Hiện nay đang là thời điểm giao mùa Xuân-Hè, nền nhiệt độ trong ngày thay đổi liên tục, là điều kiện thuận lợi cho các vi khuẩn gây bệnh phát triển, trong đó có các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, tiêu hóa, như cúm các loại, tiêu chảy, tay chân miệng... và cả dịch bệnh COVID-19. Phóng viên Báo Ninh Bình có cuộc trao đổi với Thạc sĩ, bác sĩ Lê Hoàng Nam, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh về các biện pháp hữu hiệu nhằm chủ động phòng, chống các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Sau đây là nội dung cuộc trao đổi:
Chủ động phòng, chống dịch bệnh giao mùa Xuân-Hè
Phóng viên: Thưa bác sĩ, ông có thể đánh giá khái quát kết quả công tác phòng, chống các bệnh truyền nhiễm trên địa bàn Ninh Bình thời gian qua, trong đó có dịch bệnh Covid-19?
Ths. Bs Lê Hoàng Nam: Năm 2020, Việt Nam lần đầu tiên ghi nhận sự xâm nhập và lây lan trong cộng đồng của dịch Covid-19. Trường hợp mắc đầu tiên của Ninh Bình được ghi nhận từ đầu tháng 3/2020, đến nay có 34 trường hợp mắc, chưa có ca bệnh tử vong. Tất cả các trường hợp đã được điều trị khỏi, xuất viện và được giám sát sức khỏe theo đúng quy định của Bộ Y tế. Trong khi dịch bệnh Covid-19 tại các quốc gia trên thế giới liên tục gia tăng nhanh chóng mỗi ngày, một số ổ dịch trong nước vẫn diễn biến phức tạp như ở Quảng Ninh hay Hải Dương thì tỉnh Ninh Bình vẫn duy trì hơn 11 tháng qua không ghi nhận trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng. Các trường hợp có yếu tố dịch tễ liên quan đến Covid-19 (người nhập cảnh, người đi về từ vùng dịch, người tiếp xúc gần, tiếp xúc liên quan với người mắc Covid-19…) đều được giám sát, cách ly và lấy mẫu theo đúng quy định, đảm bảo không lây lan trong cộng đồng.
Ngoài những thành quả của công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, các dịch bệnh truyền nhiễm khác trên địa bàn tỉnh cơ bản cũng được khống chế hiệu quả. Một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như Ebola, Mers-CoV, cúm gia cầm độc lực cao gây bệnh cho người, như cúm A (H5N1), cúm A (H5N6), cúm A (H7N9) đều không ghi nhận trường hợp mắc. Các bệnh dịch lưu hành tiếp tục được khống chế, tỷ lệ mắc và tử vong của hầu hết các bệnh dịch truyền nhiễm lưu hành thấp hơn so với trung bình giai đoạn 5 năm qua, thấp hơn nhiều so với một số tỉnh khác trên cả nước, các bệnh truyền nhiễm có vắc xin tiêm phòng có tỷ lệ mắc giảm mạnh do duy trì tỷ lệ tiêm chủng cao. Đặc biệt, tỉnh Ninh Bình không ghi nhận trường hợp mắc bệnh dại, bạch hầu trong năm qua. Tiếp tục giữ vững thành quả thanh toán bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh trên địa bàn toàn tỉnh. Năm 2020, mặc dù xuất hiện một số ổ dịch lưu hành nhỏ tại một số địa phương, như dịch sốt xuất huyết hoặc tay chân miệng, nhưng hệ thống y tế dự phòng các tuyến đã kịp thời phát hiện, giám sát, xử lý và không để dịch bệnh lan rộng ra cộng đồng.
Phóng viên: Thưa bác sĩ, nguyên nhân chính để có được những kết quả phấn khởi đó là gì?
Ths. Bs Lê Hoàng Nam: Theo tôi, có được những kết quả đó là do có sự chỉ đạo, quyết tâm và đồng thuận của các cấp ủy Đảng, của chính quyền, các sở, ban, ngành và toàn thể nhân dân, đặc biệt là sự chỉ đạo quyết liệt, sáng tạo của ngành Y tế từ tuyến tỉnh đến cơ sở trong công cuộc đẩy lùi dịch bệnh, đặc biệt là trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Cụ thể như, ngay khi dịch Covid-19 mới bùng phát ở Vũ Hán (Trung Quốc), tỉnh Ninh Bình đã triển khai các biện pháp hết sức quyết liệt ngay từ rất sớm nhằm ngăn chặn sự xâm nhập của dịch bệnh vào địa bàn tỉnh, như giám sát chặt chẽ những người đi từ vùng dịch về, rà soát xét nghiệm các đối tượng nguy cơ có yếu tố dịch tễ liên quan. Khi dịch xâm nhập và diễn biến phức tạp tại các ổ dịch trong nước, Ninh Bình cũng đã có nhiều biện pháp quyết liệt, như giãn cách xã hội, cách ly tập trung toàn bộ người từ nước ngoài, những đối tượng nguy cơ cao, truy vết người tiếp xúc trên diện rộng, xét nghiệm rà soát cho tất cả những người đi từ vùng dịch về... Đồng thời, công tác chống dịch đã có được sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ sở y tế trong toàn ngành; giữa ngành Y tế với các sở, ban, ngành liên quan và với các địa phương, qua đó đã huy động được sức mạnh tổng lực của toàn dân. Có thể nói rằng, chưa khi nào công tác phòng, chống dịch bệnh quyết liệt và có sự tham gia của nhiều lực lượng như trong thời gian qua.
Cùng với việc thực hiện quyết liệt các biện pháp trong phòng, chống dịch Covid-19, thời gian qua, ngành Y tế Ninh Bình cũng luôn chủ động trong việc chỉ đạo, điều hành việc phòng, chống các dịch bệnh lưu hành khác trên địa bàn, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát nếu không triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống, như dịch sốt xuất huyết, bạch hầu, tay chân miệng, sởi, liên cầu lợn ở người, bệnh dại... Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động của chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, các hoạt động nhằm bảo vệ thành quả về thanh toán, loại trừ một số bệnh đã đạt được trong những năm qua cũng như tiến tới loại trừ một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác.
Có thể nói, những năm qua, đặc biệt trong năm 2020, cả hệ thống chính trị nói chung và ngành Y tế nói riêng đã rất nỗ lực, cố gắng, quyết tâm hết sức mình trong công tác phòng, chống dịch bệnh nhằm bảo vệ sức khỏe người dân.
Cán bộ Trạm Y tế xã Gia Thịnh, Gia Viễn hướng dẫn người dân xử lý nguồn nước sinh hoạt. Ảnh: Minh Quang
Phóng viên: Ngành Y tế nói chung, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh nói riêng có sự chuẩn bị gì đối với công tác phòng, chống dịch bệnh hiện nay?
Ths. bác sĩ Lê Hoàng Nam: Trước tình hình diễn biến phức tạp và lan rộng của dịch bệnh tại nhiều quốc gia khác trên thế giới, các ổ dịch Covid-19 trong nước vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, tình trạng người nhập cảnh trái phép không được quản lý, vắc xin phòng bệnh mới bước đầu trong giai đoạn thử nghiệm lại đi kèm với sự biến thể của tác nhân gây bệnh... Dự báo của các nhà nghiên cứu dịch tễ, đại dịch Covid-19 vẫn chưa thể chấm dứt mà có nguy cơ bùng phát theo từng làn sóng, ảnh hưởng tới mọi khía cạnh của đời sống xã hội. Mặt khác, các dịch bệnh truyền nhiễm đang lưu hành khác cũng luôn có nguy cơ bùng phát nếu không được giám sát, xử lý kịp thời.
Vì vậy, ngành Y tế Ninh Bình nói chung, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật nói riêng luôn coi công tác phòng, chống dịch bệnh là nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên cấp bách cũng như lâu dài. Luôn chuẩn bị tất cả tình huống, kịch bản, không chủ quan, lơ là với công tác phòng, chống dịch bệnh. Chuẩn bị sẵn sàng 4 tại chỗ là phương châm chống dịch đã quán triệt từ năm 2020 đến nay, để khi dịch xảy ra không bị bất ngờ, bị động.
Để làm tốt hơn nữa công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, đặc biệt công tác phòng, chống dịch bệnh, thời gian tới, ngành Y tế sẽ tăng cường công tác tham mưu cho UBND tỉnh trong việc quản lý Nhà nước về các hoạt động chăm sóc sức khỏe nhân dân. Xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch bệnh trên người năm 2021 với các tình huống dịch có thể xảy ra. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tiếp tục là cơ quan thường trực của BCĐ phòng, chống dịch ở người của ngành, phối hợp với phòng Nghiệp vụ Y- Sở Y tế trong việc xây dựng kế hoạch phòng, chống từng loại dịch bệnh cụ thể, trực tiếp triển khai, điều phối, kiểm tra, giám sát hoạt động phòng chống dịch tại các đơn vị, địa phương. Riêng đối với dịch Covid-19, Trung tâm tiếp tục triển khai mạnh mẽ công tác giám sát những người có yếu tố dịch tễ liên quan đến Covid-19, đảm bảo 100% trường hợp được rà soát, lấy mẫu xét nghiệm và cách ly giám sát theo đúng quy định trên địa bàn tỉnh.
Đặc biệt, trong thời tiết giao mùa Xuân-Hè, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã và đang triển khai đồng bộ các hoạt động như: Đẩy mạnh hoạt động truyền thông để người dân thực hiện các biện pháp nâng cao sức khỏe và phòng, chống dịch bệnh. Chủ động tiêm phòng vắc xin đối với các bệnh đã có vắc xin phòng bệnh. Tăng cường giám sát chặt chẽ các trường hợp mắc bệnh lây truyền qua đường hô hấp như: Sởi, ho gà, thủy đậu, đặc biệt là bệnh cúm lây từ gia cầm sang người tại cộng đồng và các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn toàn tỉnh. Nếu có ca nhiễm sẽ nhanh chóng lấy mẫu xét nghiệm để xác định tác nhân gây bệnh, triển khai xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch bệnh xâm nhập và lây lan trong cộng đồng. Cùng với đó, chuẩn bị đầy đủ hóa chất khử khuẩn, vật tư, trang thiết bị và nhân lực để sẵn sàng hỗ trợ, triển khai các hoạt động phòng chống dịch kịp thời, hiệu quả.
Phóng viên: Hiện đang là thời điểm giao mùa Xuân-Hè, bác sĩ có khuyến cáo gì với người dân để chủ động phòng, chống các bệnh truyền nhiễm thường gặp ở giai đoạn này, trong đó có dịch Covid-19?
Ths. bác sĩ Lê Hoàng Nam: Hiện nay đang là thời gian chuyển giao giữa mùa Xuân và mùa Hè, thời tiết ấm, ẩm là điều kiện thuận lợi cho nhiều loại vi khuẩn, vi rút, các côn trùng truyền bệnh như ruồi, muỗi, chuột, gián sinh sôi phát triển, làm tăng nguy cơ mắc nhiều loại bệnh. Đặc biệt là các bệnh thuộc nhóm lây truyền qua đường hô hấp, tiêu hóa, bệnh lây qua trung gian truyền bệnh như: cúm, sởi, thủy đậu, rubella, tay chân miệng, sốt xuất huyết, viêm não, tiêu chảy cấp. Ngoài ra, khi chuyển mùa, sự thay đổi thất thường của nhiệt độ, độ ẩm còn ảnh hưởng lớn đến khả năng thích ứng của con người. Với những người mắc bệnh mãn tính, người già, trẻ em thì đây là thời gian bệnh dễ tiến triển thành các đợt cấp, nặng hơn.
Việc chủ động phòng các bệnh thường mắc phải lúc giao mùa là rất cần thiết, đặc biệt, hiện nay trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp như Covid-19 có diễn biến phức tạp. Việc phòng bệnh của mỗi cá nhân không chỉ đem lại những lợi ích về sức khỏe cho bản thân mà nó còn có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với cộng đồng, ngành y tế và đất nước, giúp phòng tránh dịch chồng dịch, phòng ngừa sự quá tải trong kiểm soát bệnh tật và các gánh nặng chi phí do một lúc phải đối phó với nhiều loại bệnh dịch gây nên.
Để hạn chế nguy cơ dịch, bệnh trong thời điểm giao mùa Xuân-Hè, mỗi người nên chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh chủ yếu như: Giữ gìn môi trường sống sạch sẽ; không sử dụng các loại thực phẩm, nước uống không đảm bảo vệ sinh an toàn; thực hiện nghiêm những hướng dẫn, khuyến cáo của ngành chức năng về phòng bệnh; thông báo cho cơ quan y tế các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm, để có phương pháp chữa trị kịp thời, góp phần bảo vệ sức khỏe, ngăn chặn bệnh dịch lây lan ra cộng đồng.