Theo đánh giá của Sở Công thương, năm 2016 kinh tế của tỉnh tương đối ổn định. Diễn biến giá cả thị trường hàng hóa, dịch vụ những tháng cuối năm 2016 có một số yếu tố quan trọng, góp phần bình ổn giá cả như: giá nguyên, nhiên vật liệu trong năm có tăng giảm nhiều lần nhưng so với cùng kỳ năm trước và các tháng trong năm không có biến động tăng nào rõ rệt; một số mặt hàng có khả năng ổn định hoặc giảm giá nhẹ như mặt hàng thóc gạo, phân bón, vật liệu xây dựng do nhu cầu tiêu thụ vẫn ở mức thấp cũng như nguồn cung được đảm bảo; mặt khác lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại đang ở mức thấp dễ dàng cho doanh nghiệp tiếp cận để dự trữ hàng hóa bình ổn giá phục vụ Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017.
Nhằm chủ động theo dõi, dự báo nguồn cung, nhu cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn, Sở Công thương đã chỉ đạo các doanh nghiệp, đơn vị thường xuyên khảo sát, theo dõi diễn biến giá cả thị trường và làm việc với các doanh nghiệp lớn hoạt động trong lĩnh vực phân phối mặt hàng công nghệ phẩm, mặt hàng thiết yếu để nắm tình hình hoạt động kinh doanh năm 2016 và kế hoạch dự trữ hàng hóa phục vụ Tết năm 2017.
Đến nay, 7 doanh nghiệp phân phối hàng tiêu dùng thiết yếu, một số siêu thị, trung tâm thương mại đã có kế hoạch dự trữ 393 tỷ đồng các mặt hàng: gạo, bánh kẹo, nước mắm, mì tôm, dầu ăn, bia, nước ngọt, xăng dầu, khí đốt... Dự báo nhu cầu hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán năm nay sẽ tăng khoảng 15-20% so với mức tăng bình quân của các tháng trong năm.
Do đó, các đơn vị doanh nghiệp đã chủ động dự trữ hàng hóa ngay từ những tháng cuối năm 2016. Ước tính, giá trị hàng hóa tiêu thụ trong dịp Tết Nguyên đán khoảng 470 tỷ đồng.
Các mặt hàng thiết yếu bao gồm: Rượu, bia, nước giải khát khoảng 1.100 tấn; bánh, mứt, kẹo các loại khoảng 550 tấn; hạt các loại khoảng 60 tấn; đường kính khoảng 150 tấn; dầu ăn khoảng 270 tấn; mỳ chính, bột ngọt khoảng 50 tấn; muối, bột canh, hạt nêm 140 tấn; chè các loại khoảng 25 tấn; gạo tẻ khoảng 2.400 tấn; gạo nếp khoảng 800 tấn; đậu xanh khoảng 130 tấn; thịt lợn khoảng 820 tấn; thịt bò khoảng 420 tấn; thịt gà khoảng 550 tấn; các nhóm hàng phi thực phẩm (như dệt may, đồ gia dụng, hóa mỹ phẩm, khí dầu mỏ hóa lỏng, xăng dầu …) chiếm khoảng 42 tỷ đồng, giá trị mặt hàng hoa cây cảnh, đào, quất dự kiến khoảng 28 tỷ đồng...
Qua công tác kiểm tra thị trường của Sở Công thương, hiện nay các doanh nghiệp đã xây dựng kế hoạch và chuẩn bị lượng hàng hóa đa dạng sẵn sàng phục vụ Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017.
Ông Hoàng Trung Kiên, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: Thị trường Ninh Bình hiện tại tương đối ổn định, giá bán các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu không có biến động lớn. Tuy nhiên, vấn đề an toàn thực phẩm đang diễn biến khá phức tạp, gây tác động bất lợi đến thị trường.
Để chủ động ngăn chặn kịp thời, hiệu quả tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, nhất là trong các tháng cuối năm 2016 và dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, Sở đã chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường phối hợp với các ngành liên quan xây dựng và triển khai kế hoạch kiểm tra chuyên đề đấu tranh chống buôn lậu, buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo an toàn thực phẩm và gian lận thương mại trong và sau dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017.
Theo đó, các Đội Quản lý thị trường đã tham mưu cho UBND huyện, thành phố các biện pháp quản lý thị trường và tăng cường công tác quản lý địa bàn, rà soát các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên địa bàn nhằm thu thập thông tin, nắm chắc diễn biến thị trường để thực hiện tốt việc kiểm tra, xử lý vi phạm quy định về giá, đo lường, chất lượng và công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý; đảm bảo ổn định thị trường để phục vụ nhu cầu của nhân dân trong dịp Tết.
Lãnh đạo Chi cục Quản lý thị trường tỉnh cũng cho biết: Chi cục đã tăng cường công tác tuyên truyền góp phần nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tấn, báo chí đưa tin kịp thời về các vụ việc kiểm tra, xử lý điển hình, hướng dẫn khuyến cáo người tiêu dùng trong việc lựa chọn, mua và sử dụng sản phẩm hàng hóa đảm bảo chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Điểm mới trong công tác phòng, chống gian lận thương mại dịp Tết Nguyên đán năm 2017 là Chi cục đang tổ chức cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh ký cam kết không kinh doanh hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng kém chất lượng… theo đúng quy định của pháp luật.
Tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch kiểm tra chuyên đề chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 theo đúng trọng tâm, trọng điểm nhằm đạt mục đích và hiệu quả thiết thực.
Đại diện Phòng Quản lý thương mại, Sở Công thương cũng cho biết: Phòng đã chủ động phối hợp với Chi cục Quản lý thị trường theo dõi sát diễn biến thị trường, giá cả các mặt hàng thiết yếu, đánh giá cung cầu các mặt hàng, nhất là các mặt hàng tiêu dùng nhiều trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán để đề xuất với UBND tỉnh các biện pháp bảo đảm cung ứng đủ nguồn hàng, đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất và đời sống, không để xảy ra tình trạng mất cân đối cung cầu, tăng giá đột biến.
Vận động các đơn vị sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tích cực tổ chức các "điểm bán hàng Việt bền vững", các "điểm bán hàng bình ổn giá" và các chương trình khuyến mại hợp pháp để phục vụ tốt nhu cầu mua sắm của nhân dân tại các địa phương, nhất là khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng còn nhiều khó khăn, góp phần bình ổn thị trường, đảm bảo an sinh xã hội...
Bài, ảnh: Bảo Yến