Theo thống kê mới đây của Sở Nông nghiệp & PTNT, hiện đàn gia súc, gia cầm của Ninh Bình giữ quy mô ổn định với 45,5 nghìn con trâu, bò, gần 386 nghìn con lợn và 3,7 triệu con gia cầm Tuy nhiên đến nay, phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn là chủ yếu, đây là một trong những yếu tố nguy cơ bởi tỷ lệ tiêm phòng không cao, nếu dịch bệnh phát ra sẽ rất dễ lây lan và khó dập dịch. Hơn nữa, thời tiết đang trong giai đoạn chuyển mùa ảnh hưởng bất lợi đến sức khỏe đàn vật nuôi. Bên cạnh đó, người chăn nuôi đang nhập con giống để tái đàn sau dịp Tết dẫn đến nguy cơ dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, đặc biệt là dịch cúm gia cầm, tai xanh ở lợn, lở mồm, long móng ở trâu, bò có khả năng phát sinh, lây lan cao.
Từ đầu năm đến nay, tình hình dịch lợn tai xanh ở một số tỉnh như Quảng Nam, Quảng Trị, Nghệ An diễn biến phức tạp; dịch lở mồm, long móng xuất hiện ở Bắc Ninh; dịch cúm gia cầm cũng đang hoành hành ở Điện Biên, Kiên Giang, Khánh Hòa. ở tỉnh ta, đến nay dịch bệnh trên đàn gia súc khá ổn định, tuy trước đó xuất hiện dịch cúm gia cầm H5N1 tại 5 xã của huyện Nho Quan làm chết và phải tiêu hủy gần 16.000 con. Đến nay, UBND tỉnh đã công bố hết dịch ở 4 xã.
Ông Hà Quốc Thịnh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh cho rằng: Cùng với diễn biến dịch cả nước, tình hình thời tiết có nhiều biến đổi, việc vận chuyển và giết mổ gia súc, gia cầm tăng trong và sau Tết Nguyên đán, nhất là việc vận chuyển gia súc, gia cầm từ các tỉnh ngoài vào địa bản tỉnh là điều kiện thuận lợi để dịch bệnh dễ phát sinh và lây lan. Trong khi đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh đang ở thời điểm hết miễn dịch, bắt đầu cho đợt tiêm vắcxin phòng dịch đợt 1 năm 2013. Bên cạnh đó, việc nhập con giống không đảm bảo chất lượng, chưa được kiểm soát cũng là nguy cơ xảy ra dịch bệnh.
Nét mới trong công tác tiêm phòng dịch bệnh gia súc, gia cầm năm nay là đối với tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm khi có dịch xảy ra, ngân sách Trung ương chỉ đảm bảo mua vắc xin để tiêm chống dịch, địa phương sẽ phải chủ động một phần kinh phí từ nguồn ngân sách địa phương để chi trả tiền công tiêm phòng và các hoạt động chống dịch. Nếu tiêm phòng theo vụ ngân sách tỉnh đảm bảo mua vắc xin tiêm phòng cho đàn vịt; các hộ gia đình, các trang trại, cơ sở chăn nuôi có trách nhiệm tự bố trí kinh phí mua vắc xin và trả tiền công tiêm. Đối với việc tiêm phòng vắc xin tai xanh và dịch tả lợn, ngân sách tỉnh chỉ đảm bảo mua vắc xin tai xanh để tiêm phòng khi có dịch, nơi có dịch uy hiếp, vùng có nguy cơ cao và đảm bảo mua vắc xin dịch tả lợn cho các chủ hộ nuôi lợn từ 50 con trở xuống. Tuy nhiên, việc tỉnh giao cho các địa phương và hộ chăn nuôi chủ động một phần kinh phí thực hiện tiêm phòng như vậy cũng phần nào làm công tác tiêm phòng dịch gặp khó khăn, giảm tỷ lệ tiêm, chất lượng hạn chế nếu không được triển khai đồng bộ và kiểm soát chặt chẽ.
Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, công tác chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm năm nay được ngành Nông nghiệp & PTNT quan tâm chỉ đạo sát sao hơn. Theo đó, Chi cục Thú y tỉnh chỉ đạo cho Trạm thú y các huyện, thành phố, thị xã tổ chức giám sát dịch tễ đến tận các cơ sở chăn nuôi, thường xuyên nắm bắt tình hình dịch bệnh nhằm kịp thời phát hiện và xử lý nếu dịch xảy ra. Việc kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển giống vật nuôi và các sản phẩm gia súc, gia cầm ra vào địa bàn được tăng cường; việc giết mổ, mua bán gia súc, gia cầm cũng được ngành Thú y quan tâm thực hiện chặt chẽ.
Tại thị xã Tam Điệp, trong năm 2012, dịch cúm gia cầm đã gây thiệt hại cho ngành chăn nuôi. Tuy nhiên, theo ngành Thú y thị xã, sau tháng 10-2012 đến nay, địa phương không còn xảy ra dịch bệnh. Nguyên nhân một phần là do ngành chức năng thị xã đã tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch. Đồng chí Nguyễn Thị Hồng Nhung, Trạm trưởng Trạm Thú y thị xã Tam Điệp cho biết: Thời gian qua, thị xã đã đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức phòng, chống dịch trong dân; giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh và xử lý ngay khi gia súc, gia cầm có dấu hiệu bệnh; thường xuyên tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm nuôi; tổ chức các đợt tiêu trùng môi trường để tiêu diệt mầm bệnh... Nhận thức của người dân thị xã về chăn nuôi an toàn dịch bệnh cũng được nâng cao.
Gia đình ông Phạm Văn Dũng ở tổ 12, phường Tân Bình đang nuôi đàn bò hơn 10 con cho biết: Là nông dân nên ông cũng không biết nhiều về các loại vắc xin và các đợt tiêm nhưng ông đặt lịch hẹn cán bộ thú y cơ sở có đợt tiêm nào là đến tiêm cho đàn bò của gia đình. Ông cho rằng, mỗi người chăn nuôi nên có ý thức trong việc tiêm phòng đầy đủ cho đàn vật nuôi của mình, vì ngoài việc bảo vệ tài sản của mình mà còn để tránh lây lan bệnh sang cho các hộ chăn nuôi khác.
Đến ngày 19-3, toàn thị xã đã tiến hành tiêm phòng được 1.000 liều vắc xin lở mồm, long móng, 200 liều tụ huyết trùng cho đàn trâu, bò; 300 liều tụ dấu, 300 liều phó thương hàn cho đàn lợn; 30 nghìn liều vắc xin H5N1 cho đàn gia cầm.
Theo Chi cục Thú y tỉnh, thời điểm này các địa phương cần tập trung thực hiện đợt 1, tiêm phòng vụ xuân hè vì đây là một trong những biện pháp chủ động hữu hiệu nhất nhằm hạn chế dịch bệnh xảy ra. Thời điểm tiêm phòng là từ 15-3 đến 30-4-2013. Phạm vi tiêm phòng: đàn trâu, bò tiêm vắc xin tụ huyết trùng, lở mồm, long móng; đàn lợn tiêm vắc xin lở mồm, long móng, tai xanh, dịch tả, tụ dấu, phó thương hàn; trên đàn gia cầm tập trung tiêm phòng triệt để cho đàn vịt, khuyến khích tiêm phòng cho đàn gà. Phấn đấu tỷ lệ tiêm đạt trên 80%.
Bài và ảnh:Nguyễn Lựu