Nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại trong vụ lúa đông xuân 2017-2018, ngay từ bây giờ bà con nông dân cần đặc biệt lưu ý đến công tác vệ sinh đồng ruộng, cầy vùi lúa chét và cỏ dại, tiêu hủy triệt để nguồn bệnh, hạn chế đưa vào cơ cấu những giống lúa đã bị nhiễm LSĐ nặng… Theo kế hoạch, vụ đông xuân 2017 - 2018, nông dân trên địa bàn 8 huyện, thành phố của tỉnh sẽ triển khai sản xuất 40.485 ha lúa. Thời gian gieo mạ chính vụ từ 20 - 25/1 và kết thúc cấy trước 25/2. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại trong vụ lúa tới là bệnh LSĐ có nguy cơ bùng phát mạnh trên diện rộng.
Đồng chí Nguyễn Thị Nhung, Trưởng phòng BVTV, Chi cục Trồng trọt & BVTV tỉnh cho biết: Năm 2017, bệnh LSĐ tái bùng phát và gây thiệt hại nặng cho sản xuất vụ hè thu, mùa ở nhiều tỉnh phía Bắc, nhiều diện tích bị bệnh nặng không cho thu hoạch. Riêng tại Ninh Bình, năm 2009, 2010 khi bệnh LSĐ trên lúa mới xuất hiện, mỗi năm đã có trên dưới 4 nghìn ha lúa đã bị ảnh hưởng. Sau đó, nhờ sự vào cuộc tích cực quyết liệt, tập trung phòng trừ bằng nhiều cách nên từ năm 2011-2016 diện tích nhiễm bệnh giảm rõ rệt, chỉ từ 100-600 ha.
Thế nhưng, mấy năm gần đây, do tư tưởng chủ quan vì không thấy bệnh xuất hiện, vấn đề xử lý giống, cây mạ trước khi cấy ít được quan tâm cộng với những diễn biến bất lợi về thời tiết, bệnh LSĐ đã bùng phát mạnh trở lại. Vụ mùa 2017, toàn tỉnh có 1.587 ha bị nhiễm LSĐ.
Trong đó, diện tích nhiễm nặng là: 331 ha, diện tích giảm 70% năng suất là: 192 ha, chủ yếu ở Kim Sơn, Nho Quan, Yên Khánh, Yên Mô… Như vậy nguồn bệnh tồn tại trên đồng ruộng hiện nay là rất lớn, nguy cơ cao ảnh hưởng đến cây trồng vụ đông xuân, đặc biệt đối với những vùng nông dân không che chắn cho mạ, những nơi không cày ải, để lúa chét, cỏ dại nhiều, những vùng trồng xen với ngô, vùng gieo sạ sớm.
Trước tình hình trên, Chi cục Trồng trọt & BVTV tỉnh đã đưa ra phương án phòng, chống bệnh LSĐ trong năm 2018. Theo đó, Chi cục sẽ kiểm tra, rà soát, lắp đặt mới hệ thống bẫy đèn để xác định đỉnh cao của rầy di trú, đặc biệt là rầy lưng trắng; lấy mẫu rầy vào đèn và mẫu rầy trên đồng ruộng giám định, xác định tỷ lệ rầy mang virus LSĐ để có biện pháp phòng trừ môi giới truyền bệnh và bố trí lịch thời vụ phù hợp. Tập huấn cho nông dân về cách nhận biết rầy lưng trắng, bệnh LSĐ, thời điểm rầy di trú và biện pháp phòng trừ để người dân biết và chủ động thực hiện.
Theo dõi chặt chẽ diễn biến của bệnh; phân công cán bộ phụ trách các địa phương hỗ trợ việc kiểm tra, giám sát tình hình bệnh. Kiểm tra, đôn đốc ngành nông nghiệp các huyện, thành phố khẩn trương phối hợp với chính quyền cấp xã hướng dẫn nông dân phòng trừ bệnh LSĐ trên lúa chét, cỏ dại trước khi triển khai sản xuất vụ lúa đông xuân 2017 - 2018.
Có mặt tại cánh đồng của xã Thượng Kiệm, huyện Kim Sơn, một trong những địa phương chịu ảnh hưởng của bệnh LSĐ trong vụ mùa 2017 vừa qua, chúng tôi nhận thấy, công tác dập dịch, vệ sinh đồng ruộng đang được chính quyền địa phương và người dân nơi đây hết sức chú ý.
Chị Vũ Thị Dung ở xóm 8, Thượng Kiệm một trong những hộ nông dân bị ảnh hưởng của bệnh LSĐ trong vụ mùa năm 2017, cho biết: Bệnh LSĐ thực sự rất nguy hiểm, đến lúc phát hiện ra bệnh rồi thì chỉ còn cách nhổ bỏ chứ phun bao nhiêu thuốc cũng không lại. Vụ mùa vừa rồi nhà tôi cấy hơn 1 mẫu lúa, có 4-5 sào không được thu.
Nghe các cán bộ kỹ thuật hướng dẫn rằng bệnh này phải phòng ngay từ đầu nên vụ này, được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, HTX trước khi bắt đầu bước vào sản xuất vụ đông xuân 2017- 2018, gia đình tôi đã huy động phương tiện máy móc, nhân lực ra đồng cầy vùi gốc rạ, lúa chét, làm sạch cỏ bờ, bón vôi để diệt mầm bệnh cũng như rầy còn sót lại.
Theo ông Nguyễn Ngọc Thức, Giám đốc HTX Thượng Kiệm, trong mùa vừa qua HTX có 45 ha bị nhiễm bệnh LSĐ, trong đó 8 ha nhiễm nặng, thiệt hại trên 70% năng suất. Với quyết tâm không để loại bệnh này xuất hiện trở lại trong vụ đông xuân 2017 - 2018, ngay từ đầu vụ, HTX đã chủ động phối hợp với Trạm Bảo vệ thực vật, Trạm Khuyến nông huyện thường xuyên theo dõi rầy vào đèn, lấy mẫu rầy trên đồng ruộng để gửi đi giám định, xác định tỷ lệ mang virus LSĐ.
Đồng thời hướng dẫn người dân quy trình làm đất, xử lý các tàn dư mầm bệnh và có ý thức khi sử dụng các loại giống lúa. Hiện nay, toàn bộ diện tích gần 360 ha ruộng của HTX đã được cày lật đất, sau khi lấy nước vào chúng tôi sẽ tiếp tục phát động nhân dân bón 10-15 kg vôi bột mỗi sào để xử lý mầm bệnh.
Ngành nông nghiệp khuyến cáo, ngay từ bây giờ nhà nông phải nhanh chóng tiến hành vệ sinh đồng ruộng, cày vùi gốc rạ nhằm ngăn ngừa lúa chét, lúa tái sinh phát triển; đặc biệt là tại các vùng đã có dịch, dọn sạch cỏ bờ ruộng, mương dẫn nước, tàn dư từ cây ngô ở vụ đông, các kí chủ trên đồng ruộng, hạn chế thức ăn và nơi trú ngụ của rầy lưng trắng.
Thực hiện gieo mạ tập trung theo vùng, có che phủ nilon để vừa kết hợp chống rét vừa che chắn rầy. Không gieo mạ ở gần những ruộng đang có nguồn bệnh, ven đường giao thông, những nơi có nguồn ánh sáng thu hút rầy vào ban đêm.
Ở những địa bàn vụ trước lúa bị bệnh LSĐ cần phun thuốc trừ rầy nội hấp cho mạ trước cấy 3 đến 4 ngày, khi phát hiện có rầy lưng trắng. Khi bệnh xuất hiện trên mạ, tùy theo mức độ nhiễm bệnh, tiến hành tiêu hủy cả luống hoặc cả ruộng sau khi đã phun bằng thuốc trừ rầy tiếp xúc; gieo bổ sung mạ nếu thời vụ cho phép.
Ngoài ra, bà con cũng lưu ý tăng cường sử dụng các giống kháng (chống chịu) rầy hoặc ít nhiễm rầy lưng trắng. Bón phân cân đối, đặc biệt không bón thừa phân đạm, áp dụng kỹ thuật thâm canh lúa cải tiến (SRI) ở nơi có điều kiện để tăng tính chống chịu của lúa đối với dịch hại.
Bài, ảnh: Hà Phương