Phóng viên: Xin ông cho biết, nguy cơ xảy ra các loại dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm ở tỉnh ta hiện nay như thế nào?
Ông Hà Quốc Thịnh: Theo số liệu báo cáo của Bộ Nông nghiệp &PTNT, hiện nay, cả nước đã cơ bản khống chế được dịch tả lợn châu Phi với 99% số xã bị dịch đã qua 30 ngày. Tuy nhiên, theo chiều ngược lại thì dịch cúm gia cầm lại đang có chiều hướng lan rộng.
Từ đầu năm 2020 đến nay, cả nước có 43 ổ dịch cúm gia cầm (bao gồm 38 ổ dịch do virus cúm A/H5N6 và 5 ổ dịch do virus cúm A/H5N1). Dịch cúm gia cầm xuất hiện tại 13 tỉnh, thành phố. Cụ thể tại: Hà Nội, Hải Phòng, Hòa Bình, Bắc Ninh, Hà Nam, Ninh Bình, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Bình Dương và Trà Vinh. Ngoài ra, bệnh lở mồm long móng cũng đã xảy ra tại một số tỉnh và có nguy cơ lây lan diện rộng.
Riêng với Ninh Bình, thời gian qua tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi cơ bản được khống chế tốt. Về dịch tả lợn châu Phi, tính đến ngày 23/3, đã có 141/142 xã, phường, thị trấn công bố hết dịch, chỉ còn duy nhất phường Tân Bình, thành phố Tam Điệp là dịch bệnh chưa qua 30 ngày. Trên đàn gia cầm, ổ dịch cúm H5N6, ngày 16/2, ở xóm 4, xã Lạc Vân, huyện Nho Quan, cũng đã qua 21 ngày. Các dịch bệnh nguy hiểm khác trên đàn vật nuôi không xảy ra.
Tuy nhiên, hiện nay, thời tiết diễn biến phức tạp, nhất là mưa ẩm kéo dài đang tạo điều kiện rất thuận lợi cho các loại mầm bệnh đang lưu hành trong môi trường, gây ra dịch bệnh. Ngoài ra, tổng đàn gia súc ăn cỏ, gia cầm ở Ninh Bình đang cao nhất từ trước đến nay, nhưng quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn còn nhiều.
Bên cạnh đó việc nuôi tái đàn lợn sẽ tăng cao trong thời gian tới; hoạt động buôn bán, lưu thông gia súc, gia cầm và các sản phẩm động vật rất lớn; tập quán, thói quen buôn bán, giết mổ động vật nhỏ lẻ, theo cách truyền thống (như sử dụng thịt tươi, bán gia cầm sống) còn phổ biến...
Trong khi đó, trên địa bàn tỉnh, số cơ sở sản xuất giống vật nuôi còn ít, chưa chủ động nguồn cung cấp con giống đảm bảo chất lượng; việc kiểm soát về chất lượng, nguồn gốc con giống còn nhiều bất cập nên nguy cơ xảy ra các loại dịch bệnh động vật là rất lớn, đe dọa đến sự phát triển của ngành chăn nuôi, an toàn thực phẩm và sức khỏe cộng đồng.
Phóng viên: Trước những nguy cơ nêu trên thì Chi cục đã có những động thái gì để kiểm soát, kiểm dịch con giống cũng như phòng chống dịch bệnh?
Ông Hà Quốc Thịnh: Để chủ động khống chế dịch bệnh, Chi cục đang phối hợp chặt chẽ với các địa phương tiếp tục kiểm tra, giám sát, đôn đốc công tác phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Làm tốt việc phát hiện, thông tin báo cáo dịch bệnh từ người chăn nuôi, cán bộ thú y xã, phường tới Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp và Chi cục, từ đó, triển khai các biện pháp khống chế kịp thời không để dịch bệnh phát tán lây lan ra diện rộng.
Tăng cường lực lượng thực hiện công tác kiểm dịch tại gốc đối với gia súc, gia cầm vận chuyển đi nơi khác tiêu thụ; cách ly, kiểm soát chặt chẽ đối với gia súc, gia cầm đưa vào địa bàn theo quy định. Tuyên truyền, đưa tin đầy đủ, chính xác và kịp thời về tình hình diễn biến, nguy cơ dịch bệnh. Hướng dẫn người chăn nuôi các biện pháp phòng chăn nuôi an toàn sinh học và quy trình thực hành tốt trong chăn nuôi, thường xuyên vệ sinh, khử trùng tiêu độc môi trường; bổ sung chất dinh dưỡng, khoáng chất để nâng cao sức đề kháng cho đàn vật nuôi.
Hiện, Chi cục cũng đang đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng vắc xin trên đàn gia súc, gia cầm vụ xuân - hè, thời gian từ 10/3 đến 30/4. Đối tượng tiêm phòng là gia súc, gia cầm chăn nuôi tại các hộ gia đình, các trang trại, cơ sở chăn nuôi của các đơn vị, tổ chức, cá nhân trên toàn tỉnh. Trên đàn trâu, bò tập trung tiêm phòng vắc xin tụ huyết trùng, vắc xin lở mồm long móng.
Trên chó, mèo là vắc xin phòng bệnh dại. Với đàn lợn tiêm phòng các loại bệnh lở mồm long móng, tai xanh, tả, tụ dấu, phó thương hàn. Riêng đàn gia cầm, tập trung tiêm phòng triệt để cho đàn vịt, khuyến khích tiêm phòng cho đàn gà, ngan, ngỗng. Khi có ổ dịch xảy ra thì tổ chức tiêm bao vây cho tất cả gia cầm tại các xã có dịch và các xã xung quanh.
Phóng viên: Ông có những khuyến cáo gì đối với người chăn nuôi đang có ý định tái đàn trong bối cảnh hiện nay?
Ông Hà Quốc Thịnh: Bà con lưu ý nên dần từng bước chuyển chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang chăn nuôi tập trung, trang trại; áp dụng công nghệ cao, tổ chức sản xuất khép kín hoặc liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị từ sản xuất giống, thức ăn, đến chế biến để nâng cao năng suất, mang lại hiệu quả kinh tế và đảm bảo vệ sinh môi trường.
Cần áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật, chăn nuôi theo hướng an toàn, ngay từ lúc mua con gống gia súc, gia cầm về nuôi phải lựa chọn từ cơ sở có uy tín, có giấy chứng nhận kiểm dịch của cơ quan thú y; sử dụng thức ăn cho vật nuôi đảm bảo chất lượng, đảm bảo quy trình chăn nuôi; tiêm phòng và thực hiện biện pháp phòng bệnh đầy đủ cho vật nuôi.
Những vùng bị dịch nhưng đã qua 30 ngày và được công bố hết dịch theo quy định, không bị tái dịch và đủ điều kiện, đảm bảo các biện pháp an toàn sinh học thì có thể tái đàn với khoảng 10% tổng số gia súc, gia cầm có thể nuôi tại cơ sở. Sau khi tái đàn 30 ngày, lấy mẫu xét nghiệm, nếu tất cả các mẫu đều âm tính với bệnh dịch mới dần tăng đàn.
Ngoài ra, việc tái đàn phải dựa trên nguyên tắc kiểm soát được dịch bệnh, cân đối cung cầu thực phẩm, tránh việc tái đàn ồ ạt dẫn đến dư thừa, rớt giá và thua lỗ.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông!
Hà Phương (thực hiện)