Trên địa bàn tỉnh có trên 100 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong lĩnh vực may mặc, trong đó có một số doanh nghiệp lớn như Công ty TNHH May NienHsing Ninh Bình tại Khu công nghiệp (KCN) Khánh Phú (công suất 24 triệu sản phẩm/năm), Công ty TNHH Great Global Internationnal tại KCN Gián Khẩu (công suất 16 triệu sản phẩm/năm), Công ty may Phoenix Prince tại KCN Tam Điệp (công suất 5 triệu sản phẩm/năm)... Các doanh nghiệp may xuất khẩu đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho gần 20.000 công nhân ở các địa phương trong tỉnh.
Báo cáo của Sở Công thương cho thấy, tổng giá trị xuất khẩu 4 tháng đầu năm ước đạt trên 677,3 triệu USD, tăng 51,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó may mặc là mặt hàng có giá trị xuất khẩu tăng khá và ổn định so với cùng kỳ năm trước. Với thị trường chủ yếu là châu Âu, Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc. Đây là kết quả tăng trưởng đáng ghi nhận thể hiện sự nỗ lực của doanh nghiệp.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn nói chung và doanh nghiệp may mặc xuất khẩu nói riêng, Sở Công thương đã phối hợp với Cục Xuất nhập khẩu tổ chức Hội nghị phổ biến Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cho 80 doanh nghiệp xuất, nhập khẩu. Tổng hợp nhu cầu tham gia Chương trình thương mại điện tử địa phương năm 2019 của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Trong tháng 4/2019, Phòng Quản lý xuất nhập khẩu đã tiếp nhận và cấp 447 bộ Giấy chứng nhận nguồn gốc xuất xứ (C/O) tạo điều kiện rút ngắn thời gian làm thủ tục xuất nhập khẩu cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh và các địa phương lân cận.
Ông Đỗ Ngọc Tân, Trưởng Phòng Quản lý xuất nhập khẩu, Sở Công thương đánh giá. Thời gian tới, khi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực với các ưu đãi như giảm thuế quan, mở cửa thị trường, sở hữu trí tuệ, tiếp cận nhiều thị trường lớn có tiềm năng, tận dụng được nguồn cung nguyên liệu, học hỏi công nghệ sản xuất và trình độ quản lý… mở ra nhiều cơ hội cũng như thách thức để các doanh nghiệp đầu tư chiều sâu vào kỹ thuật, công nghệ mới để tập trung vào khâu thiết kế và cải tiến mẫu mã cập nhật theo xu hướng thời trang quốc tế; qua đó nâng cao khả năng cạnh tranh và hội nhập. Chính vì vậy, tỉnh định hướng xây dựng ngành công nghiệp dệt may thành ngành xuất khẩu chủ lực có tính cạnh tranh cao.
Để làm được điều này, tỉnh đã có chính sách duy trì, phát triển các doanh nghiệp may hiện có theo hướng xuất khẩu với nhiều giải pháp như hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện các đề án khuyến công quốc gia và khuyến công địa phương để đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại, sử dụng công nghệ cao thay thế các thiết bị công nghệ lạc hậu, tiêu hao nhiều năng lượng.
Tuy nhiên, muốn tạo sức cạnh tranh thì buộc phải có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp chiến lược. Do đó, tỉnh cần hạn chế thu hút các dự án may mặc sử dụng nhiều lao động và sử dụng diện tích lớn. Ưu tiên thu hút mới các doanh nghiệp may sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, sử dụng lao động và quỹ đất tiết kiệm, hợp lý. Song song với chiến lược thu hút các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực dệt may thì Ninh Bình cũng khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ cho ngành dệt may như sản xuất sợi, vải, chỉ may, phụ kiện ngành may (như cúc, mex, khóa kéo…) vào trong các khu, cụm công nghiệp, từ đó chủ động nguồn nguyên liệu trong nước và nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm.
Trước mắt, Sở Công thương sẽ xây dựng và triển khai kế hoạch phát triển thương mại điện tử năm 2019. Phối hợp với các sở, ngành xây dựng Dự thảo kế hoạch triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu thực thi Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương trình UBND tỉnh phê duyệt. Triển khai công tác nâng cấp website của Sở, chuẩn bị điều kiện chuyển dữ liệu website sang giao diện mới. Phối hợp với các ngành thuế, hải quan, tài nguyên môi trường tổ chức bình chọn doanh nghiệp xuất khẩu uy tín năm 2019 trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, Sở cũng phối hợp với Cục Xuất nhập khẩu-Bộ Công thương tổ chức hội nghị phổ biến Hiệp định CPTPP cho các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu trên địa bàn tỉnh.
Nguyễn Thơm