Trang trại chăn nuôi của anh Nguyễn Văn Thảnh, xóm 7, xã Như Hòa, huyện Kim Sơn hiện có 1.000 con lợn thịt, 100 con lợn nái cùng hàng trăm con lợn con. Khi nghe được thông tin về bệnh dịch tả lợn Châu Phi trên các phương tiện truyền thông, gia đình anh Thảnh vô cùng lo lắng. Anh Thảnh chia sẻ: Đầu tư cho đàn lợn vào khoảng 5 tỷ, nếu để dịch bệnh xảy ra thì toàn bộ gia tài của gia đình cũng mất luôn. Chính vì vậy, tôi đã tìm hiểu kỹ về bệnh dịch tả này, cũng như cách phòng bệnh để áp dụng vào trang trại. Định kỳ tôi phun thuốc tiêu độc khử trùng, theo dõi sát tình hình sức khỏe của đàn lợn. Tất cả từ lợn nái đến lợn con đều được tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh.
Đặc biệt, trong thời gian này, tôi hạn chế tối đa người ra, vào khu vực trang trại, nhất là với những thương lái thu mua lợn. Anh Thảnh cho biết thêm: Khu vực chăn nuôi ở xóm 7, Như Hòa có rất nhiều hộ chăn nuôi lớn, chỉ cần một hộ để xảy ra dịch bệnh thì mức độ ảnh hưởng sẽ rất nghiêm trọng.
Do vậy anh em trong vùng bảo nhau cùng thực hiện tốt việc vệ sinh phòng dịch,. Cùng chung tâm trạng với đa phần người chăn nuôi lợn trong thời điểm hiện nay, chị Nguyễn Thị Xuân, chủ một cơ sở chăn nuôi ở xã Yên Phong, huyện Yên Mô cho biết, trại mới phục hồi sau đợt giá lợn giảm sâu, chăn nuôi bắt đầu ổn định, nếu để dịch bệnh xảy ra nữa thì sẽ rất khó khăn.
Do đó, chị thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng ngừa, ngoài việc vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, phun thuốc sát trùng định kỳ, người ra, vào trang trại cũng phải đi qua cổng sát trùng, thay đồ mới được vào khu vực chăn nuôi. Việc tiêm phòng, chữa bệnh cho đàn lợn giờ không sử dụng chung bơm kim tiêm như trước kia nữa.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Sở Nông nghiệp & PTNT, toàn tỉnh hiện có khoảng 370.000 con lợn, ở 80 trang trại và hàng nghìn hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Để chủ động ngăn chặn sự xâm nhập và lây lan của vi rút dịch tả lợn Châu Phi vào địa bàn tỉnh, Chi cục đã tăng cường công tác tuyên truyền về dịch bệnh nguy hiểm này.
Hiện, hàng trăm chủ trang trại lợn, người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đã được cung cấp thông tin về dịch bệnh như: Lịch sử dịch bệnh, diễn biến, sự nguy hiểm của dịch bệnh, các biện pháp phòng, chống... từ đó có giải pháp chủ động phòng, chống.
Đơn vị cũng yêu cầu Trạm Chăn nuôi và Thú y ở các huyện, thành phố kịp thời phổ biến các văn bản pháp luật trong việc phòng, chống dịch bệnh động vật để người dân tự giác thực hiện các quy định của nhà nước về tiêm phòng, khai báo dịch bệnh, tiêu độc khử trùng, chăm sóc nuôi dưỡng động vật.
Song song với đó, Chi cục cũng tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình vận chuyển, giết mổ, kinh doanh gia súc trên địa bàn, nhất là tại khu vực giáp ranh giữa các địa phương; kiểm soát những trường hợp bán chạy gia súc mắc bệnh, gia súc không rõ nguồn gốc, không qua kiểm dịch của cơ quan thú y...
Hơn nữa, thường xuyên kiểm tra và lấy mẫu xét nghiệm để xác định nguyên nhân gây bệnh cũng như sẵn sàng nguồn lực cho kế hoạch ứng phó khi có ổ dịch phát sinh; hướng dẫn người chăn nuôi, đặc biệt là các trang trại những biện pháp phòng ngừa.
Trong đó, thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi là giải pháp phòng bệnh hiệu quả nhất và quan trọng nhất. Nhìn chung, các trang trại đều chủ động thực hiện rất tốt để bảo vệ tài sản của gia đình.
Hà Phương