Ông Đỗ Văn Các, Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: Diện tích rừng và đất lâm nghiệp toàn tỉnh là gần 30 nghìn ha, trong đó rừng đặc dụng gần 17 nghìn ha, rừng phòng hộ gần 11 nghìn ha, rừng sản xuất hơn 2 nghìn ha. Nhận định thời tiết có diễn biến phức tạp, với nhiều đợt nắng nóng, hạn hán kéo dài, nguy cơ cháy rừng cao, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) rừng trên địa bàn tỉnh; mùa cháy rừng tập trung chủ yếu vào mùa khô từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau.
Ban chỉ huy PCCC rừng đã xác định công tác PCCC là nhiệm vụ trọng tâm, đã khoanh vùng trọng điểm thường xảy ra cháy rừng và chia thành 3 mức. Để nâng cao khả năng kiểm soát cháy rừng và hiệu lực của công tác PCCC rừng, giảm thiểu số vụ cháy và thiệt hại do cháy rừng gây ra, Ban chỉ huy PCCC rừng đã dùng các biện pháp để nâng cao năng lực PCCC rừng và nhận thức về công tác PCCC rừng, thường xuyên nhắc nhở các chủ rừng phải cùng với cấp ủy, chính quyền, đoàn thể tại các địa phương xác định nhiệm vụ PCCC rừng là nhiệm vụ của mình. Đồng thời xây dựng, củng cố, kiện toàn lực lượng chuyên ngành PCCC rừng và tổ, đội quần chúng bảo vệ rừng và PCCC rừng; xây dựng các công trình PCCC rừng, đầu tư phương tiện, trang thiết bị, công cụ phục vụ cho các hoạt động PCCC rừng; xây dựng và vận hành các hoạt động dự báo cháy rừng, phát hiện điểm cháy, chữa cháy rừng thuộc vùng trọng điểm cháy trên địa bàn tỉnh. Ban chỉ huy PCCC rừng xác định trọng tâm là phải đảm bảo an toàn về PCCC rừng cho các vùng trọng điểm, các khu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ tập trung, các khu du lịch sinh thái, tâm linh gắn liền với rừng hoặc trong rừng, khu vực có nhiều di tích lịch sử, văn hóa... không để cháy lớn gây thiệt hại về người, tài sản của Nhà nước và của nhân dân. Việc đào tạo huấn luyện và diễn tập chữa cháy rừng được thực hành cụ thể qua các tình huống giả định với quy mô đám cháy nhỏ (dưới 2ha); đám cháy vừa, khả năng phát triển nhanh (2- 5ha); đám cháy lớn…
Ông Đỗ Văn Các, Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm tỉnh nêu ý kiến: Để phát huy công tác PCCC rừng, cần xã hội hóa công tác PCCC rừng; tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, nhân dân về công tác PCCC rừng. Quy hoạch xây dựng các công trình PCCC rừng như: hệ thống đường giao thông, hệ thống đường băng xanh, băng trắng cản lửa, kênh mương, bể chứa, hồ đập. Ngoài ra, cần tăng cường đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý lửa rừng như phần mềm cảnh báo cháy rừng, phần mềm phân vùng trọng điểm cháy rừng, ảnh vệ tinh.
Bài, ảnh: Đức Lam