Khẩn trương thu hoạch lúa mùa
Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và PTNT, với sự chỉ đạo khẩn trương của các địa phương, diện tích lúa đã chín được thu hoạch nhanh gọn. Tính đến trưa ngày 14/10, toàn tỉnh đã thu hoạch được khoảng 22.000 ha, xấp xỉ 70% diện tích gieo cấy.
Chiều tối 13/10, trên các cánh đồng HTX Đông Mai, xã Khánh Hải (Yên Khánh), không khí thu hoạch lúa mùa vẫn rất khẩn trương. Những chiếc máy gặt hối hả chạy trên ruộng, mỗi người một công đoạn, người gặt, người chuyển lên xe kịp chở lúa về nhà trước giờ bão ập tới.
Ông Đoàn Văn Quốc, Chủ tịch HĐQT HTX nông nghiệp Đông Mai cho biết: chúng tôi quyết tâm gặt xong toàn bộ 200 ha lúa mùa ngay trong đêm. Ngoài ra, đối với 60 ha cây vụ đông mới xuống giống, HTX cũng đã huy động nhân dân tập trung khơi thông dòng chảy, đảm bảo tiêu thoát nước tốt nhất. Được biết, đến thời điểm này, huyện Yên Khánh đã cơ bản thu hoạch xong toàn bộ diện tích lúa mùa.
Còn tại huyện Hoa Lư, sáng sớm ngày 14/10, trời đã bắt đầu đổ mưa, kèm gió nhưng trên một số cánh đồng nông dân vẫn tranh thủ ra đồng gặt lúa. Bà Nguyễn Thị Mai, xã Ninh Mỹ cho biết: Vụ mùa này gia đình tôi cấy 6 sào.
Tuy lúa chưa chín hết nhưng nghe tin bão có thể ảnh hưởng tới Ninh Bình, sợ mưa lớn gây đổ, ngập nên tôi huy động nhân lực tập trung thu hoạch. Hôm qua gặt được 4 sào, còn gần 2 sào nữa nay đợi máy đến gặt nốt đưa lúa về nhà cho yên tâm.
Ông Phạm Thái Thạch, Phó Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Hoa Lư cho biết, ngay sau khi nắm được thông tin cơn bão số 7 có khả năng đổ bộ vào đất liền tỉnh Ninh Bình trong ngày 14/10, từ sáng hôm qua (13/10), ngành Nông nghiệp huyện và chính quyền các địa phương đã hướng dẫn, vận động, hỗ trợ nông dân khẩn trương thu hoạch lúa đã chín để "chạy" bão.
Tính đến trưa ngày 14/10, có 2 xã đã thu hoạch được khoảng 80% diện tích là Ninh Khang và Ninh Mỹ, các địa phương còn lại tỷ lệ thu hoạch được khoảng 30-50% diện tích. Để đảm bảo an toàn cho diện tích lúa còn lại, huyện phối hợp với Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tổ chức vận hành các trạm bơm, mở các cống dưới đê để tiêu kiệt nước đệm trong đồng, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do mưa lớn gây ngập úng lúa, hoa màu.
Chủ động phòng, chống mưa bão
Tại vùng nuôi trồng thủy sản huyện Kim Sơn, hiện có hơn 4.000 ha với hàng nghìn hộ tham gia nuôi trồng thủy sản. Đây là khu vực được xác định là trọng điểm trong công tác phòng, chống lụt bão của tỉnh. Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 7 có thể ảnh hưởng trực tiếp tới Ninh Bình, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn, các ngành theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão gây ra.
Công tác phòng, chống cơn bão số 7 đã được các xã, thị trấn, các đơn vị trên địa bàn huyện tích cực triển khai. Trước khi bão đổ bộ vào đất liền, toàn bộ dân khu vực ngoài đê Bình Minh III đến Cồn Nổi và tàu thuyền ngoài khơi đã di chuyển vào nơi an toàn.
Thực hiện Công điện của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và TKCN tỉnh, huyện đã phối hợp với các đơn vị hiệp đồng tổ chức kiểm đếm, quản lý chặt chẽ việc ra khơi và giữ thông tin liên lạc thường xuyên với các tàu thuyền đang hoạt động trong khu vực ảnh hưởng của bão, kể cả tàu vận tải, các hộ nuôi trồng thủy hải sản phía ngoài đê biển Bình Minh III để kịp thời xử lý các tình huống xấu có thể xảy ra; kiểm tra, hướng dẫn việc neo đậu tàu thuyền tại bến.
Cùng với đó, người dân trong huyện đã chủ động thực hiện các biện pháp ứng phó trước, bảo vệ tài sản, bảo vệ vùng sản xuất. Ông Nguyễn Văn Bảy, xã Kim Đông cho biết: Gia đình tôi nuôi hơn 2ha tôm thẻ chân trắng và tôm sú. Để bảo vệ sản xuất, gia đình tôi đã huy động nhân lực chằng chống lại nhà cửa, kiểm tra bờ vùng, ao nuôi, có biện pháp che chắn để hạn chế thấp nhất nước mưa vào ao, đảm bảo giữ cân bằng các chỉ số như độ pH, độ mặn, độ kiềm... tránh sự xáo trộn về môi trường nuôi".
Đại diện Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: Ngành đã rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn hệ thống đê điều, hồ đập, đặc biệt là các công trình đang thi công hoặc hư hỏng, xuống cấp. Bên cạnh đó, chỉ đạo các đơn vị đang thi công các công trình trên đê tạm dừng việc thi công và có phương án đảm bảo an toàn cho đến khi bão tan. Đối với đoạn đê hữu Đáy từ K61-K63 yêu cầu đơn vị thi công tập trung hoàn trả mặt bằng đê đảm bảo cao trình chống lũ theo thiết kế.
Theo dự báo, lượng mưa có khả năng đạt phổ biến các khu vực trong tỉnh từ 100-200mm/đợt, có nơi trên 200mm/đợt, để sẵn sàng các biện pháp chống úng, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh đã vận hành 21 máy bơm tại 8 trạm; vận hành 63 cống trên phạm vi toàn tỉnh, trong đó có 59 cống dưới đê và 4 cống hồ điều tiết phòng lũ là: Thác La, Đồi Dù, Thượng Phường, Tiên Dương.
Ông Nguyễn Hồng Khang, Giám đốc Công ty cho biết: Trước khi vào mùa mưa bão, Công ty đã tổ chức kiểm tra công trình trước lũ, đánh giá toàn bộ hiện trạng hư hỏng công trình, lập kế hoạch sửa chữa những công trình phục vụ chống úng (ưu tiên những công trình trọng điểm).
Triển khai tu sửa những công trình, máy móc hư hỏng để kịp thời đưa vào phục vụ chống bão, lũ. Chủ động vật tư, nhiên liệu, nhân lực để vận hành công trình, thường xuyên kiểm tra máy móc, thiết bị đảm bảo 100% số máy bơm hoạt động tiêu úng khi cần.
Đối với vùng phân lũ, chậm lũ của hai huyện Nho Quan, Gia Viễn, có phương án cụ thể đảm bảo an toàn cho người, máy móc nhà trạm khi phải phân lũ và kế hoạch tiêu úng ngay sau khi lũ rút. Riêng Chi nhánh khai thác công trình thủy lợi huyện Gia Viễn chuẩn bị nhân lực cơ động để vận hành tràn Lạc Khoái, cống Mai Phương, Địch Lộng khi có lệnh của Ban Chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh phát lệnh mở cống để cắt giảm lũ cho sông Hoàng Long.
Nguyễn Lựu- Hồng Giang- Nguyễn Thơm