Qua công tác giám sát, thống kê của Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh, từ đầu năm đến nay, tình hình dịch bệnh trên địa bàn toàn tỉnh vẫn chủ yếu là các loại bệnh: tiêu chảy, thủy đậu, quai bị, tay-chân-miệng, sởi…Trong đó, mặc dù tại một số địa phương đã bùng phát dịch sởi gây tử vong ở người nhưng Ninh Bình đã không để dịch sởi lây lan ra diện rộng, không có bệnh nhân tử vong do sởi. Các trường hợp cúm A (H5N1), cúm A (H7N9) chưa ghi nhận có trường hợp nào mắc phải trên người. Để thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, Sở Y tế đã thành lập các đoàn kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh tại 8/8 huyện, thành phố, thị xã thường xuyên giám sát dịch bệnh tại Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Sản- nhi tỉnh và Bệnh viện Quân y 5, các phòng khám đa khoa khu vực, các bệnh viện tuyến huyện. Ngành Y tế đã tăng cường công tác giám sát các bệnh truyền nhiễm lây từ gia cầm sang người tại cộng đồng, đặc biệt các trường hợp có tiền sử đi về từ khu vực có dịch hoặc tiếp xúc với gia cầm bị bệnh. Việc giám sát chặt chẽ tình hình, diễn biến của bệnh sởi tại các đơn vị y tế trong tỉnh đã phát hiện sớm, cách ly điều trị các trường hợp mắc bệnh, không để dịch lây lan. Cùng với những chuẩn bị về phương tiện, máy móc, phòng bệnh, khu vực cách ly, đội ngũ… tại các đơn vị điều trị, ngành Y tế đã đặc biệt quan tâm đẩy mạnh công tác truyền thông phòng, chống dịch bệnh đến người dân, khuyến cáo mạnh mẽ người dân thực hiện ăn sạch, ở sạch, uống sạch, không sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, không ăn tiết canh và sử dụng các sản phẩm chưa được chế biến hợp vệ sinh. Tuyên truyền rộng rãi về các biện pháp phòng, chống bệnh sởi, lợi ích của việc tiêm vắcxin phòng bệnh sởi. Thời gian qua, ngành Y tế đã phối hợp với các ngành nông nghiệp kiểm tra, xử lý nghiêm các hộ kinh doanh, buôn bán gia cầm và các sản phẩm gia cầm không được kiểm dịch, không rõ nguồn gốc trên thị trường. Có kế hoạch và tổ chức tốt các đợt vệ sinh, tiêu độc, khử trùng định kỳ tại các chợ bán gia cầm sống nhằm hạn chế tối đa sự lưu hành của các chủng vi rút cúm gia cầm trong môi trường có thể lây sang người. Phối hợp với ngành giáo dục- đào tạo tổ chức tập huấn về phòng, chống bệnh tay-chân-miệng trong các nhà trường. Bên cạnh đó, công tác truyền thông về lợi ích, sự cần thiết phải đưa trẻ em trong độ tuổi đi tiêm chủng được chú trọng thực hiện và đã góp phần tích cực vào việc phòng, chống dịch bệnh cho trẻ. Hiện nay, tại Ninh Bình có 8 bệnh được tiêm vắcxin phòng bệnh theo Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia. Theo kết quả tiêm chủng hàng năm, đa số các chỉ tiêu về tiêm chủng được thực hiện đúng tiến độ như: Tỷ lệ trẻ em tiêm vắcxin BCG, uống vắcxin OPV, tỷ lệ phụ nữ có thai tiêm vắcxin uốn ván. Năm qua, tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm đầy đủ đạt 96,6%... Mặc dù đạt được những kết quả khả quan trong công tác phòng, chống dịch bệnh, không để dịch lớn, dịch nguy hiểm xuất hiện trên địa bàn, nhưng do là tỉnh du lịch nên lượng khách trong và ngoài nước đến tham quan, du lịch đông nên công tác phòng, chống dịch bệnh không được chủ quan, lơ là. Trước tình hình trên, UBND tỉnh đã có công văn chỉ đạo các địa phương, đơn vị và trọng tâm là ngành Y tế quan tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh.
Giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan chủ động xây dựng kế hoạch triển khai các hoạt động đáp ứng với các tình huống của dịch bệnh. Trong đó, chú trọng việc tổ chức giám sát chặt chẽ tại cộng đồng và các cơ sở y tế đối với các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh Ebola và có tiền sử đi về từ vùng có dịch trong vòng 21 ngày, nhằm phát hiện sớm các ca bệnh, chẩn đoán nhanh, khoanh vùng và xử lý ổ dịch kịp thời, triệt để, không để lây lan. Chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh, đơn vị y tế dự phòng chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc và hóa chất khử khuẩn, khu điều trị cách ly, các phương tiện vận chuyển riêng biệt theo đúng quy trình và quy định của Bộ Y tế để tổ chức tốt việc dự phòng, thu dung và điều trị bệnh nhân mắc bệnh do vi rút Ebola.
Đảm bảo thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng hộ cá nhân cho nhân viên y tế, người tiếp xúc với những trường hợp mắc bệnh và nghi ngờ mắc bệnh, người nhà bệnh nhân để không lây lan bệnh cho nhân viên y tế và lây lan bệnh ra cộng đồng. Kiện toàn đội chống dịch, cấp cứu lưu động sẵn sàng làm nhiệm vụ khi được điều động.
Hiện nay, ngành Y tế tiếp tục thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo tình hình dịch bệnh kịp thời và theo quy định, triển khai đồng bộ các hoạt động phòng, chống dịch bệnh với phương châm không để xảy ra trường hợp tử vong, xử lý dứt điểm ổ dịch ngay từ ca bệnh đầu tiên.
Bùi Diệu