Là địa phương có địa hình trũng, thường xuyên xảy ra úng lụt khi có mưa to, bão lớn, xã Đức Long (Nho Quan) rất coi trọng công tác phòng chống dịch bệnh theo mùa, tích cực chỉ đạo Trạm y tế xã, đội ngũ y tế thôn bản tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền cho người dân. Bác sĩ Trần Thị Hồng, Trạm trưởng Trạm y tế xã Đức Long cho biết: Thời điểm sắp giao mùa xuân - hè như hiện nay rất dễ nảy sinh dịch ở một số loại bệnh truyền nhiễm như tay chân miệng, sốt phát ban nghi sởi và sốt xuất huyết. Đặc biệt sắp tới, thời gian từ tháng 4 đến tháng 5 là thời điểm thuận lợi cho muỗi phát triển mạnh, rất dễ gây thành dịch bệnh sốt xuất huyết.
Do vậy, Trạm y tế xã tăng cường công tác tuyên truyền, thông tin qua Đài truyền thanh xã, cấp phát tờ rơi tới các hộ dân, hướng dẫn người dân chủ động phòng, chống dịch bệnh ở tất cả các mùa, đặc biệt là bệnh sốt xuất huyết vào mùa hè và một số bệnh thường gặp trong thời tiết giao mùa như sởi, quai bị, cúm… Nhắc nhở người dân ý thức cao trong việc đảm bảo môi trường sống sạch sẽ, loại trừ nơi ở của muỗi; phun thuốc diệt muỗi, không để muỗi đốt nhằm hạn chế nguy cơ lây bệnh. Đồng thời hạn chế đến những nơi đông người, khu du lịch, địa điểm diễn ra lễ hội… Với các bệnh có vắc xin dự phòng như sởi, quai bị, viêm màng não…, người dân cần chủ động tiêm vắc xin để tạo miễn dịch; tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Những người mắc các bệnh truyền nhiễm cũng cần nêu cao ý thức, hạn chế tiếp xúc với người xung quanh nhằm tránh lây bệnh cho cộng đồng.
Khám bệnh cho người dân xã Gia Tường (Nho Quan).
Theo bác sĩ Hoàng Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Nho Quan, thời điểm giao mùa thường tạo ra sự thay đổi về nhiệt độ và độ ẩm, nóng lạnh, hanh khô, nồm ẩm, thuận lợi cho các bệnh như: Bệnh đường hô hấp gồm viêm phế quản, viêm phổi và bệnh cảm cúm, thủy đậu, sốt xuất huyết… phát triển. Qua nhiều năm làm công tác dự phòng cho thấy, đối với những loại bệnh đã có thuốc tiêm phòng như sởi, thủy đậu, cúm A H5N1..., người dân cần thực hiện tiêm phòng đầy đủ theo các mũi quy định của Bộ Y tế, từ đó hạn chế tình trạng mắc bệnh. Đơn cử như bệnh thủy đậu, năm 2017, toàn huyện có trên 40 ca mắc thủy đậu, năm 2018, nhờ tích cực tuyên truyền người dân tiêm phòng, toàn huyện chỉ còn vài ca mắc bệnh này. Đối với các bệnh chưa có vắc xin tiêm phòng, Trung tâm chỉ đạo tuyên truyền sâu rộng đến các khu dân cư, trường học, doanh nghiệp chủ động dự phòng bằng việc vệ sinh nơi ở, sinh hoạt, thực hiện ăn chín uống sôi..., hạn chế thấp nhất bệnh dịch. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện có hàng trăm ca mắc bệnh cúm, tiêu chảy, hàng chục ca mắc tay chân miệng, thủy đậu, chỉ có 1 ca mắc bệnh sởi…. Tuy nhiên do chủ động trong công tác phòng chống dịch, chuẩn bị thuốc men, khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế, các ca mắc bệnh truyền nhiễm đều được điều trị khỏi, không gây thành dịch lây lan ra cộng đồng.
Bác sĩ Lê Hoàng Nam, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Hiện nay ở các tỉnh phía Nam, bệnh sởi đang lây lan thành dịch với số ca mắc tăng vài chục lần so với năm 2018. Tại các tỉnh miền Bắc, bệnh sởi cũng đang có dấu hiệu gia tăng, như tại thành phố Hà Nội, cùng thời điểm này năm 2018, toàn thành phố mới có hơn chục ca mắc, thì năm nay tăng lên trên 100 ca. Đối với Ninh Bình, tính từ đầu năm đến thời điểm ngày 14/2/2019, toàn tỉnh ghi nhận 9 trường hợp nghi mắc sởi; trong đó có 4 trường hợp dương tính, 3 trường hợp âm tính, 2 trường hợp chờ kết quả xét nghiệm, không có trường hợp nào tử vong. Hầu hết các bệnh nhân mắc sởi chưa tiêm phòng vắc xin hoặc tiêm không đầy đủ. Một số bệnh truyền nhiễm khác như cúm các loại, tay chân miệng, sốt xuất huyết.... cũng đã xuất hiện, với 6 ca mắc sốt xuất huyết, 4 ca tay chân miệng và hàng nghìn ca mắc cúm các loại...
Theo đánh giá của ngành chức năng, các bệnh truyền nhiễm hầu hết có số trường hợp mắc giảm so với cùng kỳ năm 2018, nhưng ngành Y tế không chủ quan, bởi các loại dịch bệnh có thể bùng phát bất cứ lúc nào. Theo đó, cùng với tuyên truyền đến người dân cách phòng, chống dịch bệnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cũng tuyên truyền sâu rộng để người dân thực hiện tiêm chủng mở rộng đối với các bệnh có vắc xin dự phòng. Trong tháng 2/2019, có hàng nghìn trẻ sơ sinh được tiêm phòng viêm gan B, trên 2 nghìn trẻ được tiêm chủng đầy đủ các mũi sởi, viêm não Nhật Bản, OPV, BH-HG-UV-VGB-Hib… và trên 2 nghìn phụ nữ có thai được tiêm AT2. Trung tâm y tế dự phòng cũng chú trọng đến công tác đảm bảo sức khỏe môi trường và sức khỏe trường học. Khuyến cáo các nhà trường, đặc biệt là bậc học mầm non tăng cường vệ sinh lớp học, phun thuốc diệt muỗi, đảm bảo khẩu phần ăn đủ dinh dưỡng, giữ gìn môi trường sống, chỗ ăn, ngủ đủ ấm hoặc mát theo điều kiện thời tiết, không để các mầm bệnh có điều kiện ủ bệnh và phát tán.
Đặc biệt, thực hiện kế hoạch phòng chống dịch bệnh mùa xuân 2019, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã chỉ đạo các Trung tâm y tế huyện, thành phố, các trạm y tế xã, phường, thị trấn tổ chức tuyên truyền về cách phòng, tránh một số loại bệnh thường gặp trong thời tiết giao mùa, đặc biệt là các bệnh cúm, sởi, tay-chân-miệng, sốt xuất huyết. Chỉ đạo các đơn vị tăng cường các hoạt động giám sát tại cộng đồng, phát hiện sớm, xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch xâm nhập, lây lan ra diện rộng. Cùng với đó chuẩn bị đầy đủ hóa chất khử khuẩn, vật tư, trang thiết bị và nhân lực để sẵn sàng hỗ trợ, triển khai các hoạt động phòng chống dịch kịp thời. Đồng thời, triển khai thực hiện phòng, chống dịch theo 3 cấp từ tuyến tỉnh đến tuyến huyện và tuyến xã. Có phương án đề xuất với UBND tỉnh các biện pháp phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, phù hợp với diễn biến dịch tễ tại các địa phương và trên địa bàn tỉnh…
Dự báo thời gian tới có thể xuất hiện và lây lan một số bệnh truyền nhiễm như sởi, các loại cúm có độc lực cao, tay-chân-miệng... Để chủ động phòng, chống một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đã xuất hiện thành ổ dịch cũ như bệnh sốt xuất huyết, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh khuyến cáo với người dân cần thực hiện vệ sinh sạch sẽ môi trường sống, hạn chế đến nơi đông người, thực hiện ăn chín, uống sôi, ăn uống đủ chất, đảm bảo dinh dưỡng, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, tiêm chủng đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh đã có và khi có dấu hiệu mắc bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời. Đặc biệt, khi phát hiện các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm, người dân cần chủ động báo cho cơ quan y tế và đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế để được điều trị kịp thời, không để lây lan thành dịch trong cộng đồng.
Mỹ Hạnh