Gần một tuần nay, cuộc sống gia đình chị Đinh Thị Thúy Hà, phường Tân Thành (thành phố Ninh Bình) đảo lộn hoàn toàn do cả 2 con cách nhau vài tuổi đều bị lên thủy đậu. Bệnh không nặng nhưng đòi hỏi phải kiêng khem và quan tâm chăm sóc, đảm bảo vệ sinh để không lây lan ra các thành viên khác trong gia đình. Các con đang tuổi ăn, chơi, khi mắc bệnh phải nghỉ học ở nhà, nghịch ngợm khiến anh chị mệt nhoài. Cùng với việc tích cực điều trị theo hướng dẫn của bác sỹ, chị Hà còn phải chú ý đến chế độ ăn cho các con để đảm bảo chất dinh dưỡng, tăng sức đề kháng và không để lại di chứng do bệnh. Theo thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, từ đầu năm đến nay bệnh dịch lây theo đường tiêu hóa, hô hấp có xu hướng gia tăng so với cùng kỳ năm 2015. Tiêu biểu như bệnh viêm gan vi rút có gần 20 ca, bệnh quai bị gần 200 ca; đồng thời các dịch bệnh về tiêu chảy, cúm mắc khá nhiều, với trên 4 nghìn ca cúm và gần 2 nghìn ca tiêu chảy… Mặc dù nhiều bệnh truyền nhiễm không xuất hiện ca mắc mới, một số bệnh có số ca mắc giảm so với cùng kỳ năm 2015; nhưng lại có một số bệnh tăng cao so với cùng kỳ, như bệnh quai bị và viêm gan do vi rút, tăng từ 3-7 lần với cùng kỳ năm 2015…
Được biết, bên cạnh sự thay đổi về thời tiết, nguyên nhân dẫn đến các bệnh truyền nhiễm có chiều hướng gia tăng còn do môi trường sống bị ô nhiễm; điều kiện vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân chưa bảo đảm, thiếu khoa học; nhất là ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, một số người dân có thói quen ăn tái, sống nhiều món ăn như tiết canh, gỏi cá; ăn thức ăn ô nhiễm trong quá trình bảo quản không an toàn…, do đó dễ dẫn đến mắc một số bệnh về đường tiêu hóa. Ngoài ra, hiện nay, người dân mới chỉ quan tâm đến tiêm phòng cho trẻ dưới 1 tuổi, chưa chú trọng cho trẻ tiêm nhắc lại; chưa quan tâm tiêm một số loại vắc-xin phòng các bệnh khác như cúm, thủy đậu, rubella... Những yếu tố trên đã tạo điều kiện thuận lợi cho các nhóm bệnh về đường tiêu hóa, nhóm bệnh truyền nhiễm phát triển thành bệnh, dịch và lây lan rộng ra cộng đồng.
Để chủ động phòng, chống các dịch bệnh mùa hè, phát hiện sớm và xử lý triệt để các ổ dịch, không để bùng phát trong cộng đồng, hạn chế tới mức thấp nhất tỷ lệ mắc, biến chứng và tử vong, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã thực hiện nhiều biện pháp cụ thể để phòng, chống dịch bệnh. Theo đó, thường xuyên nắm bắt thông tin về tình hình dịch bệnh trên địa bàn để chỉ đạo kịp thời, huy động tối đa mọi nguồn lực của địa phương tập trung cho công tác phòng, chống dịch. Trong quý I-2016, đã giám sát thường xuyên các bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là các bệnh nguy hiểm, bệnh mới nổi như vi rút Zika, liên cầu lợn, sốt xuất huyết, tay chân miệng, viêm màng não do não mô cầu. Phối hợp với các cơ quan truyền thông tuyên truyền các biện pháp phòng bệnh và đưa tin kịp thời các hoạt động triển khai về công tác phòng, chống dịch bệnh mùa hè trên địa bàn để người dân biết và chủ động tham gia.
Chỉ đạo Trung tâm Y tế các huyện, thành phố, trạm Y tế xã, phường, thị trấn làm tốt công tác truyền thông, giáo dục cộng đồng; đặc biệt là thực hiện tiêm chủng mở rộng. Kết quả, đã thực hiện tiêm chủng các bệnh viêm gan B (sơ sinh), sởi, viêm não Nhật Bản, bệnh bạch hầu-ho gà-uốn ván - viêm gan B… cho hàng chục nghìn trẻ em trong độ tuổi, góp phần phòng, chống bệnh dịch theo lứa tuổi. Các trung tâm y tế cũng tăng cường vận động người dân thường xuyên rửa tay với xà phòng, tự giác thực hiện tổng vệ sinh môi trường xung quanh nhà ở, như khơi thông cống rãnh, thả cá vào các bể chứa nước, phát quang bụi rậm quanh nhà để diệt muỗi, bọ gậy trong từng hộ gia đình, khuyến khích xây dựng các công trình hợp vệ sinh. Trong quý I/2016 đã có gần 5 nghìn công trình vệ sinh như hố xí hợp vệ sinh, nguồn nước hợp vệ sinh và các công trình vệ sinh khác được xây dựng. Chuẩn bị đầy đủ thuốc, hóa chất và trang thiết bị cần thiết phục vụ khi có dịch xảy ra. Đồng thời tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh tại cộng đồng để cách ly, điều trị và triển khai công tác phòng, chống kịp thời, không để lây lan ra diện rộng.
Theo Thạc sĩ Lê Hoàng Nam, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, mọi người dân đều có thể mắc các bệnh truyền nhiễm vào mùa hè, nhưng đối tượng dễ mắc nhất là trẻ em và người già, như bệnh tiêu chảy thường gặp ở trẻ em từ 6-12 tháng tuổi; tay chân miệng thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi; quai bị thường gặp ở lứa tuổi thanh, thiếu niên; thủy đậu thường gặp ở trẻ em dưới 10 tuổi; viêm não Nhật Bản thường gặp ở trẻ từ 3-5 tuổi; người già hay gặp các bệnh tim mạch, cao huyết áp...
Để chủ động phòng bệnh, người dân cần thực hiện tốt các biện pháp theo khuyến cáo của Bộ Y tế, như: Không để nhiệt độ điều hòa trong phòng quá thấp; không để quạt thổi trực tiếp gần người để phòng bệnh đường hô hấp. Thực hiện ăn chín, uống chín; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; uống đủ nước và tăng cường dinh dưỡng, tăng cường ăn hoa quả để đảm bảo đủ vitamin nhằm tăng sức đề kháng của cơ thể. Tăng cường vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng, đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối. Thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường. Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, chất thải của trẻ phải được thu gom, xử lý và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh. Thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy; loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ, phát quang bụi rậm, vệ sinh sạch sẽ những nơi thường có nhiều muỗi trú ngụ...
Đặc biệt, đối với trẻ em, do sức đề kháng kém, hệ miễn dịch chưa hoàn thiện, nên vào mùa nắng nóng có nguy cơ cao mắc một số bệnh nguy hiểm như: say nắng, viêm não Nhật Bản B, sốt vi rút, tiêu chảy cấp, bệnh ngoài da như rôm sảy, nấm ngứa…. Do vậy, các gia đình cần đặc biệt quan tâm, chú trọng việc phòng, chống dịch bệnh mùa hè cho trẻ như khám bệnh định kỳ, ăn chín, uống sôi và thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân thường nhật cho trẻ.
Hạnh Chi