PV: Đồng chí cho biết tình hình thiên tai năm 2007 và dự báo tình hình khí tượng thủy văn năm 2008?
Đ/c Trần Văn Bách (T.V.B): Mùa mưa bão năm 2007, tỉnh Ninh Bình chịu ảnh hưởng nặng nề của cơn bão số 1, số 4 và số 5. Đặc biệt là đầu tháng 10/2007, do ảnh hưởng của bão số 5, 21 xã vùng phân lũ, chậm lũ của huyện Nho Quan và Gia Viễn đã phải xả tràn gây thiệt hại trên 218 tỷ đồng. Năm 2008, theo dự báo thời tiết diễn biến phức tạp, bão mạnh, mưa lớn cục bộ, lũ cao trên các triền sông và nước biển dâng. Bão và áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng đến Việt Nam nhiều hơn trung bình nhiều năm, trong đó khu vực đồng bằng Bắc bộ chịu ảnh hưởng từ 2 - 3 cơn bão. Lũ trên sông Hoàng Long khả năng cao hơn báo động III, xuất hiện vào tháng 8, tháng 9; trên sông Đáy đỉnh lũ cao hơn báo động II, xuất hiện vào tháng 9…
PV: Vậy hiện trạng đê điều và khả năng phòng chống lụt bão của các công trình trên địa bàn tỉnh NInh Bình hiện nay?
Đ/c T.V.B: Qua nhiều năm, hệ thống đê điều của tỉnh Ninh Bình đã được hình thành với tổng chiều dài các tuyến đê là 461 km, trong đó đê cấp III và hệ thống đê biển do nguồn vốn Trung ương đầu tư với chiều dài 147 km, có 32 kè, 87 cống âu, còn lại là đê sông nội tỉnh với chiều dài gần 314 km.
Để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và trước biến đổi bất thường của thời tiết, những năm qua Trung ương và tỉnh Ninh Bình đã quan tâm đầu tư hàng trăm tỷ đồng để tu bổ, nâng cấp các tuyến đê, kè, cống như: Dự án nâng cấp tuyến đê biển Bình Minh II, Dự án nâng cấp hồ Yên Quang, nâng cấp đê tả Hoàng Long, đê Đầm Cút và một số dự án đang triển khai thi công như Dự án công trình thủy lợi Cầu Hội; dự án nâng cấp hồ Yên Đồng... . Mặc dù các tuyến đê đã được đầu tư nâng cấp nhưng nhiều tuyến đê, nhất là các tuyến đê cấp IV vẫn còn nhỏ, cao trình đỉnh đê thấp, mái dốc, không đủ bề dày chống thấm. Nhiều đoạn dòng chảy ép sát chân đê dễ gây sạt lở; đặc biệt trong thân đê còn nhiều ẩn họa khó lường như hàng cày, tổ mối, mạch đùn, mạch sủi. Các cống dưới đê hầu hết xây dựng từ lâu, phần xây đúc cũng như hệ thống đóng mở đã bị hư hỏng nặng cần phải hoành triệt trước mùa mưa bão... Nếu bão to, lũ lớn như năm 1985, 1996, 2005 và 2007 thì nhiều đoạn không đủ khả năng chống tràn, dễ xảy ra sạt lở mái, gây vỡ đê.
Kiên cố hóa thân, mái đê tại xã Lạng Phong - Nho Quan - Ninh Bình.
Ảnh: T.M
PV: Trước thực trạng trên, tỉnh Ninh Bình đã đề ra mục tiêu và giải pháp gì cho công tác PCLB - TKCN năm 2008?
Đ/c T.V.B: Từ thực trạng trên đặt ra cho công tác PCLB năm 2008 của tỉnh hết sức nặng nề. Vì vậy, để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân, tỉnh chỉ đạo các ngành, các cấp thực hiện tốt phương châm "Chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục có hiệu quả" nhằm giảm thiệt hại đến mức thấp nhất những thiệt hại do thiên tai gây nên. Phấn đấu bảo vệ an toàn cho các tuyến đê trong mùa mưa bão, không để vỡ đê. Chủ động các phương án PCLB không để xảy ra bất ngờ trong mọi tình huống. Thực hiện sáng tạo phương châm 4 tại chỗ, nhất là lực lượng và vật tư tại chỗ. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ và nhân dân hiểu về tầm quan trọng của công tác PCLB. Các cấp, các ngành phải thực sự coi trọng công tác PCLB là nhiệm vụ trọng tâm đột xuất trong mùa lũ, bão. Chủ động phòng tránh là chính, chống tích cực ngay từ giờ đầu, giải quyết hậu quả tập trung, khẩn trương, hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất. Thực hiện nghiêm chế độ trực PCLB, thường xuyên tuần tra canh gác đê, phát hiện, xử lý kịp thời sự cố đê điều.
Để chủ động cho công tác PCLB - TKCN năm 2008, ngay từ đầu năm, tỉnh đã chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công các hạng mục công trình tu bổ đê điều do Trung ương và tỉnh đầu tư, phấn đấu làm kè, cống xong trước ngày 30/4 và đắp đê xong trước ngày 15/5. Đến nay, 5/8 hạng mục công trình do nguồn vốn Trung ương đầu tư đã hoàn thành. Song song với công tác tu bổ đê điều, tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành kiện toàn Ban chỉ huy PCLB - TKCN và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên phụ trách địa bàn và trọng điểm. Tiến hành tổng kiểm tra đánh giá chất lượng hệ thống đê, kè, cống và công trình PCLB trên địa bàn để trên cơ sở đó xây dựng đề án, phương án PCLB - TKCN năm 2008 sát với thực tế của từng ngành và địa phương. Trong đó phân cấp trọng điểm phòng chống lụt bão của tỉnh là đê biển, đê Hữu Đáy, đê Tả Hữu sông Hoàng Long. Còn lại các tuyến đê cấp 4 khác phân cấp theo các huyện, thành phố, thị xã chịu trách nhiệm toàn diện. Đặc biệt chú trọng các phương án cứu hộ, cứu nạn; phương án hậu phương; phương án di dân vùng ven biển Kim Sơn và phương án vận hành tràn Lạc Khoái, Đức Long, Gia Tường. Riêng đối với vùng phân lũ, chậm lũ của Nho Quan và Gia Viễn tiến hành đánh giá thống kê số nhà mái bằng, số hộ phải sơ tán và các phương tiện như thuyền gỗ, thuyền nan, thuyền tôn; kiểm tra, bổ sung vật tư chống tràn và hệ thống chiếu sáng tại các tràn để chủ động cho công tác điều hành khi lũ bão xảy ra. Tổ chức tổng kiểm tra vật tư, phương tiện tại chỗ như bao tải, đá hộc, đất dự trữ, mai, cuốc, xẻng... để có kế hoạch bố trí hợp lý trên địa bàn nhằm phục vụ tốt công tác phòng, chống lụt bão năm 2008. Chú trọng xây dựng và triển khai phương án bảo đảm an toàn tàu thuyền đánh cá và ngư dân ven vùng biển khi có bão. Tăng cường, củng cố lực lượng quản lý đê nhân dân, lực lượng tuần tra canh gác nhằm tuyên truyền sâu rộng Luật Đê điều và chủ động, tích cực phát hiện, ngăn chặn, xử ký kịp thời các vi phạm đê điều và công trình thủy lợi. Tổ chức tập huấn kỹ thuật hộ đê, PCLB cho cán bộ cơ sở, cán bộ kỹ thuật, lực lượng quản lý đê nhân dân và lực lượng xung kích...
PV: Để công tác PCLB năm 2008 đạt hiệu quả cao, các ngành và các huyện, thành phố, thị xã cần triển khai thực hiện tốt những nội dung gì?
Đ/c T.V.B: Căn cứ vào phương châm, yêu cầu và nhiệm vụ cụ thể công tác PCLB - TKCN năm 2008 của tỉnh, các ngành và địa phương sớm triển khai xây dựng kế hoạch, phương án, đề án PCLB cụ thể, chi tiết và sát với tình hình thực tế của đơn vị. Đối với các ngành nông nghiệp & PTNT, Công an, Quân sự, Giao thông vận tải, Y tế, Công thương... khẩn trương triển khai chuẩn bị phương tiện, lực lượng sẵn sàng ứng cứu hộ đê, TKCN và đảm bảo an ninh trật tự; sửa chữa đường dây, thiết bị đảm bảo nguồn điện chống úng, sinh hoạt và đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt trong mùa mưa bão. Chuẩn bị đủ lương thực, hàng hóa cần thiết và cơ số thuốc để phục vụ cấp cứu, phòng, chống dịch bệnh, xử lý môi trường trước, trong và sau khi bão, lũ, lụt xảy ra. Xây dựng kế hoạch chuẩn bị vật tư, giống để đáp ứng yêu cầu sản xuất tái vụ khi ngập úng, mất mùa xảy ra...
Các huyện, thành phố, thị xã triển khai chuẩn bị tốt phương án PCLB chung và phương án bảo vệ các trọng điểm xung yếu, phương án hộ đê toàn tuyến trên địa bàn huyện mình. Trong công tác PCLB, các địa phương cần xác định lực lượng tại chỗ là rất quan trọng, vì vậy mỗi huyện, thành phố, thị xã thành lập lực lượng xung kích cơ động từ 150 - 200 người có sức khỏe và kinh nghiệm cứu hộ đê. Mỗi xã, phường, thị trấn thành lập lực lượng xung kích từ 100 - 120 người. Riêng các xã ven đê thành lập tổ tuần tra canh gác đê từ 8 - 12 người, thường xuyên tuần tra theo từng cấp báo động nhằm phát hiện kịp thời diễn biến đê, kè, cống để có biện pháp xử lý ngay từ giờ đầu. Hiệp đồng với lực lượng quân đội sẵn sàng ứng cứu hộ đê; phát động toàn dân tham gia công tác PCLB.
PV: Xin cảm ơn đồng chí!
Thanh Chiên (Thực hiện)