PV: Đồng chí cho biết những nét chính về tình hình thiên tai năm 2017 trên địa bàn và công tác phòng, chống, khắc phục? Đ/c Lâm Tuấn: Mùa mưa bão năm 2017, Ninh Bình chịu ảnh hưởng 2 đợt thiên tai lớn đó là bão số 10 đổ bộ vào đất liền cấp 8, giật cấp 11 vào lúc triều cường với lượng mưa bình quân 100mm - 200 mm và đợt lũ lớn trên sông Hoàng Long (từ ngày 9/10 đến ngày 13/10).
Do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới nên từ ngày 9/10 đến ngày 13/10/2017 khu vực tỉnh Ninh Bình có mưa vừa, mưa to đến rất to và dông. Lượng mưa lớn đã làm xuất hiện lũ trên sông Hoàng Long, sông Đáy, vào hồi 06 giờ ngày 12/10 mực nước lũ trên sông Hoàng Long tại trạm Thủy văn Bến Đế đạt đỉnh 5,53m (vượt báo động III là 1,53m và vượt lũ lịch sử năm 1985 là 29cm). Đến hồi 16h giờ ngày 12/10/2017 mực nước lũ trên sông Đáy tại Ninh Bình đạt đỉnh 3,94m (vượt báo động III là 0,44m). Năm 2017 trên địa bàn tỉnh ta cũng đã xảy ra 2 đợt rét đậm, rét hại và 4 đợt nắng nóng diện rộng.
Trước diễn biến của mưa lũ, Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh cùng toàn bộ các thành viên Ban chỉ huy PCTT huyện Gia Viễn, huyện Nho Quan, lực lượng Công an, Quân đội... đã thường xuyên bám sát, theo dõi lũ và phấn đấu mức xả lũ lên (+5,5) - (+5,6)m vượt tần suất thiết kế, đồng thời chỉ đạo đắp cao những điểm nước tràn qua đê, xử lý các cống qua đê.
Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và TKCN tỉnh đã có các công điện chỉ đạo Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các huyện, thành phố và các ngành triển khai ứng phó, chủ động sơ tán dân khu vực trũng thấp bị ngập lụt, khu vực nguy hiểm có nguy cơ cao về sạt lở đất, lũ quét; đảm bảo an toàn cho công trình đê điều, hồ chứa; đảm bảo về giao thông; tiêu úng bảo vệ cho diện tích lúa và hoa màu; chỉ đạo tuần tra, canh gác 24/24h đối với toàn bộ hệ thống đê tả, hữu sông Hoàng Long, đê Đầm Cút, đê Đức Long - Gia Tường, đê Hữu Đáy... nhằm phát hiện kịp thời và tổ chức xử lý các sự cố đê điều đảm bảo an toàn cho các tuyến đê điều, hồ đập.
Với quyết định khoa học, sáng suốt của lãnh đạo tỉnh phấn đấu nâng mức xả tràn nhằm giảm thiểu thiệt hại và ổn định đời sống cho nhân dân vùng hữu sông Hoàng Long, đảm bảo an toàn cho cả người và tài sản cho khoảng 20 vạn dân của 18 xã thuộc các huyện Nho Quan, Gia Viễn, Yên Mô, Hoa Lư, Tam Điệp; hệ thống ngăn lũ đảm bảo an toàn.
Một số công trình gặp sự cố do ảnh hưởng của bão số 10, lũ sông Hoàng Long và lũ sông Đáy đã được sự quan tâm, hỗ trợ từ Trung ương, địa phương. Đến nay các công trình đang được các chủ đầu tư, địa phương tổ chức, triển khai tu bổ, sửa chữa. Tuy nhiên, các chủ đầu tư, địa phương và BQL dự án các công trình cần phải có giải pháp, phương án đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình này, đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão năm 2018.
PV: Mùa mưa bão năm 2018 đang đến gần, đồng chí có nhận định gì về tình hình thiên tai trên địa bàn tỉnh ta?
Đ/c Lâm Tuấn: Năm 2018, dự báo số lượng bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực biển Đông và ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta có khả năng tương đương so với trung bình nhiều năm, cụ thể sẽ có khoảng 12 đến 13 cơn hoạt động trên biển Đông và khoảng 5 đến 6 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền.
Số lượng bão và áp thấp nhiệt đới có khả năng ảnh hưởng trực tiếp tới đất liền tỉnh Ninh Bình ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm (khoảng từ 2 đến 3 cơn). Nhiệt độ trung bình trong các tháng tiếp theo của năm 2018 trên toàn quốc phổ biến ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm.
Nắng nóng diện rộng ở Bắc Bộ và có xu hướng xuất hiện muộn hơn trung bình và mức độ không gay gắt như trong năm 2017. Tổng lượng mưa các tháng 4 và tháng 6-7/2018 có khả năng phổ biến cao hơn trung bình nhiều năm từ 15 đến 25%. Các đợt mưa lớn tập trung trong các tháng 6-8/2018. Trên sông Hoàng Long khả năng xuất hiện 2 đến 3 đợt lũ: Đỉnh lũ cao nhất năm ở mức xấp xỉ báo động III (mực nước tại Bến Đế xấp xỉ +4,00). Trên sông Đáy khả năng xuất hiện 1 đến 2 đợt lũ: Đỉnh lũ cao nhất năm ở mức xấp xỉ báo động III (mực nước tại Ninh Bình xấp xỉ +3,50).
Do tác động của biến đổi khí hậu, thời tiết thủy văn mùa mưa, bão, lũ năm 2018 khả năng sẽ có những diễn biến phức tạp, khó lường. Cần đề phòng các hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra như: dông sét; bão mạnh; mưa lớn trong thời gian ngắn gây ngập úng ở đô thị và vùng trũng; lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi; lũ lớn trên các sông.
PV: Tỉnh ta đã có chủ trương và giải pháp gì trong việc phòng, chống thiên tai nói chung và bão lũ nói riêng?
Đ/c Lâm Tuấn: Chủ trương chung của công tác PCTT&TKCN là tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện Chiến lược Quốc gia về Phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020; đồng thời, chủ động thực hiện lồng ghép việc giảm nhẹ thiên tai theo quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo bền vững.
Tăng cường vốn đầu tư công trình phòng, chống thiên tai (tu bổ, nâng cấp, sửa chữa đảm bảo an toàn đê điều, hồ chứa; chỉnh trị các đoạn sông bị co hẹp, nạo vét, khơi thông lòng dẫn, tăng khả năng tiêu thoát lũ, ngăn mặn, giữ ngọt, các công trình chống hạn...) kết hợp phục vụ dân sinh, phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội góp phần xây dựng nông thôn mới.
Nhiệm vụ và giải pháp tỉnh ta tập trung triển khai thực hiện: Rà soát, bổ sung, kiện toàn Ban chỉ huy PCTT và TKCN các cấp, các ngành; Tổ chức kiểm tra, rà soát, đánh giá chất lượng đê điều, hồ đập, công trình PCTT, xác định cụ thể trọng điểm PCTT để xây dựng, hoàn thiện phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của các cấp, các ngành theo phương châm 4 tại chỗ đảm bảo chi tiết, cụ thể, sát với thực tế, phù hợp với đặc điểm, điều kiện của từng địa bàn.
Rà soát, bổ sung các phương tiện cứu hộ, cứu nạn tại các địa phương để chủ động cứu hộ, cứu nạn tại chỗ kịp thời khi có tình huống thiên tai xảy ra. Từng bước hình thành lực lượng cứu hộ, cứu nạn, cứu trợ chuyên nghiệp với sự tham gia của các lực lượng tình nguyện, thanh niên xung kích trong công tác phòng tránh, đối phó với thiên tai.
Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức phòng, chống thiên tai trên các phương tiện thông tin đại chúng và đài truyền thanh 3 cấp cho nhân dân. Triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng. Từng bước nâng cao khả năng chuẩn bị, ứng phó, phục hồi của cộng đồng trước, trong và sau thiên tai.
Tổ chức tốt công tác tập huấn, diễn tập phòng, chống thiên tai, hộ đê, hồ đập; nâng cao năng lực công tác tìm kiếm, cứu nạn, sẵn sàng phối hợp với các lực lượng, tổ chức hỗ trợ tham gia TKCN. Bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt phục vụ phòng, chống lụt, bão, động đất, sóng thần.
Từng bước nâng cao năng lực công tác dự báo, cảnh báo thiên tai tại địa phương; phấn đấu nâng cao độ chính xác của dự báo bão, áp thấp, mưa, lũ, động đất, sóng thần, nắng nóng, rét đậm, rét hại, xâm nhập mặn, dông lốc... để giảm thiểu thiệt hại tới mức thấp nhất trên địa bàn toàn tỉnh.
Hoàn thành công tác tu bổ, đê, kè, cống theo quy định: Kè, cống xong trước 30/4/2018; đê điều và công trình phụ trợ PCTT xong trước 30/5/2018. Tập trung thực hiện công tác rà soát quy hoạch và tổ chức thực hiện việc bố trí sắp xếp lại dân cư vùng thiên tai.
Thực hiện tốt các chính sách xã hội, công tác cứu trợ thiên tai và khắc phục hậu quả bão, lụt, ổn định đời sống cho nhân dân, tái thiết và khôi phục sản xuất, môi trường sinh thái sau thiên tai.
P.V: Xin cảm ơn đồng chí!
Đinh Chúc (thực hiện)