Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Tạ Kim Tân, Chi cục phó Chi cục Thủy lợi cho biết: Để chủ động đối phó với những diễn biến phức tạp của thời tiết, trước mỗi mùa mưa bão, Ninh Bình đã chỉ đạo cho các đơn vị chủ động kiểm tra, rà soát đánh giá hiện trạng các công trình thủy lợi, trên cơ sở đó kịp thời huy động nhân lực, kinh phí tu bổ, sửa chữa... Qua kiểm tra hiện trạng công trình trạm bơm, cống, âu, hồ chứa, trục kênh chính cho thấy: Hiện nay tỉnh ta có 100 trạm bơm tiêu, tưới kết hợp với 515 máy bơm do Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi tỉnh quản lý, có tổng số công suất bơm tiêu đồng thời 1.281.000 m3/h; 192 trạm bơm với 412 máy bơm từ 320 đến 4.000 m3/h do các HTX nông nghiệp quản lý; ngoài ra còn các máy bơm tiêu dã chiến. Qua kiểm tra có 97 máy bơm bị hư hỏng bao gồm hư hỏng xắt xi, bi động cơ điện, bạc, cánh quạt, bi bơm, cầu dao điện, Attomat, cáp điện, ống hút, xả, giỏ rác; 57 nhà trạm bị nứt tường, nền nhà lún, vì kèo...; 47 bể hút; 35 bể xả; 26 cống xả tiêu; 49 nhà quản lý bị hư hỏng. Toàn tỉnh có 313 cống tiêu dưới đê và 5 âu thuyền phục vụ công tác phòng, chống lụt bão, trong đó Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi tỉnh quản lý 129 cống, 5 âu dưới các tuyến đê hữu Đáy, sông Hoàng Long, sông Vạc, đê sông Càn, đê biển; các xã, HTX nông nghiệp quản lý 184 cống dưới đê sông nội đồng. Do thời gian xây dựng đã lâu nên nhiều cống đã xuống cấp và hư hỏng cần phải sửa chữa để đảm bảo công tác phòng, chống lũ.
Toàn tỉnh có 44 hồ chứa nước, trong đó Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi tỉnh quản lý 5 hồ chứa thuộc huyện Nho Quan (Thác La, Yên Quang, Thường Xung, Đá Lải, Đập Trời), còn lại các hồ khác do các địa phương và các đơn vị khác quản lý. Qua kiểm tra có một số hồ hư hỏng từng phần như: đập tràn bị rò, mái đập bị ngấm thẩm lậu, có chỗ sạt lở mái đập... Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi đang quản lý 171 kênh với tổng chiều dài 431,9 km. Hầu hết các kênh đất đã bị bồi lắng đáy kênh, bờ kênh vỡ, sạt mái, bể hút kênh dẫn trạm bơm bị bồi lắng; kênh xây lòng kênh bị lốc đáy, nhiều đoạn bị bồi lắng, tường kênh nhiều đoạn bị nứt, vỡ, mái kênh bị lún nứt… Các trục kênh chính bị bồi lắng đã gây ách tắc dòng chảy, giảm hiệu quả dẫn nước của các công trình đầu mối. Vì thế số kênh mương cần nạo vét, tu sửa và khơi thông dòng chảy phục vụ chống úng vụ mùa năm 2011 là 168,48km, khối lượng cần nạo vét 851.235 m3. Đối với những công trình chống úng bị hư hỏng, tỉnh chỉ đạo các đơn vị tổ chức sửa chữa, đặc biệt là các trạm bơm chống úng phải xong trước 25/5, đồng thời có kế hoạch tiến hành đồng khởi chạy thử máy bơm để tập trung phát hiện sự cố xử lý kịp thời. Đến nay, Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi và các HTX nông nghiệp đã tập trung sửa chữa các máy móc, thiết bị, các trạm bơm, các cống tiêu, hồ chứa nước... đảm bảo an toàn, đáp ứng yêu cầu, hoạt động tốt.
Với mục tiêu phòng, chống úng cho 39.000 ha lúa và rau màu được gieo cấy ở 8 huyện, thành, thị; đồng thời phải đảm bảo môi trường sinh thái vùng nông thôn, đô thị, đặc biệt là vùng trũng, vùng phân lũ, chậm lũ. Tỉnh đã chỉ đạo lập kế hoạch và phương án phòng, chống úng cụ thể cho từng vùng. Căn cứ vào địa hình, thủy thế và sự phân bố lũ trên các sông có thể phân làm 3 vùng tiêu chính (vùng tiêu chủ yếu bằng động lực, vùng tiêu chủ yếu bằng thủy triều, vùng tiêu kết hợp động lực và thủy triều) và ứng với mỗi vùng có một biện pháp công trình tiêu chủ lực khác nhau. Đối với vùng tiêu chủ yếu bằng động lực khi xảy ra úng yêu cầu vận hành các trạm bơm, máy bơm đúng theo quy định, quy phạm. Tùy theo diễn biến cụ thể của mưa úng và giai đoạn sinh trưởng của cây lúa mà vận hành cơ số máy cho phù hợp để tiêu úng một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất, đảm bảo tiết kiệm điện năng. Với vùng tiêu kết hợp bằng động lực và thủy triều thì tận dụng triệt để thời gian thủy triều xuống mở các cống theo quy trình vận hành để tiêu úng và kết hợp tốt biện pháp chôn, rải nước trong vùng tiêu; trường hợp mực nước sông lớn không tiêu được bằng tự chảy, tiến hành khoanh vùng để bơm tiêu cục bộ. Đối với vùng tiêu chủ yếu bằng tự chảy thực hiện tốt biện pháp "chôn, rải, tháo" nước trong quá trình tiêu úng.
Bên cạnh công tác chuẩn bị và xây dựng các phương án, tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng trên các phương tiện thông tin đại chúng về việc chấp hành Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi, tháo gỡ đăng, đó, vó, để tạo thông thoáng cho dòng chảy...
Hương Giang