Dự kiến diện tích bị thiếu nước trong vụ Đông xuân 2014-2015 khoảng 11.000 ha; trong đó diện tích của Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi (KTCTTL) tỉnh phục vụ là 7.868 ha, các HTX nông nghiệp tự phục vụ là 3.132 ha. Trước tình hình trên, tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống hạn hán và xâm nhập mặn, đảm bảo cấp nước cho sản xuất vụ Đông xuân 2014 - 2015, góp phần bảo vệ sản xuất nông nghiệp, ổn định đời sống nhân dân.
Đồng chí Vũ Tiến Lộc, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV KTCTTL tỉnh cho biết: Vụ đông xuân 2014-2015, Công ty đảm nhiệm tưới tiêu cho trên 37.633 ha lúa, hơn 3.764 ha mạ, màu, cây công nghiệp và cấp nước cho gần 1.500 ha nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh. Để đảm bảo đủ nước phục vụ sản xuất vụ đông xuân theo kế hoạch đề ra, Công ty đã tiến hành kiểm tra, đánh giá công trình sau mùa mưa lũ, trên cơ sở đó lập kế hoạch sửa chữa kịp thời những công trình hư hỏng. Từ đầu tháng 10, cùng với việc đảm bảo nước phục vụ sản xuất cây vụ đông, Công ty đã đầu tư trên 10 tỷ đồng để triển khai sửa chữa, đại tu 46 hạng mục công trình; đồng thời huy động công nhân khẩn trương nạo vét 53 tuyến kênh mương, tổ chức dọn cỏ rác 182 tuyến kênh; đại tu, sửa chữa, thay bi, bạc, ống bơm, các thiết bị điện cho 30 máy bơm thuộc 17 trạm bơm tưới và kiểm tra, sửa chữa hàng trăm cống dưới đê, cống nội đồng... đảm bảo 100% số công trình vận hành hết công suất, phục vụ cho công tác tưới, tiêu vụ đông xuân.
Đồng thời bố trí nhân lực để vận hành máy bơm, trực đóng mở cửa cống và đo thử mặn tại 25 điểm thuộc các tuyến sông, trong đó huyện Kim Sơn 15 điểm, Yên Khánh 6 điểm, Yên Mô 4 điểm. Các Chi nhánh KTCTTL huyện phối hợp với các HTX tiến hành kiểm tra khơi thông dòng chảy, giải tỏa đăng đó, vó, bèo trên các tuyến sông, trục tiêu, đảm bảo cho việc lấy nước tưới và tiêu thuận lợi. Các huyện cũng đã phát động nhân dân ra quân làm thủy lợi nội đồng, tập trung nạo vét kênh mương dẫn nước tưới tiêu, cửa cống lấy nước, bể hút trạm bơm; tôn cao khép kín bờ vùng, bờ thửa; xây đúc công trình đầu mối, cống đầu kênh và kiên cố hóa kênh…, góp phần chủ động nguồn nước.
Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và PTNT, UBND tỉnh, Công ty đã sớm xây dựng phương án phòng, chống hạn hán và xâm nhập mặn, bảo đảm cấp đủ nước cho sản xuất vụ đông xuân 2014-2015. Trên cơ sở các công trình đầu mối hiện có, Công ty chỉ đạo các Chi nhánh KTCTTL phối hợp chặt chẽ với các địa phương, các HTX nông nghiệp xây dựng kế hoạch và biện pháp tưới tiêu cụ thể đối với từng vùng, từng giai đoạn đưa nước phục vụ sản xuất vụ đông xuân. Đối với vùng thủy triều, tận dụng tối đa thời gian mở cống lấy nước trong thời gian triều cường, độ mặn cho phép. Thực hiện tốt quy trình đo mặn; quy trình vận hành các công trình liên hệ thống. Trong trường hợp độ mặn lên cao, xâm nhập sâu vượt quá độ mặn cho phép, Chi nhánh KTCTTL huyện Yên Khánh, Yên Mô sẽ tăng số lần đo mặn và đo đuổi lên các cống phía trên để kiểm tra. Nếu tình hình mặn tiếp tục dâng cao thì triển khai ngay phương án chuyển đổi biện pháp tưới hoặc dùng mọi phương tiện của các địa phương như bơm điện, bơm dầu, gầu, guồng... để bơm tát chống hạn. Đối với vùng trọng điểm hạn, bao gồm trên 3.000 ha thuộc khu vực Hữu Vạc huyện Kim Sơn, nhất là một số diện tích của huyện Yên Khánh thuộc vùng ảnh hưởng của dự án thi công đường Bái Đính đi Kim Sơn, ngay từ đầu vụ Sở Nông nghiệp và PTNT đã chủ trì và chỉ đạo Công ty, các địa phương chủ động xây dựng phương án tưới thay thế, theo đó đã đầu tư trên 7 tỷ đồng để nạo vét kênh mương, mua dầu phục vụ bơm tưới…
Đối với vùng bơm điện, các trạm bơm tranh thủ lúc triều cường, kênh trục đang chứa đầy nước để vận hành bơm nước. Tận dụng bơm những thời gian thấp điểm ban đêm để công suất bơm ổn định, hiệu suất bơm cao. Đối với vùng hồ, toàn tỉnh hiện có trên 45 hồ chứa nước lớn nhỏ với tổng dung tích trên 41 triệu m3 có nhiệm vụ tưới cho trên 7.515 ha đất canh tác. Hiện tại, các hồ do Công ty quản lý đều trữ nước xấp xỉ và thấp hơn dung tích thiết kế. Vì vậy, khi vận hành hồ phải tuyệt đối tuân thủ kế hoạch đưa nước, quy trình vận hành, triệt để tiết kiệm nước, không để rò rỉ, thất thoát nguồn nước các hồ và vận hành điều tiết sát với yêu cầu dùng nước của diện tích lúa để đảm bảo đưa nước tưới suốt vụ. Trường hợp hồ thiếu nước vào thời gian cuối vụ do không có mưa bổ sung, hồ cạn nước, nhất là hồ Thường Xung, đập dâng Thác La, thực hiện khơi thông lạch dẫn nước và lắp đặt máy bơm dầu dã chiến để bơm nước...
Cùng với việc triển khai thực hiện các biện pháp tưới, Công ty đã chủ động phối với các ngành, địa phương tập trung thực hiện tốt các biện pháp quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn nước hiện có, chống rò rỉ, thất thoát nước từ các hồ chứa, các công trình thủy lợi; đồng thời tiến hành nạo vét hệ thống kênh mương, cửa vào các cống lấy nước, trạm bơm, ao, giếng, khơi thông dòng chảy, đắp đập tạm ngăn mặn, lắp đặt các trạm bơm dã chiến lấy nước để chủ động vận hành, đảm bảo đủ điều kiện dẫn nước thông thoáng từ đầu mối tới mặt ruộng, tận dụng mọi nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Công ty đã tập trung huy động mọi nguồn lực, phương tiện để đảm bảo cung cấp, đáp ứng đủ nguồn nước phục vụ sản xuất cho các địa phương; đồng thời, phối hợp chặt chẽ với UBND các huyện, thành phố, thị xã thực hiện các biện pháp vận hành hợp lý, tiết kiệm nguồn nước cho từng hệ thống công trình thủy lợi (nhất là các hồ chứa) để đảm bảo cấp đủ nước suốt vụ; chú trọng cấp nước sinh hoạt, chăn nuôi, công nghiệp và dịch vụ. Đồng thời tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các giải pháp phòng, chống hạn, sử dụng nước tiết kiệm, có hiệu quả.
Thanh Chiên