Phóng viên (PV): Xin bác sĩ cho biết diễn biến dịch bệnh thời gian qua trên địa bàn tỉnh?
Bác sĩ Bùi Minh Châu: Có thể nói, tình hình dịch bệnh thời gian gần đây trên phạm vi cả nước diễn biến khá phức tạp. Một số dịch bệnh mới, nguy hiểm đã xuất hiện như dịch SARS, cúm A (H5N1). Có những bệnh ta đã khống chế được nhưng nay lại nổi lên như bệnh sởi, tiêu chảy cấp nguy hiểm. ở tỉnh ta, hàng năm vẫn xảy ra các vụ dịch, trong đó có cả những bệnh dịch nguy hiểm như cúm A (H5N1). Năm 2008, ở một số địa phương trong tỉnh đã xuất hiện dịch sốt phát ban, với 106 ca mắc, đa số người mắc ở độ tuổi THPT. Cũng trong năm này, toàn tỉnh còn nổi lên dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm, với 245 ca mắc, trong đó có 100 ca dương tính với vi khuẩn tả ( 26 ca người lành mang trùng). Ngoài ra còn lẻ tẻ xuất hiện ca bệnh chân tay miệng, với 28 người mắc. Đầu năm nay, tỉnh ta đã có 1 ca tử vong do nhiễm cúm A (H5N1). Hiện tại dịch sốt phát ban cũng đã xuất hiện với trên 30 ca, trong đó 15 ca dương tính với vi rút sởi.
P.V: Để chủ động đối phó với dịch bệnh, nhất là khi mùa hè đã tới, Trung tâm đã có biện pháp gì?
Bác sĩ Bùi Minh Châu: Theo dõi tình hình dịch bệnh ta thấy mỗi mùa sẽ có những loại dịch bệnh khác nhau. Với mùa hè, thường xuất hiện dịch viêm não, sốt xuất huyết, bệnh về đường tiêu hóa như tiêu chảy. ở vùng lụt, thường có thêm bệnh nước ăn chân, đau mắt đỏ, bệnh ngoài da… Để chủ động phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân, hàng năm Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã chủ động tham mưu cho ngành Y tế xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch bệnh mùa hè, mùa mưa bão, theo đó tất cả các đơn vị trong ngành đều phải chuẩn bị đủ cơ số thuốc, trang thiết bị cũng như nhân lực kèm theo, đảm bảo ứng cứu nhanh nhất, tốt nhất khi có dịch bệnh xảy ra. Với Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, ngoài việc xây dựng kế hoạch của đơn vị theo chỉ đạo chung, chúng tôi còn tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế cơ sở về kỹ năng giám sát, phát hiện và xử lý dịch bệnh; tiến hành rà soát cơ số thuốc cũng như nhân lực cho công tác phòng, chống dịch. Hiện Trung tâm đã chuẩn bị 20 cơ số thuốc, hóa chất và phương tiện kèm theo như máy phun hóa chất, ô tô, cáng cứu thương; thành lập 3 đội chống dịch cơ động, trong đó có 1 đội phản ứng nhanh. Các Đội y tế dự phòng huyện, thị cũng chuẩn bị 5-10 cơ số thuốc và 1-2 đội chống dịch, đủ đáp ứng yêu cầu khi dịch vừa xảy ra.
Giờ ăn ca tại Công ty Cổ phần Phân lân Ninh Bình.
P.V: Theo bác sĩ, đâu là những lý do để dịch bệnh bùng phát hàng năm?
Bác sĩ Bùi Minh Châu: Do lợi ích của công tác tiêm chủng mở rộng nên những bệnh truyền nhiễm thường gặp ở trẻ em trước đây đã được khống chế. Tuy nhiên, với điều kiện vệ sinh môi trường như hiện nay cộng với thói quen sinh hoạt thiếu khoa học, không đảm bảo vệ sinh của người dân đã tạo những thuận lợi để dịch bệnh phát sinh, phát triển. Ví dụ dịch tiêu chảy cấp xuất hiện là do người dân không thực hiện đúng nguyên tắc ăn chín, uống sôi, còn ăn rau sống, thức ăn bị ôi thiu hoặc chưa chế biến kỹ. Dịch cúm A (H5N1) ở người bùng phát là do người dân còn chủ quan ăn thịt gia cầm mắc bệnh hoặc tiếp xúc trực tiếp với nguồn bệnh mà không mang dụng cụ phòng hộ…
P.V: Thưa bác sĩ, để phòng, chống dịch bệnh, người dân cần phải làm gì?
Bác sĩ Bùi Minh Châu: Ngoài những nỗ lực của ngành Y tế trong công tác giám sát, bao vây, khống chế dịch, mỗi người dân, mỗi gia đình cần thực hiện tốt một số biện pháp phòng bệnh như: Duy trì chế độ ăn, uống khoa học, điều độ, đủ dinh dưỡng nhằm tăng cường đề kháng cho cơ thể. Tuyệt đối không ăn thức ăn sống, tái, những loại thực phẩm không an toàn (nhiễm mầm bệnh, nhiễm hóa chất, nhiễm vi khuẩn). Tích cực vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, thực hiện diệt chuột, ruồi, muỗi - những vật chủ trung gian truyền bệnh đồng thời chú ý theo dõi diễn biến dịch bệnh, bổ sung kiến thức phòng bệnh cần thiết, nếu trong gia đình có người thân mắc các triệu chứng bệnh thì phải đưa ngay tới cơ sở y tế để điều trị, không để dịch lan rộng.
P.V: Thực tế cho thấy một số bệnh dịch có nguồn gốc từ thực phẩm vẫn lưu hành, vậy ngành Y tế có khuyến cáo gì ?
Bác sĩ Bùi Minh Châu: Dùng thực phẩm không an toàn không chỉ gây ra tác hại trực tiếp, dễ thấy như: Ngộ độc thực phẩm, tiêu chảy mà còn để lại hậu quả sau này dưới hình thức bệnh tật khác như ung thư, rối loạn thần kinh, tiêu hóa… Những năm qua, ngành Y tế đã có nhiều biện pháp can thiệp, nhằm hạn chế tác hại của thực phẩm không an toàn song số ca ngộ độc thực phẩm vẫn xảy ra, tập trung chủ yếu ở những bữa ăn tập thể tại cộng đồng như đám giỗ, đám cưới, mừng nhà mới. Cũng qua xét nghiệm của ngành Y tế, cho thấy số người lành nhiễm vi khuẩn tả trong cộng đồng khá lớn, đây sẽ là nguồn lây khó kiểm soát, đưa đến khả năng bùng phát dịch cao trong cộng đồng nếu chúng ta không thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống.
Để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục về vệ sinh an toàn thực phẩm, vừa qua Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã phối hợp với các Đội y tế dự phòng huyện, thành, thị tổ chức kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tại các khu, điểm du lịch; tiến hành cấp giấy phép kinh doanh cho những cơ sở đạt yêu cầu.
P.V: Từ ngày 15-4 - 15-5 sẽ diễn ra "Tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm", vậy mục tiêu chúng ta cần đạt được là gì?
Bác sĩ Bùi Minh Châu: Tháng hành động sẽ nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp và người tiêu dùng trong công tác đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, từ đó huy động mọi người tham gia vào việc phổ biến pháp lệnh vệ sinh an toàn thực phẩm và các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực này. Bên cạnh đó còn cung cấp kiến thức khoa học trong việc sản xuất, chế biến, tiêu dùng thực phẩm an toàn, hạn chế tối đa ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm.
P.V : Xin cảm ơn bác sĩ!
Hà Trang (thực hiện)