PV: Thưa đồng chí, tình hình dịch bệnh do virus Zika đang diễn biến hết sức phức tạp tại Việt Nam? Đồng chí có thể thông báo sơ bộ cho người dân được biết? Bác sỹ Lê Hoàng Nam: Sáng ngày 5-4-2016, Bộ Y tế đã công bố 2 trường hợp dương tính với virus Zika tại Việt Nam. 2 ca bệnh này ở thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Khánh Hòa. Trường hợp thứ nhất là bệnh nhân nữ, 64 tuổi, cư trú tại phường Phước Hòa, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Bệnh nhân khởi phát bệnh vào ngày 26-3 với các triệu chứng sốt nhẹ, đau đầu, nổi ban ở hai chân và đau mắt đỏ. Bệnh nhân tự uống thuốc hạ sốt ở nhà nhưng không đỡ. Đến ngày 28-3, bệnh nhân được người nhà đưa đến khám tại Bệnh viện Nhiệt đới Khánh Hòa. Kết quả xét nghiệm ngày 31-3 tại Viện Pasteur Nha Trang dương tính với virus Zika. Xét nghiệm khẳng định lại tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh ngày 4-4 đều cho kết quả xét nghiệm dương tính với virus Zika.
Trường hợp thứ hai là bệnh nhân nữ, 33 tuổi, cư trú phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2, thành phố Hồ Chí Minh. Bệnh nhân khởi phát bệnh vào ngày 29-3 với triệu chứng phát ban, viêm kết mạc, mệt mỏi và đến khám tại Bệnh viện Đa khoa quận 2 cùng ngày do lo ngại bị bệnh rubella. Sau khi nhập viện, kết quả xét nghiệm ngày 31-3 và 1-4 tại Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, bệnh nhân dương tính với virus Zika. Sau đó kết quả xét nghiệm tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương ngày 2-4 và của Trường Đại học Nagasaki đặt tại Viện ngày 4-4 cũng cho kết quả dương tính với virus này.
Như vậy, đây là hai trường hợp nhiễm vi rút Zika đầu tiên ghi nhận tại cộng đồng ở nước ta. Hiện cả 2 trường hợp đã ổn định sức khỏe, kết quả giám sát các trường hợp người nhà và các hộ gia đình xung quanh chưa phát hiện trường hợp nào khác nhiễm virus Zika.
PV: Hiện người dân hết sức lo lắng vì sự lây lan của virus Zika, nhất là khi bệnh này chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc xin phòng bệnh? Vậy mức độ nguy hiểm của virus này như thế nào, sẽ gây ra những bệnh gì, thưa đồng chí?
Bác sỹ Lê Hoàng Nam: Hiện dịch bệnh do virus Zika đang gia tăng trên thế giới và đã phát hiện 2 ca bệnh tại Việt Nam, nhưng mọi người cần hết sức bình tĩnh để chủ động đối phó với dịch bệnh. Đây là bệnh truyền nhiễm cấp tính, nhóm B. Bệnh không lây truyền qua đường hô hấp hay qua đường tiếp xúc thông thường mà chủ yếu do muỗi Aedes aegypti (muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết) mang virus Zika đốt truyền virus sang người lành. Thời gian ủ bệnh từ 3-12 ngày. Bệnh thường biểu hiện lành tính, như: Sốt, phát ban trên da, viêm kết mạc, đau khớp, đau cơ, mệt mỏi và đau đầu; chưa ghi nhận trường hợp tử vong do nhiễm virus Zika. Có từ 60-80% các trường hợp nhiễm virus Zika không biểu hiện triệu chứng. Tuy nhiên, hiện nay Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đang tập trung nghiên cứu để xác định về mối liên quan của virus Zika với hội chứng não nhỏ ở trẻ sinh ra từ các bà mẹ nhiễm virus Zika trong thời kỳ mang thai và hội chứng viêm đa rễ và dây thần kinh Guillain-Barré.
PV: Trước thực tế dịch bệnh do virus Zika có thể lây lan ra nhiều tỉnh, thành trong cả nước, tỉnh Ninh Bình đã có những biện pháp gì để phòng, chống dịch bệnh này?
Bác sỹ Lê Hoàng Nam: Ngay từ giữa tháng 3-2016, trước khuyến cáo của Bộ Y tế về dịch bệnh gia tăng tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, tỉnh Ninh Bình đã chủ động chỉ đạo triển khai các hoạt động ứng phó. Theo đó, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 23/KH-UBND, ngày 17-3-2016 về hành động phòng, chống dịch bệnh do virus Zika tại tỉnh Ninh Bình, với mục tiêu phát hiện sớm, xử lý kịp thời không để dịch lây lan, hạn chế đến mức thấp nhất các biến chứng của bệnh do virus Zika gây ra.
UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan thông tin đại chúng như Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Ninh Bình, Đài PTTH tỉnh tăng cường truyền thông về phòng, chống dịch bệnh do virus Zika theo tài liệu của Bộ Y tế ban hành. Thường xuyên cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng chống dịch bệnh để đảm bảo không ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế - xã hội, du lịch, không làm cho người dân hoang mang và chủ động áp dụng các biện pháp bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng... Đồng thời, UBND tỉnh cũng đặc biệt lưu ý, các sở, ngành, các đơn vị liên quan cần triển khai các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao; chủ động xây dựng các kế hoạch phòng, chống dịch, duy trì các hoạt động thiết yếu trong trường hợp dịch bùng phát trên diện rộng; mặt khác thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra, theo dõi công tác phòng, chống bệnh tại các địa phương để bảo đảm yêu cầu về công tác phòng, chống dịch bệnh…
PV: Với trách nhiệm của cơ quan chuyên môn, ngành Y tế đã triển khai các công việc này như thế nào?
Bác sỹ Lê Hoàng Nam: Thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Y tế đã tổ chức tập huấn công tác giám sát, dự phòng, chẩn đoán và điều trị dịch bệnh do virus Zika cho các đơn vị trong toàn ngành. Yêu cầu các đơn vị phổ biến về dự phòng và điều trị bệnh do virus Zika đến toàn thể cán bộ, viên chức. Đồng thời chủ động xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch bệnh, chuẩn bị đầy đủ về vật tư, hóa chất, trang thiết bị, bảo đảm đáp ứng các tình huống về dịch bệnh.
Cùng với đó, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cũng xây dựng kế hoạch sẵn sàng đáp ứng với dịch; thực hiện giám sát chủ động lấy mẫu xét nghiệm đối với các trường hợp nghi ngờ (sốt, phát ban, đau đầu, đau cơ, viêm kết mạc mắt và có tiền sử đi vào vùng nghi ngờ lưu hành dịch trong 12 ngày) để phát hiện các ca bệnh. Đặc biệt, thực hiện phương châm "Dự phòng toàn diện và có trọng điểm", ưu tiên phòng, chống các bệnh truyền nhiễm phát sinh theo mùa, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh chỉ đạo Trung tâm Y tế dự phòng các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch cụ thể cho từng loại dịch bệnh, tổ chức tập huấn về công tác xử lý ổ dịch, phân công cán bộ bám sát địa bàn, phối hợp với các trạm y tế và đội ngũ y tế thôn, bản, tổ dân phố giám sát chặt chẽ nhằm phát hiện dịch bệnh sớm nhất. Cùng với đó, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cũng thành lập 3 đội chống dịch cơ động, chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, hóa chất, máy phun chống dịch... sẵn sàng đối phó nếu dịch bệnh xuất hiện; phối hợp chặt chẽ với cơ quan truyền thông để tuyên truyền, vận động nhân dân chủ động phòng, chống dịch bệnh do virus Zika kết hợp với sốt xuất huyết. Tham mưu với chính quyền các cấp trong tỉnh tổ chức chiến dịch truyền thông cộng đồng trong thực hiện diệt muỗi, diệt loăng quăng để phòng, chống dịch do virus Zika và sốt xuất huyết. Thường xuyên cập nhật tình hình và diễn biến của dịch để có kế hoạch ứng phó kịp thời.
PV: Trước tình hình dịch bệnh đang có những diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát dịch, đồng chí có những khuyến cáo gì đối với người dân?
Bác sỹ Lê Hoàng Nam: Đây là bệnh truyền nhiễm cấp tính, không có vắc xin dự phòng, không có thuốc điều trị đặc hiệu. Bệnh lây lan trong cộng đồng chủ yếu do muỗi Aedes aegypti mang virus Zika từ người bệnh truyền sang người lành. Vì vậy, mọi người cần tích cực thực hiện các biện pháp sau đây để phòng, chống dịch do virus Zika và bệnh sốt xuất huyết: Diệt muỗi, diệt loăng quăng tại hộ gia đình hàng tuần; vệ sinh môi trường, khu vực ở thông thoáng, triệt phá nơi muỗi trú đậu, đẻ trứng...; ngủ màn, mặc quần áo dài, sử dụng bình xịt muỗi, nhang trừ muỗi, kem thoa chống muỗi đốt...; thực hiện vệ sinh cá nhân, rèn luyện sức khỏe, bổ sung Vitamin và dưỡng chất để tăng cường sức đề kháng... thực hiện ăn chín, uống chín, ăn uống đủ chất, đảm bảo dinh dưỡng, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng… Tất cả mọi người, đặc biệt là phụ nữ đang mang thai cần chú ý không lui tới, đi du lịch vào vùng đang xảy ra dịch bệnh khi không cần thiết và tự bảo vệ sức khỏe, không để muỗi đốt. Phụ nữ mang thai 3 tháng đầu đang sinh sống hoặc đã từng đến vùng dịch mà có sốt hoặc phát ban và có ít nhất một trong các triệu chứng như đau mỏi cơ/khớp, viêm kết mạc mắt cần xét nghiệm để phát hiện vi rút Zika. Người từ vùng dịch trở về cần sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục hoặc không quan hệ tình dục với vợ (bạn tình) trong quá trình mang thai để tránh lây truyền vi rút Zika cho mẹ và con, chú ý theo dõi sức khỏe trong 12 ngày, khi phát hiện có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh, đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được hướng dẫn chẩn đoán và điều trị.
PV: Xin cảm ơn đồng chí!
Mỹ Hạnh (thực hiện)