ổ dịch nghiêm trọng, lây lan rộng ra cộng đồng. Tuy nhiên, dù có nhiều loại bệnh giảm so với cùng kỳ, song những người có chuyên môn khuyến cáo, người dân không thể chủ quan do nguy cơ tiềm ẩn dịch bùng phát trong cộng đồng là rất cao.
Đồng chí Lê Hoàng Nam, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng tỉnh cho biết: Để chủ động phòng chống các bệnh truyền nhiễm thường gặp vào mùa hè, ngay từ thời điểm giao mùa (tháng 3 hàng năm), Trung tâm y tế dự phòng tỉnh đã chỉ đạo và tăng cường các biện pháp phòng chống dịch như: Theo dõi việc giám sát dịch bệnh trên địa bàn toàn tỉnh; vận động nhân dân vệ sinh môi trường xung quanh nhà ở; chủ động điều tra, giám sát lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp sốt phát ban nghi sởi, quai bị, thủy đậu và tay chân miệng trên địa bàn; duy trì hoạt động thường xuyên của các đội phòng, chống dịch cơ động. Bên cạnh đó, chỉ đạo các địa phương cung cấp thông tin chính xác, kịp thời về tình hình dịch bệnh; tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để giúp người dân hiểu, chủ động phối hợp và tham gia các hoạt động phòng, chống dịch bệnh.
Đặc biệt tuyên truyền sâu rộng đến các bà mẹ mang thai, trẻ em trong độ tuổi cần được tiêm phòng để hạn chế số trẻ mắc bệnh trong độ tuổi tiêm chủng. Trong 6 tháng đầu năm 2016, ngành y tế đã tổ chức tiêm vắc xin sởi - rubella cho trên 17 nghìn đối tượng 16-17 tuổi trên địa bàn; có gần chục nghìn trẻ em trong độ tuổi được tiêm phòng sởi, sởi mũi 2, các mũi tổng hợp "5 trong 1", như bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B; trên 6 nghìn trẻ được tiêm phòng viêm não Nhật Bản và gần 9 nghìn phụ nữ mang thai được tiêm AT2… Đồng thời, các cơ sở khám chữa bệnh cũng sẵn sàng chuẩn bị nhân lực, cơ số thuốc, phương tiện cấp cứu để kịp thời chẩn đoán, điều trị, cách ly khi có bệnh nhân nghi nhiễm, mắc bệnh. Với nhiều biện pháp dự phòng tích cực và chủ động, 6 tháng đầu năm, đặc biệt là những tháng mùa hè nắng nóng, các trung tâm y tế, cơ sở khám chữa bệnh trong tỉnh đã phát hiện kịp thời, bao vây, khống chế và kiểm soát có hiệu quả các bệnh truyền nhiễm trên người, không để xảy ra dịch bệnh lớn.
Hiện vẫn đang ở thời điểm mùa nắng nóng, nguy cơ các bệnh truyền nhiễm có thể xảy ra và lây lan thành dịch bất cứ lúc nào; ngành y tế tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trong ngành tập trung tăng cường công tác giám sát, phát hiện sớm các dịch bệnh tại cộng đồng. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân về các biện pháp phòng bệnh, trong đó có việc tiêm chủng vắc xin, nhất là cho trẻ em và phụ nữ mang thai. Thực hiện tốt vệ sinh môi trường, thông thoáng nơi ở, nơi làm việc bằng việc phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh, phun thuốc diệt muỗi; nêu cao ý thức trong việc giữ gìn vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, nhất là đối với trẻ em.
Đặc biệt, khi phát hiện dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh, người dân cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời, tránh lây lan ra cộng đồng. Bên cạnh đó, ngoài vai trò nòng cốt của ngành y tế, các địa phương, đặc biệt là người dân và cộng đồng dân cư cũng cần tích cực vào cuộc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh khi mùa nắng nóng đang vào thời gian cao điểm, góp phần bảo vệ sức khỏe, ngăn chặn bệnh dịch lây lan ra diện rộng.
Bài, ảnh: Hạnh Chi