Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, tính từ giữa tháng 11 đến giữa tháng 12/2020, toàn tỉnh ghi nhận 31 trường hợp mắc sốt xuất huyết và 4 ổ dịch nhỏ ở các địa phương là xã Yên Lộc (huyện Kim Sơn); phường Tân Thành và Phúc Thành (thành phố Ninh Bình); xã Ninh Mỹ (huyện Hoa Lư). Tổng số ổ dịch sốt xuất huyết từ đầu năm đến nay là 15 ổ.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã phối hợp với trung tâm y tế các huyện, thành phố và trạm y tế các xã, phường, thị trấn tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân diệt loăng quăng, bọ gậy.., phun hóa chất diệt côn trùng tại tất cả các ổ dịch trên. Đến thời điểm hiện tại, chưa ghi nhận thêm các trường hợp mắc mới ở các ổ dịch đang lưu hành.
Cũng tại thời điểm từ giữa tháng 11/2020 đến nay, một số bệnh truyền nhiễm tăng so với tháng trước, như cúm xuất hiện 641 ca bệnh, cộng dồn đến giữa tháng 12/2020 là 6.856 ca bệnh; tiêu chảy có 251 ca, cộng dồn 3.206 ca; viêm gan virut là 57 ca, cộng dồn 432 ca; thủy đậu xuất hiện 64 ca, cộng dồn có 400 ca; quai bị 3 ca, tổng đến nay có 40 ca bệnh...
Trong đó, 2 loại bệnh truyền nhiễm là thủy đậu và sốt xuất huyết đều tăng hơn so với cùng kỳ năm trước. Đánh giá của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, đa số các bệnh truyền nhiễm ghi nhận số trường hợp mắc tăng so với cùng kỳ năm 2019.
Trước tình hình một số bệnh truyền nhiễm gia tăng, cộng với dịch bệnh COVID-19 vẫn có nguy cơ cao trong cộng đồng, ngành Y tế đã chỉ đạo các đơn vị trong ngành, Trung tâm y tế các huyện, thành phố chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, trang thiết bị, máy móc phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh. Đồng thời tổ chức giám sát, hỗ trợ, hướng dẫn các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm cho các huyện, thành phố.
Các đơn vị y tế dự phòng tăng cường giám sát tại cộng đồng, phát hiện sớm, các ca bệnh, đặc biệt là dịch bệnh COVID-19, MERS-CoV, cúm A (H7N9, H5N1, H5N6); các biện pháp phòng, chống bệnh dại, các bệnh dịch lây truyền qua đường hô hấp (bạch hầu, sởi, rubella...) và các bệnh lưu hành (tay chân miệng, sốt xuất huyết...); xử lý triệt để các ổ dịch, khoanh vùng, không để lan rộng.
Đặc biệt, nhằm tăng cường phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết, Chikungunya, Zika, là các bệnh truyền nhiễm cấp tính do Arbo vi rút gây ra, đã xuất hiện tại Việt Nam và có nguy cơ gây dịch trở lại, thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế, Sở Y tế Ninh Bình có công văn yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, trung tâm y tế các huyện, thành phố phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tin đại chúng trên địa bàn triển khai các hoạt động tuyên truyền để người dân nắm được nguy cơ, sự nguy hiểm của bệnh và tích cực hưởng ứng các biện pháp phòng bệnh cho cá nhân và cộng đồng.
Chủ động tham gia thu dọn vật dụng, phế thải chứa nước đọng, nơi bọ gậy, muỗi phát triển, đậy kín nắp và thả cá vào bể, các dụng cụ chứa nước sinh hoạt để vệ sinh, diệt các ấu trùng gây bệnh...
Bố trí nhân lực, chuẩn bị đủ trang thiết bị, hóa chất sẵn sàng triển khai khoanh vùng và xử trí ổ dịch khi có yêu cầu. Chú ý các ổ dịch cũ, các khu vực có nguy cơ cao có khả năng bùng phát dịch như: các công trường đang xây dựng, chợ, trường học, bến xe, bến tàu…
Đồng thời, tăng cường giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết, Chikungunya, Zika trên từng địa bàn cấp xã, phát hiện sớm các trường hợp bệnh để tiến hành xử trí ổ dịch kịp thời.
Đối với các đơn vị điều trị, tổ chức tập huấn lại cho cán bộ y tế về nội dung hướng dẫn, chẩn đoán và điều trị sốt xuất huyết, Chikungunya, Zika. Thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường, phun thuốc diệt muỗi tại cơ sở khám, chữa bệnh, phòng muỗi đốt cho người bệnh và người nhà bệnh nhân.
Đồng thời, thực hiện tốt công tác thường trực cấp cứu, phân loại sàng lọc bệnh, phân luồng khám bệnh, thu dung, cách ly, thực hiện nghiêm việc kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện, không để lây nhiễm chéo trong bệnh viện. Tổ chức tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch bệnh thường gặp trong mùa đông xuân, thông điệp "5K" phòng, chống COVID-19 (gồm: Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tụ tập - Khai báo y tế) đến từng hộ gia đình, cộng đồng.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cũng khuyến cáo người dân cần nâng cao ý thức phòng, chống bệnh bằng các biện pháp chính như: Tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ và đúng lịch, đối với các bệnh có vắc xin phòng bệnh như: sởi, rubella, ho gà…) và tiêm chủng dịch vụ các vắc xin cúm, thủy đậu, viêm não, tả..., đảm bảo tỷ lệ tiêm chủng đạt 95% trên quy mô cấp xã.
Giữ ấm cơ thể khi thời tiết chuyển lạnh, cần ủ ấm cho trẻ em khi ra ngoài trời. Khi làm việc ngoài trời, ra ngoài trời vào ban đêm, sáng sớm phải mặc đủ ấm, lưu ý giữ ấm bàn chân, bàn tay, ngực, cổ, đầu. Tránh tiếp xúc với những người đang có dấu hiệu bị các bệnh truyền nhiễm như cúm, bệnh đường hô hấp, tiêu chảy, sởi, rubella, thủy đậu…
Hạn chế đến và thực hiện đeo khẩu trang ở những nơi đông người. Ăn uống đủ chất, đảm bảo dinh dưỡng, ăn nhiều hoa quả để giúp cơ thể tăng cường vitamin, nâng cao sức đề kháng. Ăn cân đối các nhóm dưỡng chất: Tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất. Uống nước ấm, tránh ăn, uống những thức ăn, nước uống lấy trực tiếp từ tủ lạnh.
Đảm bảo vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng, vệ sinh mũi, họng hàng ngày. Đảm bảo vệ sinh môi trường, vệ sinh gia đình, giữ ấm nhà cửa. Khi có các dấu hiệu nghi bị bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là các triệu chứng ho, sốt, đau nhức cơ thể của dịch bệnh COVID-19, cần thông báo ngay cơ sở y tế để được hướng dẫn, khám và xử trí kịp thời...
Bài, ảnh: Hạnh Chi