Những ngày cuối tháng 8, đầu tháng 9, trên địa bàn một số xã của huyện Nho Quan và Gia Viễn có một số trâu, bò có những biểu hiện của bệnh LMLM. Ngay sau khi phát hiện, Chi cục Thú y tỉnh đã cùng các địa phương kiểm tra tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, lấy mẫu bệnh phẩm gửi về Trung tâm Chẩn đoán thú y Trung ương để xét nghiệm xác định các chủng type gây bệnh LMLM.
Kết quả xét nghiệm cho thấy các mẫu đều âm tính với vi rút LMLM. Tuy nhiên, để đề phòng dịch bệnh phát sinh, Chi cục Thú y tỉnh đã chỉ đạo cán bộ chuyên môn Trạm Thú y huyện Nho Quan, Gia Viễn tăng cường giám sát địa bàn, phối hợp với chính quyền các cấp triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch đã đề ra.
Tiến hành cấp phát hóa chất RTD-Iodine cho các xã, thị trấn để thực hiện khử trùng tiêu độc môi trường, đồng thời triển khai tiêm phòng vắc xin LMLM cho những gia súc chưa mắc bệnh, ở những vùng có nguy cơ cao.
Đến nay, dịch bệnh trên trâu, bò của các địa phương này cơ bản đã được khống chế và không phát hiện thêm trâu, bò ốm mới, đồng thời chưa phát hiện biểu hiện bệnh trên các loài gia súc khác.
Là xã duy nhất của huyện Gia Viễn có gia súc có những biểu hiện của bệnh LMLM, xã Gia Thịnh đã chủ động các phương án, biện pháp nhằm hạn chế thấp nhất ảnh hưởng của dịch bệnh, quyết tâm không để dịch bệnh lây lan.
Ông Nguyễn Huy Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Cuối tháng 8, trên địa bàn xã có 15 con trâu bò của 10 hộ chăn nuôi tại thôn Liên Huy có triệu chứng bệnh LMLM.
Ngay sau khi phát hiện, chính quyền xã đã khẩn trương thành lập ban chỉ đạo phòng, chống dịch, tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh về các biện pháp phòng, chống dịch; khoanh vùng và yêu cầu các hộ chăn nuôi nuôi nhốt gia súc tại chuồng.
Đồng thời tiến hành cấp phát hóa chất để các hộ dân tiêu độc, khử trùng chuồng trại, khẩn trương triển khai tiêm phòng vắc xin LMLM cho 100 con trâu bò trên địa bàn.
Không chỉ có sự vào cuộc của chính quyền địa phương và các ngành chức năng, người chăn nuôi ở Gia Thịnh cũng đang chủ động áp dụng đồng bộ nhiều biện pháp để bảo vệ đàn vật nuôi.
Ông Nguyễn Đình Yến, xóm 4, Liên Huy là một trong những gia đình có trâu bị mắc bệnh cho biết: "Khi thấy có những triệu chứng điển hình của bệnh LMLM như sốt cao, ủ rũ, kém ăn, chảy nhiều nước rãi, luôn chép miệng, nước rãi sùi trắng, mọc các mụn nước ở lưỡi, lợi, niêm mạc vùng miệng, mụn nước mọc ở vành kẽ móng chân..., được sự hướng dẫn của thú ý xã, gia đình tôi đã nhanh chóng thực hiện tốt các biện pháp chữa trị như dùng các chất sát trùng nhẹ, bơm xịt nước vệ sinh miệng lưỡi cho con vật, rửa sạch bằng nước muối, nước lá chát, sau đó bôi các chất sát trùng lên vùng móng bị bệnh.
Đến nay 1 con trâu, 1 con nghé của gia đình đã cơ bản hồi phục, ăn uống tốt. Nuôi 4 con trâu, mặc dù không có con nào bị bệnh nhưng thời điểm này gia đình ông Đoàn Văn Mẫn, xóm 6, Liên Huy cũng hết sức cẩn trọng trong chăm sóc, nuôi dưỡng đàn gia súc của mình.
Ông Mẫn chia sẻ: "Chuồng trại của gia đình lúc nào cũng được dọn sạch sẽ, phun thuốc khử trùng, rắc vôi định kỳ, thời điểm dịch bệnh như thế này tôi thường dùng nước muối rửa mõm, rửa chân cho gia súc".
Nhờ các giải pháp tích cực trên, đến thời điểm này dịch bệnh trên đàn trâu, bò ở Gia Thịnh đã được cách ly, khống chế kịp thời. Tuy nhiên, theo nhận định của Chi cục Thú y thì điều kiện thời tiết nóng ẩm, chênh lệch giữa ngày và đêm lớn sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của đàn gia súc trong vùng.
Đặc biệt, việc chăn thả gia súc ngoài đồng, khu vực đê ven sông của người dân, thói quen chăm sóc, vệ sinh kém... sẽ khiến cho dịch bệnh dễ lây lan, bùng phát. Vì vậy, thời điểm này, người dân cần nâng cao nhận thức, chấp hành nghiêm chỉnh công tác chống dịch cho đàn vật nuôi.
Chị Lương Minh Hà, cán bộ phòng Dịch tễ Thú y, Chi cục Thú y cho biết: Bệnh LMLM là bệnh truyền nhiễm cấp tính, gây thiệt hại kinh tế nghiêm trọng, bệnh do vi rút gây nên. ở Việt Nam đã phát hiện chủ yếu 3 type gây bệnh là A, O và Asia1. Vi rút có trong nước bọt, phân, nước tiểu, tinh dịch, sữa, dịch trong các mụn mủ của con bệnh hoặc ở trong không khí, dụng cụ môi trường…
Bệnh có thể lây trực tiếp do nhốt chung con bệnh với con khỏe; lây gián tiếp qua người chăm sóc, phương tiện vận chuyển, dụng cụ chăn nuôi, ở các bãi chăn thả, chất thải chăn nuôi, môi trường có mầm bệnh.
Lợn sau khi khỏi bệnh vẫn bài thải vi rút trong 1-2 tháng, trâu bò có thể thải vi rút trong 3-6 tháng, thậm chí mang vi rút hàng năm, vì vậy trâu bò có thể lây bệnh do chăn thả cùng khu vực.
Để chủ động phòng, chống bệnh có hiệu quả, người chăn nuôi cần thực hiện tốt vệ sinh thú y: giữ gìn chuồng trại luôn khô ráo, sạch sẽ, định kỳ phun sát trùng.
Con giống đưa vào chăn nuôi phải khỏe mạnh, có nguồn gốc rõ ràng, đã được tiêm phòng bệnh LMLM; trước khi nhập đàn phải được nuôi cách ly 21 ngày. Thức ăn, nước uống dùng trong chăn nuôi phải đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh thú y.
Người chăn nuôi phải thường xuyên theo dõi quan sát đàn vật nuôi, khi thấy gia súc có hiện tượng ốm, sốt, bỏ ăn, chảy nước rãi, có mụn nước ở vùng miệng, quanh móng chân hoặc chết bất thường phải tiến hành cách ly ngay những con ốm ra khu vực riêng; không được chăn thả, không bán chạy, không giết mổ, vứt xác gia súc chết và chất thải của chúng ra môi trường. Báo ngay cho thú y hoặc chính quyền địa phương để được hướng dẫn biện pháp xử lý thích hợp.
Thực hiện tiêu hủy những con chết, những con ốm nặng không có khả năng hồi phục theo đúng quy trình kỹ thuật có sự giám sát của thú y, không làm phát tán mầm bệnh ra môi trường.
Thực hiện tốt công tác vệ sinh, khử trùng, tiêu độc: đối với hộ có dịch, phun hóa chất ngày 1 lần, xã có dịch 2 ngày 1 lần, thực hiện liên tục trong suốt thời gian có dịch.
Tiêm phòng vắc-xin bao vây ổ dịch, tiêm từ ngoài vào trong, người tiêm phòng phải thực hiện tốt an toàn sinh học không làm lây lan dịch.
Bệnh LMLM chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, biện pháp chủ yếu là nâng cao sức đề kháng tự nhiên cho con vật bằng cách tăng cường chăm sóc nuôi dưỡng, cho ăn thức ăn mềm dễ tiêu, bổ sung vitamin, điện giải, các thuốc trợ sức, trợ lực; vệ sinh môi trường, luôn giữ nền chuồng khô ráo, sạch sẽ.
Xử lý các vết loét bằng cách bôi các loại thuốc sát trùng như xanh Mê-ty-len, cồn iod hoặc nước chanh, khế, tiêm kháng sinh để chống bội nhiễm.
Để hạn chế dịch bệnh xảy ra, đảm bảo an toàn cho vật nuôi, các hộ chăn nuôi cần nắm vững và áp dụng tốt các biện pháp nêu trên nhằm hạn chế thiệt hại do dịch bệnh gây ra.
Bài, ảnh: Hà Phương