Chủ động khoanh vùng, xử lý sự cố sạt lở núi đá tại phường Tam Chúc
Thứ Năm, 10/07/2025, 11:21
Zalo
Ngày 26/6, tại phường Tam Chúc xảy ra sự cố sạt lở núi đá gần khu vực sinh sống của một số hộ dân. Tuy vụ sạt lở không gây thiệt hại về người, song đá văng vào nhà dân làm hư hỏng một số tài sản. Để chủ động bảo vệ tính mạng, tài sản cho nhân dân, các cấp chính quyền địa phương và ngành chức năng đã chủ động triển khai các biện pháp phòng ngừa sạt lở, di dời một số hộ dân sinh sống gần khu vực sạt lở đá đến nơi an toàn, đồng thời cắm biển cảnh báo để ngăn người dân tiếp cận khu vực nguy hiểm.
Ngành chức năng đến kiểm tra, đánh giá hiện trường vụ sạt lở núi đá tại phường Tam Chúc.
Theo báo cáo của UBND phường Tam Chúc, vụ sạt lở đá xảy ra khoảng 12 giờ 40 phút ngày 26/6 tại khu vực thôn Đoài (trước đây là xã Khả Phong, thị xã Kim Bảng, tỉnh Hà Nam cũ), nay là phường Tam Chúc, tỉnh Ninh Bình. Khu vực xảy ra sạt lở tại điểm Mỏ sét Khả Phong I (phường Tam Chúc) thuộc Công ty Cổ phần Xi măng Vicem Bút Sơn được cơ quan chức năng cấp phép khai thác sét từ năm 1995 và hiện đã dừng khai thác theo quy định của tỉnh.
Tại khu vực này có một số hộ dân sinh sống, định cư nhiều năm và hiện tại vẫn phát triển sản xuất, kinh doanh. Nguy hiểm hơn, khu vực này nằm cách tuyến Quốc lộ 21A khoảng chừng 200 mét, điều này không chỉ gây nguy hiểm cho một số hộ dân mà còn ảnh hưởng đến người, phương tiện lưu thông qua tuyến đường này.
Điểm sạt lở núi đá gần Quốc lộ 21A, tuyến đường có lượng người và phương tiện tham gia giao thông đông đúc.
Khi có mặt tại hiện trường sự cố vụ sạt lở núi đá, một số người dân địa phương cho biết: Vụ sạt lở đá xảy ra vào khoảng 12 giờ 40 phút trưa ngày 26/6, vào thời điểm người dân đang nghỉ trưa trong nhà thì bất ngờ nghe thấy một tiếng nổ lớn, sau đó chạy ra xem thì thấy hàng trăm khối đá từ trên cao đổ ập xuống. Rất may, khu vực sạt lở núi đá cách xa nhà các hộ dân, lại có khoảng cách bằng một ao nước nên khi lượng đá sạt lở rơi xuống đã phần nào hạn chế văng vào phía nhà dân. Tuy nhiên, điều may mắn nhất vụ sạt lở không gây thiệt hại về người, song do lượng đá sạt lở lớn đã văng vào nhà dân làm hư hỏng một số tài sản.
Bà Nguyễn Thị Thạc, một hộ dân sinh sống gần nơi xảy ra sạt lở cho biết: Gia đình tôi sinh sống ở đây đã hơn 40 năm. Tuy nhiên, qua các phương tiện thông tin đại chúng trong thời gian qua tôi thấy tại một số địa phương đã xảy ra một số vụ sạt lở đất, đá mỗi khi mưa lớn kéo dài, tôi cũng rất lo lắng. Vụ sạt lở đá vừa qua khiến tôi vô cùng lo sợ và rất mong ngành chức năng, chính quyền địa phương sớm nghiên cứu, xem xét để gia đình chuyển đến nơi an toàn.
Các hộ dân bị ảnh hưởng phải đóng cửa nhà, di dời đến nơi an toàn.
Qua quan sát thực tế chúng tôi nhận thấy: không chỉ riêng bà Thạc mà một số hộ dân sống gần khu vực sạt lở cũng rất lo lắng, khi hiện nay trên đỉnh núi cao vẫn còn một số tảng đá treo lơ lửng, có nguy cơ sạt lở xuống bất cứ lúc nào vì đã xuất hiện những “vết nứt” hoặc đã “hở hàm ếch”, đề nghị ngành chức năng, chính quyền địa phương sớm đưa ra phương án giải quyết nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho nhân dân.
Ông Phạm Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND phường Tam Chúc cho biết: Sau khi xảy ra sự cố sạt lở núi đá tại khu vực thôn Đoài, UBND xã Khả Phong (cũ) đã triển khai lực lượng nhanh chóng xuống hiện trường sơ tán người dân đến nơi an toàn; đồng thời, xác định hiện trường, kiểm kê xác định tài sản thiệt hại đối với từng hộ dân và có phương án hỗ trợ thiệt hại về tài sản, vật kiến trúc cây cối, hoa màu của các hộ bị ảnh hưởng do sạt lở. Đồng thời, báo cáo UBND thị xã Kim Bảng (cũ) về sự cố sạt lở đá tại Khu vực Mỏ sét Khả Phong I.
Cùng với đó, UBND thị xã Kim Bảng đã có văn bản báo cáo UBND tỉnh Hà Nam (cũ) chỉ đạo ngành chức năng phối hợp cùng đơn vị, địa phương tiến hành kiểm tra, đánh giá thực trạng cũng như kiểm kê, đánh giá thiệt hại của người dân để có biện pháp hỗ trợ. Qua kiểm tra, đánh giá thực địa, UBND thị xã Kim Bảng đã gửi văn bản đến Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh, xin phương án xử lý, đồng thời đề xuất tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng. Để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân, tại khu vực xung quanh xảy ra sạt lở, chính quyền địa phương đã chủ động khoanh vùng, xử lý sự cố sạt lở, tiến hành cắm biển cảnh báo, cấm người dân lại gần.
Qua tìm hiểu được biết, với sự vào cuộc đồng bộ, hiệu quả của cấp uỷ, chính quyền và sự phối hợp của các đơn vị có liên quan, ngoài việc đánh giá nguyên nhân vụ sạt lở, cấp uỷ, chính quyền, các đơn vị liên quan còn tích cực khẩn trương, đánh giá thiệt hại, sớm hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống. Theo đó, cấp uỷ, chính quyền địa phương phối hợp đơn vị liên quan hỗ trợ ban đầu hộ bà Lê Thị Ly 30 triệu đồng; hộ bà Nguyễn Thị Thạc 55 triệu đồng trong ngày 30/6. Đặc biệt, những ngày gần đây, với sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh, ngành chức năng đã và đang phối hợp chính quyền địa phương tiến hành xác minh nguyên nhân vụ sạt lở, tiến hành khảo sát quan trắc, địa chất để chủ động đề ra các giải pháp bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho nhân dân.
Hiện trường vụ sạt lở núi đá tại thôn Đoài, phường Tam Chúc.
Qua vụ việc sự cố sạt lở núi đá tại phường Tam Chúc, ngành chức năng khuyến cáo: Trước diễn biến bất thường của thời tiết những năm qua cho thấy, các hình thái thiên tai, đặc biệt là sạt lở đất, đá ngày càng diễn biến phức tạp và không theo quy luật. Do đó, các địa phương có diện tích núi, đồi nhiều, nơi có nguy cơ sạt lở cao cần tiến hành rà soát, thông tin cảnh báo về nguy cơ sạt lở; tiến hành kiểm tra, rà soát các hộ dân sinh sống ở vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét, sẵn sàng sơ tán dân; chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật tư, phương tiện theo quy định, sẵn sàng ứng phó khi sự cố xảy ra. Cắm biển cảnh báo khu vực sạt lở nguy hiểm, làm rào chắn, kiên quyết không để người, phương tiện đến gần khu vực sạt lở.
Cùng với sự vào cuộc tích cực của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, người dân cũng cần nâng cao ý thức đề phòng, chủ động ứng phó, tránh để hậu quả đáng tiếc xảy ra.