Vì vậy, các ngành, địa phương cần thực hiện tốt việc vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường nhằm chủ động phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm trong mùa đông xuân. Về vấn đề này, phóng viên Báo Ninh Bình đã có cuộc trao đổi với đồng chí Hà Quốc Thịnh, Chi cục phó Chi cục Thú y tỉnh.
P.V: Xin đồng chí cho biết tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm hiện nay?
Đồng chí Hà Quốc Thịnh: Mấy năm qua, tình hình dịch bệnh, nhất là bệnh lở mồm, long móng (LMLM), tai xanh, cúm A H5N1 diễn biến khá phức tạp ở nhiều tỉnh trên cả nước, đã làm hàng triệu con gia súc, gia cầm bị chết và phải tiêu hủy. Hiện nay, bệnh LMLM ở gia súc đang bùng phát tại các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh; dịch cúm gia cầm bùng phát ở Thái Nguyên. Trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, đầu năm 2008, dịch cúm gia cầm đã bùng phát ở 3 huyện Yên Khánh, Nho Quan, Hoa Lư. Trong tháng 4 và tháng 5, bệnh tai xanh ở lợn bùng phát tại Yên Mô, Hoa Lư, thành phố Ninh Bình. Cuối tháng 10 bệnh LMLM xảy ra tại Yên Mô. Trước tình hình trên, tỉnh đã triển khai thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch như tổ chức tiêm phòng, vệ sinh, khử trùng, tiêu độc trong chăn nuôi và kiểm soát vận chuyển, giết mổ. Vì vậy, dịch bệnh đã sớm được khống chế. Hiện nay, tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh tương đối ổn định, góp phần tạo điều kiện cho chăn nuôi phát triển trở lại.
P.V: Để chủ động phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm trong mùa đông xuân năm nay, các địa phương, hộ chăn nuôi cần thực hiện tốt những biện pháp gì?
Phun thuốc tiêu độc, khử trùng tại huyện Yên Mô. Ảnh: Ngọc Tân.
Đồng chí Hà Quốc Thịnh: Thực hiện Công văn số 3686 của Bộ nông nghiệp & PTNT và Công văn số 587 của UBND tỉnh, Chi cục Thú y đã tham mưu cho Sở Nông nghiệp & PTNT đã ban hành Quyết định phân bổ vắc xin và thuốc sát trùng do Trung ương hỗ trợ cho các đơn vị phòng, chống dịch bệnh; đồng thời xây dựng kế hoạch triển khai Tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường và công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trước và sau Tết Kỷ Sửu. Thời gian triển khai bắt đầu từ ngày 3 đến 25-1-2009. Để chủ động phòng, chống dịch kịp thời đạt hiệu quả, các địa phương phát động nhân dân và hộ chăn nuôi thực hiện tốt việc vệ sinh, khử trùng, tiêu độc chuồng trại, các tụ điểm buôn bán, giết mổ gia cầm, đặc biệt là các xã có ổ dịch cũ nhằm đưa công tác này trở thành việc làm thường xuyên trong nhân dân và các hộ chăn nuôi. Đối với các cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung, cần nâng cao mức độ an toàn sinh học cho toàn trang trại, giảm thiểu lượng khách ra vào, có biện pháp ngăn không cho chim hoang dã tiếp xúc với gia cầm và thường xuyên duy trì đủ lượng, nồng độ sát trùng ở các hố sát trùng tại cổng ra vào trang trại. Các hộ chăn nuôi gia đình thực hiện cách ly chuồng nuôi với nơi ở, thực hiện nuôi nhốt, không thả rông gia súc, gia cầm. Riêng các xã, phường có ổ dịch cũ của năm 2008 tiến hành vệ sinh, tiêu độc, khử trùng 3 lần/tuần. Các cơ sở ấp nở gia cầm tiến hành thu gom vỏ trứng đã ấp nở để tiêu hủy, sau mỗi ca sản xuất tiến hành xông hoặc phun khử trùng máy ấp và phun toàn bộ cơ sở ấp, phương tiện vận chuyển trứng, gia cầm con. Các chợ tiến hành quy hoạch khu vực mua bán riêng cho từng loại gia súc, gia cầm và quy định chỉ được bán gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm khỏe mạnh, biết rõ nguồn gốc và xuất phát từ vùng không có dịch.
Cùng với công tác vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường, Chi cục Thú y đã phối hợp các ngành, địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát dịch bệnh, kiểm soát vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ gia súc, gia cầm. Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền lưu động, phát tờ rơi đến tận các hộ chăn nuôi để nhằm nâng cao nhận thức cho nhân dân và người chăn nuôi hiểu về chăn nuôi an toàn, biện pháp phòng, chống dịch bệnh, thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm trong mua bán, tiêu thụ sản phẩm gia súc, gia cầm. Duy trì hệ thống báo dịch từ cơ sở, hộ chăn nuôi đến các huyện, thành phố, thị xã. Thực hiện giám sát dịch đến tận hộ chăn nuôi để phát hiện nhanh, bao vây xử lý kịp thời, triệt để các ổ dịch. Giao cho Thú y các xã, phường, thị trấn phối hợp với lực lượng công an xã tổ chức kiểm tra các chợ và cấp giấy chứng nhận đã tiêm phòng vắc xin cho các hộ chăn nuôi để thuận tiện cho việc buôn bán trên địa bàn. Chi cục Thú y đã yêu cầu các trang trại chăn nuôi có quy mô lớn trước xuất bán gia cầm ra ngoài tỉnh đều phải tổ chức tiêm phòng vắc xin và được cấp giấy chứng nhận kiểm dịch mới được vận chuyển gia cầm ra tỉnh ngoài. Đối với vịt chạy đồng, các xã lập sổ theo dõi đến từng hộ chăn nuôi về số lượng gia cầm hiện có, số lượng đã tiêm phòng, số bổ sung mới và tình hình sức khỏe để tiện cho việc theo dõi, quản lý và phát hiện sớm gia cầm mang vi rút, những ổ dịch xuất hiện đầu tiên để khống chế, ngăn chặn không để lây lan ra diện rộng. Khi phát hiện có gia cầm chết, gia cầm có triệu chứng của bệnh cúm và gia súc nhiễm bệnh LMLM triển khai tiêu hủy ngay không để lây lan ra diện rộng.
Một trong những biện pháp phòng, chống dịch bệnh hiệu quả và chủ động nhất là triển khai tốt công tác tiêm phòng vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm. Năm 2008, toàn tỉnh đã tiêm vắc xin phòng bệnh cho 11.139 lượt con trâu bò, 252.026 lượt con lợn, 38.940 lượt con chó và tiêm vắc xin cúm cho hơn 11 triệu lượt gia cầm, góp phần ổn định tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, trong tháng cao điểm năm nay, Trung ương đã cấp cho Ninh Bình 10.000 lít hóa chất Benkocid, 50.000 liều vắc xin LMLM, 30.000 liều vắc xin tụ huyết trùng. Toàn bộ hóa chất và vác xin trên đã được Chi cục Thú y vận chuyển và cấp phát kịp thời cho các địa phương triển khai thực hiện trước và sau Tết Kỷ Sửu.
P.V: Cơ quan chuyên môn có những khuyến cáo gì với các hộ chăn nuôi?
Đồng chí Hà Quốc Thịnh: Để tạo điều kiện cho chăn nuôi phát triển, Chi cục Thú y khuyến cáo các hộ chăn nuôi thực hiện tốt 4 biện pháp sau: Trước tiên các hộ chăn nuôi cần thực hiện tốt công tác vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường, chuồng trại theo đúng hướng dẫn của cán bộ thú y. Tổ chức tiêm phòng vắc xin định kỳ hàng năm và tiêm bổ sung cho số gia súc, gia cầm mới nhập đàn để tăng sức đề kháng cho đàn gia súc, gia cầm. Thực hiện tốt khâu kiểm dịch, kiểm soát giết mổ; không mua bán những sản phẩm, thịt gia súc, gia cầm ốm chết, không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch. Chọn mua con giống ở những cơ sở có uy tín, được các cơ quan có thẩm quyền cấp phép. áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi. Thường xuyên theo dõi, giám sát chặt chẽ đàn gia súc, gia cầm. Mùa đông phải che phủ chuồng trại đảm bảo đủ độ ấm, những ngày giá rét không chăn thả ngoài đồng, cho ăn đầy đủ để tăng sức đề kháng cho gia súc, gia cầm.
Thanh Chiên