Chúng tôi về xã Gia Tường, huyện Nho Quan vào đúng những ngày lạnh nhất kể từ đầu mùa đông, nhiệt độ xuống 16oC, mưa phùn, độ ẩm cao trên 95%. Dễ dàng nhận thấy, những đàn trâu bò ở đây đã được người dân quan tâm bảo vệ như thế nào qua việc bà con làm áo bằng bao tải cho bê nghé trước khi thả ra đồng. Nguồn thức ăn được chuẩn bị chu đáo bởi bất cứ ở đâu ruộng, vườn, đồi, trước cửa, sau nhà cũng thấy bà con trồng cỏ voi, ngô gieo dày để cho dê, trâu, bò ăn. Anh Đinh Quốc Lượng, Trưởng thú y xã Gia Tường cho biết: Là một xã thuần nông, kinh tế chủ yếu dựa vào chăn nuôi, trồng trọt, hầu hết các hộ dân ở đây đều nuôi ít thì 1-2 con, hộ nuôi nhiều lên tới hàng chục con gia súc. Cả xã hiện nay có trên 650 con trâu bò, 1.800 con lợn và trên 42 nghìn con gia cầm…
Điều đáng mừng là hiện nay đa phần bà con đã biết "lo", phụ phẩm nông nghiệp được tận dụng triệt để, rơm rạ vụ mùa, cây, lá rau đậu vụ đông, rồi còn trồng cỏ, trồng ngô dày làm thức ăn cho vật nuôi phòng ngày mưa phùn, gió bấc. Tuy nhiên, năm nay, Gia Tường có khó khăn hơn mọi năm là đợt lũ lịch sử tháng 10 vừa qua đã làm cho nhiều diện tích cỏ tự nhiên cũng như cỏ voi - nguồn thức ăn chủ yếu cho gia súc bị chết. Ngoài ra, nhiều chuồng trại chăn nuôi cũng đã hư hại. Để khắc phục, bảo vệ đàn vật nuôi trước mùa mưa rét, chính quyền xã và lực lượng chuyên môn đã vào cuộc vận động người dân củng cố lại chuồng trại, che chắn tường, phên liếp và mái che nhằm đảm bảo kín gió, đủ ấm cho trâu, bò vào những ngày giá rét. Hướng dẫn bà con cách ủ chua thức ăn để dự trữ, cách chăm sóc bổ sung dinh dưỡng cho đàn vật nuôi… Thực hiện nghiêm túc công tác vệ sinh khử trùng tiêu độc chuồng trại cũng như đảm bảo tỷ lệ tiêm phòng các loại vắc xin. Do vậy kể từ đầu vụ đến nay, tình hình phát triển đàn gia súc, gia cầm ổn định, trên địa bàn không để xảy ra tình trạng trâu, bò bị chết đói, chết rét hay thiệt hại do bệnh dịch nguy hiểm.
Tuy nhiên, bên cạnh các hộ chăn nuôi có ý thức thì vẫn còn đâu đó một số hộ dân chủ quan trong việc phòng chống đói, rét cho trâu bò; không trồng cỏ, dự trữ thức ăn thô, xanh cho vật nuôi, chuồng trại tạm bợ, không đảm bảo điều kiện chống rét, có hộ vẫn giữ tập quán chăn thả tự nhiên, buộc trâu, bò trên đồi, trong rừng nên khó kiểm soát.
Ninh Bình hiện có đàn đại gia súc với hơn 56.600 con, trong đó có 41.500 con bò. Năm nay, sau nhiều năm không xuất hiện rét đậm, rét hại kéo dài đã xuất hiện tâm lý chủ quan, lơ là việc chống rét cho gia súc trong nhân dân. Sở Nông nghiệp &PTNT đã chỉ đạo, phân công các phòng, chi cục trực thuộc xuống cơ sở cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo, phòng, chống đói, rét cho vật nuôi, đặc biệt là đàn trâu, bò, dê ở một số địa phương vùng núi, vùng chịu ảnh hưởng của mưa lũ thời gian vừa qua.
Khi nhiệt độ ngoài trời xuống dưới 12oC, tuyệt đối không sử dụng gia súc làm việc hoặc cày, kéo; không chăn thả trâu bò, dê ngoài đồng, bãi; nhốt vật nuôi tại chuồng và sử dụng các loại vật liệu: củi, trấu, mùn cưa…để đốt sưởi ấm cho vật nuôi; bổ sung thức ăn tinh, khoáng, vitamin và cho uống nước ấm pha muối loãng để tăng cường sức đề kháng, đảm bảo cung cấp 5 -7 kg cỏ, rơm khô/con trâu, bò/ngày; kiên quyết không nhập gia súc non về nuôi trong thời gian này. Yêu cầu UBND các xã rà soát, lập danh sách tổng số hộ chăn nuôi trâu, bò, số hộ chăn nuôi có chuồng kiên cố, số không có hoặc chuồng tạm bợ không đủ khả năng giữ ấm, tình hình dự trữ thức ăn cho trâu bò... Đối với các hộ chăn nuôi có từ hai con trâu, bò trở lên phải dự trữ thức ăn thô xanh và thức ăn tinh cho gia súc trong mùa đông. Ngoài ra, các địa phương cũng cần tập trung làm tốt công tác tiêm phòng, vệ sinh thú y, tiêu độc khử trùng định kỳ.
Về phía ngành nông nghiệp cũng đã xây dựng và nhân rộng các mô hình trồng cỏ có năng suất, chất lượng cao phù hợp điều kiện tự nhiên, khí hậu, thổ nhưỡng, canh tác của nhân dân như VA06, cao lương, cỏ voi tím… để chủ động nguồn thức ăn cho đàn vật nuôi.
Hà Phương