Lãnh đạo Công ty TNHH MTV KTCTTL tỉnh cho biết: Để thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống úng, ngay từ những tháng đầu năm, Công ty đã tổ chức kiểm tra, đánh giá hiện trạng công trình trước lũ và tiến hành tu bổ, sửa chữa các máy bơm và hàng trăm cống dưới đê, cống nội đồng…, đảm bảo 100% công trình vận hành hết công suất phục vụ chống úng năm 2014. Trong tháng 5, Công ty đã chạy thử tất cả các trạm bơm tiêu úng để kịp thời phát hiện những hư hỏng phát sinh, có kế hoạch sửa chữa đảm bảo phục vụ có hiệu quả công tác chống úng. Chi nhánh KTCTTL các huyện thường xuyên kiểm tra đôn đốc và phối hợp cùng địa phương tổ chức khơi thông dòng chảy trên các trục tiêu, đảm bảo cho việc tiêu thoát nước nhanh khi mưa úng xảy ra. Các xã, HTX cũng đã tiến hành kiểm tra, nạo vét kênh mương, tôn cao, khép kín các bờ vùng, sửa chữa máy bơm dầu, bơm điện để sẵn sàng chống úng bảo vệ lúa, hoa màu. Công ty đã thành lập Ban chỉ huy phòng, chống lụt bão và xây dựng phương án phòng, chống úng chi tiết, cụ thể cho từng vùng; phương án đảm bảo an toàn hồ chứa, phương án bảo vệ các cống và phương án vận hành cống Mai Phương, Địch Lộng. Với mục tiêu phấn đấu đảm bảo tưới tiêu cho lúa, hoa màu vụ mùa với lượng mưa trong 3 ngày liên tục ở giai đoạn đầu vụ là 150mm, giai đoạn giữa vụ là 250 mm, đảm bảo ăn chắc 100% diện tích; giai đoạn giữa đến cuối vụ lượng mưa từ 250- 300 mm trong 3 ngày liên tục, đảm bảo ăn chắc 85% diện tích; lượng mưa trên 300 mm trong 3 ngày liên tục phấn đấu hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do mưa lũ gây ra đối với diện tích lúa, hoa màu.
Căn cứ vào hiện trạng công trình thủy lợi và địa hình, thủy thế cũng như quy hoạch thủy lợi và qua kinh nghiệm chỉ đạo công tác phòng, chống mưa úng nhiều năm qua, Công ty đã chia thành 3 vùng tiêu úng chính, mỗi vùng là một biện pháp công trình tiêu chủ lực khác nhau. Vùng tiêu chủ yếu bằng động lực gồm huyện Nho Quan, Gia Viễn, Hoa Lư, Yên Mô, thị xã Tam Điệp, tùy theo diễn biến cụ thể của tiêu úng và giai đoạn sinh trưởng của cây lúa để có biện pháp chỉ đạo vận hành tiêu úng hiệu quả nhất và đảm bảo tiết kiệm điện năng.
Trong trường hợp mưa vượt quá tần suất thiết kế, các Chi nhánh tổ chức vận hành tối đa công suất của các trạm bơm tiêu úng, đồng thời huy động mọi phương tiện của địa phương như bơm dầu, gầu, guồng để bơm tiêu cục bộ cho từng vùng, phấn đấu giảm mức thiệt hại đến thấp nhất. Riêng đối với vùng phân lũ thuộc 2 huyện Nho Quan, Gia Viễn, Công ty chỉ đạo Chi nhánh KTCTTL xây dựng phương án đảm bảo an toàn cho người và máy móc khi phải phân lũ qua hệ thống tràn Lạc Khoái. Theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết và lũ trên các sông để khi có thông báo xả lũ của Ban chỉ huy PCLB & TKCN tỉnh, các Chi nhánh tập trung lực lượng kê kích, tháo dỡ động cơ, thiết bị điện đưa lên khu vực an toàn. Sau khi lũ rút, tận dụng triệt để thời gian để mở các cống trên tuyến đê vùng Bắc sông Rịa, sông Bến Đang, tuyến đê Hữu Hoàng Long để thoát nước trong vùng, chống ô nhiễm môi trường.
Khi bờ vùng, đường đi lộ ra, các Chi nhánh khẩn trương lắp đặt động cơ để vận hành tiêu úng kịp thời. Chi nhánh KTCTTL huyện Gia Viễn xây dựng phương án cụ thể nhằm đảm bảo an toàn cho người, máy móc nhà trạm vùng ngoài đê, vùng phân lũ, chậm lũ; đồng thời chuẩn bị nhân lực cơ động để sẵn sàng vận hành tràn Lạc Khoái, cống Mai Phương, Địch Lộng khi có lệnh của tỉnh mở cống để cắt giảm lũ cho sông Hoàng Long. Vùng tiêu kết hợp động lực và thủy triều, gồm diện tích phía Bắc của huyện Yên Khánh và một phần diện tích của Yên Mô, Hoa Lư, trong trường hợp mưa 3 ngày liên tục với lượng mưa đầu vụ dưới 70 mm, giữa, cuối vụ mưa dưới 200 mm thì biện pháp tiêu chủ yếu là tận dụng triệt để thời gian thủy triều xuống thấp để tiêu úng và kết hợp tốt biện pháp chôn, rải nước trong vùng tiêu. Khi ngoài sông có lũ không thể tiêu được bằng tự chảy, tiến hành khoanh vùng bơm tiêu cục bộ.
Trường hợp mưa trong 3 ngày liên tục, đầu vụ trên 70 mm, giữa, cuối vụ trên 200 mm thì tập trung huy động các máy bơm tiêu cho các vùng trọng điểm úng không có khả năng tiêu tự chảy; các vùng khác có khả năng tiêu tự chảy được lợi dụng thời gian thủy triều xuống thấp mở toàn bộ các cống dưới đê để tiêu. Nếu thời tiết diễn biến phức tạp, khả năng tiêu tự chảy qua các cống chậm thì phải tiến hành đồng thời cả 2 biện pháp tiêu. Vùng tiêu chủ yếu bằng tự chảy gồm huyện Kim Sơn, phía nam huyện Yên Khánh và một phần diện tích nhỏ của huyện Yên Mô, trong mùa mưa bão cần thực hiện tốt quy trình tưới tiêu, phương châm chỉ đạo lấy nước nhanh, thoát nhanh, khống chế mực nước trong hệ thống một cách hợp lý cho từng vùng; thực hiện tốt biện pháp chôn, rải tháo nước trong quá trình tiêu úng.
Trong trường hợp mưa vượt tần suất thiết kế, huy động mọi phương tiện và biện pháp công trình tập trung tiêu ăn chắc cho từng vùng, phấn đấu giảm thiệt hại đến mức thấp nhất do bão lũ gây ra. Đối với các cống dưới đê biển, khi vận hành cần phải thực hiện nghiêm quy trình vận hành, các cống luôn bám sát mép nước để đề phòng nước biển dâng nhanh không kịp hạ cánh cống xuống. Trong quá trình chỉ đạo tiêu úng, các Chi nhánh cần thực hiện nghiêm quy trình vận hành các công trình liên huyện đã được phê duyệt như: Cống Hà Thanh, cống Dưỡng Điềm, km19, Dĩ Ninh, Mai Phương, Địch Lộng, tràn Lạc Khoái, Âu Lê… Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng và quy trình vận hành các cống, trạm bơm tiêu để có biện pháp chỉ đạo tưới tiêu nước đạt hiệu quả cao, góp phần bảo vệ lúa, hoa màu trên địa bàn toàn tỉnh.
Trần Thanh